Về Hải Phòng một ngày đầu năm, chúng tôi tình cờ gặp bà Đỗ Thị Minh, 68 tuổi, cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của tổ dân phố số 10, P.Đằng Hải, Q.Hải An, TP.Hải Phòng. Bà Minh đang ở trong bếp và gọt vỏ một lát cắt của một trái cây gì đó rất lớn. Bà bảo đây là một phần của quả bầu khổng lồ mà hàng xóm vừa mang cho.
“Ông ấy tên là Phạm Quang Xá, người gốc xã Nghĩa Lộ, H.Cát Hải. Ở Cát Hải có giống bầu khổng lồ, ông ấy mang về đây trồng, ra quả thì cắt cho hàng xóm mỗi nhà một miếng nấu canh”, bà Minh nói, đồng thời cho biết có cháu dâu cũng là người gốc Cát Hải, cũng hay về quê và mang bầu ra chia cho họ hàng. Bà mời chúng tôi ở lại ăn thử cho biết thế nào là canh bầu khổng lồ Cát Hải.
Canh bầu khổng lồ nấu với tôm biển bóc nõn đập dập rất ngon. Thịt bầu không nát như bầu thường mà có độ trong và cứng vừa phải, vị thanh mát dễ chịu. Ăn xong bát canh bầu, chúng tôi quyết định phải sang chiêm ngưỡng giống bầu hiếm gặp này.
Trồng ở Cát Hải mới to, ngon?
Nhà ông Xá cách nhà bà Minh khoảng 50 m, trước cửa là thửa vườn với giàn bầu gần chục quả lớn nhỏ. Có khoảng 5 - 6 quả bầu khổng lồ đã “siêu to khổng lồ” với quả lớn nhất đường kính gần 30 cm, chiều cao gần 20 cm. Gia chủ đã dùng các tấm gỗ đỡ phía dưới và treo lên giàn để quả bầu khổng lồ không lôi cả dây xuống đất vì nặng quá.
Ông Xá có vẻ hiểu biết và đã đi khắp đó đây nhưng nói rằng chưa gặp ở đâu có giống bầu to quả như ở quê mình. Ông cũng cho biết khu vực này vốn là làng hoa, có chất đất tốt và cũng trồng được rất nhiều sản vật ngon nổi tiếng như ớt, dưa chuột, táo… Tuy nhiên, giống bầu mà ông mang về đây trồng trông to nhưng vẫn không bằng ở quê gốc Cát Hải, có lẽ do bầu hợp đất pha cát, ngấm nước mặn ở đảo. Ông nói rằng muốn nghe chuyện quả bầu khổng lồ chính hiệu thì phải ra Cát Hải.
|
Người đầu tiên chúng tôi gặp ở Cát Hải là ông Nguyễn Hữu Thiệu, 59 tuổi, người xã Hoàng Châu, H.Cát Hải. Từ thái độ thăm dò, khi nghe chúng tôi muốn “phỏng vấn” về giống bầu khổng lồ, ông Thiệu lập tức tỏ ra hào hứng, nói: “Tôi sinh ra ở đây. Từ bé đã thấy các cụ trồng giống bầu này rồi. Đảo Cát Hải ngày xưa có nghề muối, người ta lấy cái vỏ quả bầu làm gáo múc nước làm muối. Bầu để già, rụng hết lá mới hái quả xuống phơi khô, rồi lấy con dao nhọn khoét ruột ra, rồi đục lỗ, tra cán. Một cái gáo như thế có thể dùng đến 2 mùa muối không hỏng”.
Những năm 1970, nhà ông Thiệu trồng bầu, mỗi năm bán cho hợp tác xã hàng trăm quả, mỗi quả 3 đồng. Hợp tác xã sau đó bán lẻ cho diêm dân giá 4 - 5 đồng để làm gáo.
“Nhà tôi giờ vẫn trồng bầu, trên diện tích khoảng 500 m2, mỗi năm được đôi trăm quả. Cát Hải giờ mất nghề muối, không ai dùng gáo nữa thì bầu để nấu canh, lúc đắt giá đến 20.000 đồng/kg, rẻ thì 10.000 đồng. Năm ngoái nhà tôi có gốc được đến 5 chục quả, quả to nặng đến 15 kg, đem bán tính ra lãi hơn trồng các cây khác”, ông Thiệu nói, và cho biết ở xã Hoàng Châu còn nhà các ông Ngô Quang Hiện, Bùi Văn Cầm vẫn còn trồng bầu với diện tích hàng trăm mét vuông.
“Anh muốn trồng thì vào xóm mà mua hạt, khoảng tháng 8 - 9 âm lịch thì trồng mỗi bầu khoảng 3 cây, bón phân lợn. Bầu leo lên giàn hay mái nhà đều được, ra giêng sẽ được quả ăn. Nhưng chỉ trồng ở Cát Hải này thì bầu mới to ngon chứ nơi khác thì không”, ông Thiệu nói và cho biết, nhiều người dân Cát Hải đi nơi khác lập nghiệp như ông Xá kể trên đều mang giống bầu đi trồng nhưng quả không được to, ngon.
Có thể thất truyền
Để có một cái nhìn “tổng quan” về cây bầu khổng lồ ở Cát Hải, chúng tôi liên hệ với UBND H.Cát Hải và được một lãnh đạo huyện giới thiệu đến ông Phạm Khắc Chỉnh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộ, là xã trồng nhiều bầu nhất đảo Cát Hải.
Ông Chỉnh 54 tuổi, người gốc Cát Hải và cũng thấy bầu khổng lồ được trồng từ thời các cụ, có lẽ là hàng trăm năm trước và cũng chưa thấy ở đâu có, dù đã đi nhiều nơi. Theo ông Chỉnh, trên đảo Cát Hải, xã trồng bầu nhiều nhất là Nghĩa Lộ. Các xã Văn Phong, Hoàng Châu cũng trồng nhưng ít hơn.
Ông Chỉnh cho biết, bầu khổng lồ là cây trồng mang lại giá trị kinh tế, nhưng do quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp bị thu hẹp nên chỉ một số hộ dân còn trồng được. Dưới góc độ chính quyền, ông Chỉnh cũng lo một ngày nào đó giống cây đặc sản này có thể thất truyền ở Cát Hải.
“Bầu khổng lồ phải hái đúng lúc bánh tẻ mới ngon. Có thể xào tỏi, nhúng lẩu, nhưng tuyệt nhất là nấu canh với tôm tươi. Đặc biệt là các cụ quê tôi khi nấu canh bầu này thì cho thêm vào một ít rau dền cơm, canh sẽ rất ngon ngọt, xứng đáng là đặc sản”, ông Chỉnh quảng cáo sau khi mời chúng tôi ở lại để UBND xã đãi món canh bầu khổng lồ.
Bình luận (0)