Chuột đồng hoặc chuột cống nhum Cao Lãnh là nguyên liệu làm nên món thịt chuột nướng lu này. Chúng thường sống những nơi mát mẻ, chủ yếu ăn lúa gạo, bắp, khoai mì và thức ăn có sẵn trong tự nhiên như cua, ốc…
Chuột đồng Cao Lãnh có lông màu vàng nâu, thường sống thành từng đàn trong những hang thông nhau dưới đất. Chúng rất tinh khôn, ban ngày di chuyển như trong địa đạo vậy. Người ta săn chuột đồng quanh năm hoặc theo thời vụ từ tháng mười đến tháng ba âm lịch. Ngon nhất vẫn là chuột săn bắt sau vụ gặt. Mỗi khi gặt lúa xong, người dân quây đuổi chuột trên gò, giăng lưới bắt.
Nhắc đến các món đặc sản Đồng Tháp Mười, không thể thiếu chuột đồng, chuột cống nhum Cao Lãnh |
công hân |
Trong lúc chờ món ăn mang lên, ông Năm Trà thủng thẳng:
- Chuột khôn lắm. Chúng đào hang, đào ngách ngang dọc trong đất. Muốn bắt, phải kiếm đủ các ngách rồi lấp kín chỉ để hở một ngách chính đón chúng. Đào mở cửa hang cũng phải để ý. Nếu không, chết dễ như bỡn.
- Sao lại thế ạ?
- Rắn bò vô hang bắt chuột rồi lấy luôn hang làm chỗ trú ngụ. Nếu không giàu kinh nghiệm, thò tay vào mà bới rộng, gặp hổ đất nhào ra, tránh không kịp thì mất mạng. Đã có người bị rồi. Đường xá xa xôi, cấp cứu phức tạp, khó khăn. Sống được cũng thành tật. Người giàu kinh nghiệm khai hoang mở đất chính là người bắt chuột thiện nghệ. Kẻ đốt rơm, người hun khói, tìm bắt chuột rồi làm thịt ngay giữa cánh đồng, cùng nhau nhậu lai rai. Khác với chuột đồng, chuột cống nhum lớn và béo mầm. Loài này hung dữ, lông đen xám hay vàng mượt và thịt ngon, mềm, nạc, không tanh. Chuột cống nhum có những con nặng cả cân, đem quay lu vàng ruộm trông như heo sữa nướng.
Từ chuột đồng, chuột cống nhum Cao Lãnh, người ta chế biến thành hàng loạt món ngon như: chuột giả cầy, chuột xào chua ngọt, chuột rán, chuột nhúng dấm, thịt chuột luộc ép lá chanh, chuột đồng áp chảo, chuột đồng rang muối, chuột xào xả ớt, chuột khìa nước dừa, chuột nướng chao, chuột xào lăn… Tuy nhiên, ngon và độc đáo vẫn là chuột quay lu. Để cho ra món chuột quay ngon, có chất lượng phải chọn con to, mập, còn sống, khoảng từ dăm ba lạng trở lên. Nhúng chuột vào nước sôi để vặt lông được dễ dàng và không bị rách da. Da chuột ăn giòn và ngon nên ít ai bỏ đi khi làm thịt chuột. Sau khi làm sạch sẽ, để lại da ướp ngũ vị hương, gia vị rồi gài vào móc sắt đem treo giữa lu (còn gọi là khạp da bò) đậy nắp thật kín.
Dưới đáy lu khoét một lỗ thông ra ngoài nền đất ẩm để bỏ than vào nướng. Chuột sẽ được quay trong lu, khoảng năm, mười phút mở nắp một lần, trở đều cho chín. Khi thật chín, người ta phết lên da chuột một lớp mật ong nguyên chất cho dậy hương và đẹp màu. Món chuột quay lu đạt chất lượng khi da chúng phồng lên, ửng đỏ, thịt chín đều, căng tròn, đẹp mắt. Nhìn đã thấy muốn ăn rồi.
Chuột đồng, chuột cống nhum rất béo, thịt thơm ngon. Món này dùng kèm với muối tiêu chanh, rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo… mới đúng điệu. Cắn miếng thịt chuột, tiếng da kêu giòn rụm, tươm mỡ trong miệng, thấy ngon ngọt, béo ngậy, mùi vị thơm nức. Nếu chưa có dịp nếm thử mùi vị chuột đồng, chuột cống nhum nơi đây là bạn chưa biết thưởng thức hết đặc sản miền Tây.
Tôi chăm chú nhìn hai anh thanh niên lực lưỡng cởi trần khệ nệ khiêng chiếc lọp đầy chuột, ước vài chục cân vào nhà hàng. Con nào cũng mập ú, phần lông trên lưng đen mượt, khác với chuột sống tại các khu dân cư ao tù, có lớp lông loang lổ trên lưng.
Năm Trà thủng thẳng:
- Mỗi đêm họ đánh ba bốn mẻ rồi sáng sớm hôm sau thương lái đến thu mua. Ngày xưa bắt chuột là đập chết, bây giờ, phải nghĩ cách bắt sống và nâng như… nâng trứng.
Ông Năm cho biết: có nhiều nguyên nhân, cơ bản do nhu cầu xã hội. Ngày trước, chuột là thức ăn trong gia đình hoặc buôn bán với giá bình dân nên phương thức bắt, tự sản tự tiêu còn đơn sơ. Người ta đào hang, ví cù, đánh bẫy… bảo vệ lúa, hoa màu. Chủ yếu làm đồng, thấy thì đánh bắt. Cách bắt này đậm màu sắc văn hóa miệt vườn với những chú chó thông minh chạy trước đánh hơi, tìm hang cho chủ.
Trong lúc chủ hì hục đào hang, chó canh chừng khi lũ chuột tìm cách thoát thân... Trước hàm chó, chuột đều chết hoặc bị thương nên chỉ chế biến ăn ngay trong xóm.
Đến giờ, chuột trở thành đặc sản trong các nhà hàng sang trọng. Thương lái chấp nhận trả giá cao để mua chuột hơi, giữ tươi nguyên chuyển về phố thị. Người dân phải thay đổi cách đánh bắt, vừa góp phần bảo vệ mùa màng, vừa có thu nhập cao.
Chuột từ các đám đậu phộng thường được thương lái mua với giá nhỉnh hơn. Cũng giống chuột dừa Bến Tre, chuột rẫy đậu phộng được xem là đặc sản, vì được ăn những hạt đậu chứa đầy dầu nên lông chúng rất mượt, thân mập ú. Khi đã thành món ăn cũng béo ngon hơn.
Chuột đồng, chuột cống nhum Cao Lãnh là món ăn dân dã đầy hấp dẫn được xếp vào top các món đặc sản Đồng Tháp Mười. Món ăn này vừa ngon vừa giàu dinh dưỡng không khác thịt gà, thịt lợn hay thịt bò. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nơi trên thế giới đã đưa chuột vào danh sách các món ăn hấp dẫn không nên bỏ qua. Đồng Tháp Mười rất thích hợp để chúng ta có dịp tìm đến và thưởng thức đặc sản chuột đồng, chuột cống nhum Cao Lãnh.
Bình luận (0)