Về Huế ăn cơm: Chuyện cây thuốc lá Phong Lai

27/11/2021 06:30 GMT+7

Mỗi lần về quê, đi ngang vùng cát Quảng Thái, thấy mấy vườn cây thuốc lá đang lên xanh, tôi cứ bâng khuâng mãi một câu hỏi là không biết nông dân vùng quê này trồng thuốc lá bán cho ai.

Nghề trồng thuốc lá của người dân nơi đây có từ xa xưa khi mới khai khẩn nên làng, bởi rứa mới có một câu ca nổi tiếng: “Thuốc lá Phong Lai/Khoai Thế Chí”. Đất của hai làng Thế Chí Đông, Tây vốn là đất cát pha thịt lại có độ ẩm cao nhờ hệ thống mội, ao, hồ trữ nước cho cánh đồng lúa, rau quanh năm. Nhưng ở vùng cát nội đồng Phong Lai này, để trồng được cây thuốc lá cũng phải nhọc công lắm. Người ta đào một cái hố thật sâu ở mỗi vườn cây thuốc lá để lấy nước tưới cho cây mỗi ngày. Rồi các loại phân hữu cơ từ phân heo đến phân trâu, phân bò phải được ủ mục với rơm để bón lót, bón thúc cho cây thuốc lá. Rồi còn phải đi lấy rong ở phá Tam Giang để ủ dưới thân cây, giữ độ ẩm cho đất; và hằng ngày phải túc trực ở vườn để bắt sâu, nhổ cỏ, bảo vệ cho những chiếc lá của cây được nguyên vẹn. Nói chung, cây thuốc lá là cây ngắn ngày nên phải chăm bón kỹ lưỡng.

Thuốc lá Phong Lai

Phi Tân

Lại nhớ hồi trước ở làng tôi cũng có nhà trồng cây thuốc lá, chủ yếu để người trong nhà hút. Trồng tới khi nào lá to thì bẻ lá, cắt nhỏ thành sợi, hoặc xâu lại thành từng xâu, phơi nắng cho khô dành để hút quanh năm. Nhưng ở làng Phong Lai, người trồng thuốc lá có một kinh nghiệm riêng là treo xâu thuốc trên đòn tay nhà cho khô theo thời gian chứ không phơi nắng, thuốc sẽ bay mất mùi thơm. Những năm khó khăn, ngăn sông cấm chợ, khi thuốc điếu còn là một thứ hàng xa xỉ đối với những làng quê nghèo thì nông dân làng tôi toàn hút thuốc lá nhà trồng hoặc mua ở chợ.

Đàn ông thì lấy giấy quyến vấn thành điếu đầu to, đuôi nhỏ; đàn bà thì lấy lá thuốc khô vấn thành điếu to như sâu kèn để hút. Hồi đó, hầu như người lớn ai cũng hút thuốc. Đi làm đồng hay đi chợ đều bới theo bị thuốc bên lưng để hút, tìm hơi ấm và cũng là một thú thư giãn của nông dân… Tất nhiên, họ cũng biết thuốc lá là một thứ gây nghiện, lại không có lợi cho sức khỏe. Nhưng chén nước chè xanh, mấy hơi thuốc lá đã thành tập quán của người dân quê. Làm chi thì làm, phải có thuốc lá Phong Lai trữ trong nhà để những ngày mưa gió mùa đông mang ra hút dần, cũng là một cách chống lại thời tiết khắc nghiệt của xứ Huế này… Có nhiều người hút thuốc lá khoảng nửa điếu thôi rồi dán lên cột nhà, đến khi cần thì lấy xuống hút tiếp...

Trong cuốn hồi ký Thượng Tứ nhớ nhớ quên quên, ông Quế Chi Hồ Đăng Định có kể chuyện ông Chín quê ở Quảng Nam ra Huế làm nghề buôn bán thuốc Cẩm Lệ. Hay nhất là đoạn ông kể hồi nhỏ, được mạ sai qua nhà ông Chín mua thuốc. Thuốc lá Cẩm Lệ được ông Chín gói trong ngọn lá chuối xanh, rồi có thêm ít giấy quyến để vấn thuốc nữa, và cả sợi dây dừa đang cháy như con cúi treo bên vách để khách mua thuốc vấn điếu rồi thắp hút luôn. Ông Chín một thân một mình nuôi ba đứa con, mà còn giàu có lấy thêm mấy bà vợ Huế và mở thêm nhiều tiệm thuốc lá Cẩm Lệ cho mấy bà buôn bán nuôi con nuôi cháu…

Đời sống khấm khá hơn, thuốc lá vấn cũng dần được người ta thay thế bằng thuốc lá gói, từ thuốc không có đầu lọc đến thuốc có đầu lọc. Những xâu thuốc lá treo giàn bếp, những bọc thuốc rê Cẩm Lệ cùng cuốn giấy quyến chỉ còn là ký ức của những người thuộc thế hệ 4X, 5X. Rứa mà mỗi lần đi qua những cánh đồng cát làng Phong Lai - Quảng Thái, vẫn thấy người dân trồng cây thuốc lá. Nhìn cách họ chăm bón cho những mảnh vườn thuốc lá trên cát cũng đủ biết chắc chắn đó là một loại cây cho thu nhập khá đối với người nông dân vùng quê này. Ghé vô chợ Quảng Thái, tình cờ bắt gặp mấy mệ đang bày những trẹt thuốc lá khô, cát trắng còn bịn rịn trên lá để bán. Khách hàng cũng là mấy mệ mà thôi. Nhưng nếu thuốc lá chỉ bán cho mấy chợ trong vùng thì không thể trồng thành từng sào như thế. Không biết bán cho ai mà thuốc lá làng Phong Lai vẫn được trồng nhiều vậy…

(Trích Về Huế ăn cơm, NXB Lao động và Chibooks ấn hành)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.