Về hát dưới mái nhà tổ nghiệp

03/07/2017 06:15 GMT+7

Cuộc hội ngộ cảm động giữa những nghệ sĩ hát bội với công chúng vừa diễn ra vào cuối tháng 6 tại Huế. Họ đã vượt cả ngàn cây số để được hát dưới mái nhà tổ nghiệp.

Thanh bình, đêm không ngủ
Đã lâu lắm rồi, xóm Thanh Bình ở kiệt 281 Chi Lăng, P.Phú Hiệp (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) mới thức và “chơi” khuya đến vậy. Ngót 50 năm, xóm Thanh Bình mới được có dịp xem hát bội. Nhiều người không nhớ rõ, chỉ biết rằng lần cuối cùng người xóm Thanh Bình được xem hát bội là lúc mà bố mẹ những đứa trẻ có mặt trong đêm nay vẫn chưa ra đời. Đồng hồ điểm 0 giờ 30 sáng, nhưng vẫn còn hơn mười trẻ nhỏ tròn xoe mắt không rời sân khấu dựng tạm giữa khoảng đất trống trước Thanh Bình từ đường.
Như gặp được tri âm, tri kỷ, các nghệ sĩ đoàn hát bội Ngọc Khanh vượt hơn 1.000 cây số từ TP.HCM về biểu diễn trước sân ngôi nhà thờ tổ ngành hát bội. Ông Nguyễn Văn Phúc, người dân nơi đây, kể rằng ông chú của ông là một nghệ sĩ hát bội có tiếng. Dù đến đời của ông đã vắng bóng hát bội, nhưng niềm đam mê thì không bao giờ vơi. “Lâu lắm rồi tôi mới được thưởng thức lại các tiết mục tuồng cổ, hát bội, lại được các nghệ sĩ có tâm như thế trình diễn. Thật là một đêm giàu cảm xúc”, ông Phúc nói. Bé Hoàng Oanh, học sinh lớp 3, ngồi xem hát bội suốt mấy giờ liền, cũng khoe rằng cháu rất thích xem hát nên không hề... buồn ngủ.
Về hát dưới mái nhà tổ nghiệp1
Nghệ sĩ Hữu Lập trò chuyện với người dân mê hát bội
Xóm nhỏ gắn liền với hát bội
Thanh Bình là tên gọi của một xóm nhỏ gắn liền với Thanh Bình từ đường, nhà thờ tổ ngành hát bội cổ xưa và lớn nhất nước, công trình được công nhận di tích văn hóa quốc gia từ năm 1992. Hiện người ta vẫn chưa rõ thời điểm xây dựng chính thức của từ đường, chỉ biết rằng nhà thờ này được trùng tu năm 1823, dưới thời vua Minh Mạng. Có lẽ ngoài âm nhạc là tiếng trống, xập xõa, kèn, nhị, đờn nguyệt…, thứ âm thanh tình cảm nhất mà người ta nghe được trong đêm hát trước ngôi nhà thờ đặc biệt này là những tràng pháo tay.
Góp mặt đầy bất ngờ trong đêm diễn, nghệ sĩ hát bội Hữu Lập, người có 60 năm gắn bó với sân khấu, chia sẻ: “Ở nhiều nơi từng đến trình diễn, tôi đã phải “xin” khán giả những tràng pháo tay. Còn ở đây, nghệ sĩ không cần phải thế, chúng tôi được thưởng rất nhiều tràng pháo tay. Tôi nghĩ đấy chính là động lực cho các anh em gắn bó với nghề”.
Chia sẻ với chúng tôi, NSƯT Ngọc Khanh, Trưởng đoàn hát bội Ngọc Khanh, xúc động kể rằng trong số mấy chục người trong đoàn, phần lớn là lần đầu được về dưới mái nhà tổ nghiệp, dẫu di tích này đã vang danh. “Hôm nay tụi tôi mới đủ duyên để về với tổ nghiệp, phụng cúng và dâng lên tổ nghiệp những tác phẩm tâm huyết. Để đi một chuyến như thế này không dễ, vì nhiều người còn khó khăn lắm. Trong đoàn, nhiều anh em ở TP.HCM cũng phải kiếm sống bằng nghề tay trái, kể cả chạy xe ôm”, bà nói.
NSƯT Ngọc Khanh không giấu nỗi niềm mong được tổ nghiệp phù hộ, tiếp thêm sức mạnh sau chuyến đi. “Thật sự anh chị em chúng tôi cũng đã được bà con ở Huế, nhất là xóm Thanh Bình tiếp lửa để tiếp bước với ngành nghệ thuật truyền thống đang thưa dần khán giả này”, nữ nghệ sĩ tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.