Được thành lập từ năm 2016 bởi anh Nguyễn Trung Hiền và các bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, đến năm 2018, Phố bên đồi mở rộng quy mô thành chương trình nghệ thuật cộng đồng đa hình thái đầu tiên, với mục tiêu định vị TP.Đà Lạt là một điểm đến văn hóa nổi bật mới của Đông Nam Á. Cụ thể, thông qua nghệ thuật đương đại, cộng đồng và du lịch, Phố bên đồi muốn nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Mỗi năm, Phố bên đồi được thực hiện ở một địa điểm khác nhau dựa trên các giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc... tại Đà Lạt, với mong muốn mang nghệ thuật vào và làm sống dậy một không gian xưa cũ, cũng như khơi gợi ký ức, cảm xúc và những suy ngẫm về một Đà Lạt - điểm đến của văn hóa nghệ thuật trong mỗi người. Năm nay, chương trình chọn dốc Nhà Làng (cách gọi thân thương của người dân địa phương dành cho đường Nguyễn Biểu) để làm không gian triển lãm, và vừa được khởi động bằng cuộc thi sáng tác Vào miền nghệ thuật (đã được các cấp lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cùng TP.Đà Lạt chấp thuận, ủng hộ). Cuộc thi dành cho mọi công dân VN lẫn nước ngoài trên 18 tuổi, yêu thích nghệ thuật, thiết kế, kiến trúc, sáng tạo và mong muốn chung tay cùng cộng đồng tạo nên những không gian sống thân thiện với môi trường, đầy cảm hứng. Các tác phẩm sau khi được Hội đồng nghệ thuật Phố bên đồi và giám khảo khách mời là kiến trúc sư Vũ Đức Chiến, nhà sáng lập tổ chức Ký họa đô thị VN, tuyển chọn, sẽ được trao giải và phóng tác tại không gian dốc Nhà Làng (dự kiến từ 20 - 24.12).
Lâu nay, nhắc đến Đà Lạt, người ta thường nghĩ đến những dinh thự, biệt thự hay những công trình về giáo dục, nhà thờ, khách sạn, trong khi đó thành phố này còn rất nhiều nét đẹp của tự nhiên, của làng, ấp, vẻ đẹp văn hóa xã hội được hình thành từ những ngày đầu thành lập. Khi nhóm Phố bên đồi khảo sát dốc Nhà Làng đã thấy những vẻ đẹp có sẵn ở đó, từ kiến trúc đến những hoạt động thường ngày của quán bánh căn, tiệm hớt tóc... Triển khai dự án này, những người thực hiện cũng dự đoán về sự hoài nghi, lo ngại sẽ làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của con dốc. Đại diện nhóm cho biết, từ việc vận động người dân trồng cây xanh, trồng hoa hay cùng hợp tác để phóng tác tranh, tất cả đều phải hài hòa với hệ sinh thái và giữ được vẻ lãng mạn, hoài niệm vốn có của nó. Nhóm cho rằng họ không làm gì để biến đổi con dốc này, mà muốn đóng góp vào vẻ đẹp đó bằng ngôn ngữ đương đại, tạo sự kết nối giữa không gian sống và con người, giữa cộng đồng người dân địa phương, khách du lịch và các họa sĩ, nghệ sĩ tài năng trẻ.
Bình luận (0)