Về lại nơi từng đầy ắp niềm vui

01/11/2019 07:00 GMT+7

Rất đông người dân xã Đôn Thuận đến hội trường UBND xã Đôn Thuận từ sáng sớm để xem Viện Kiểm sát tỉnh Tây Ninh xin lỗi 7 nạn nhân.

Một số người tò mò, đến để “mục sở thị” có đúng “dòng họ ăn cướp” bị bắt chấn động một vùng 40 năm trước thật sự bị oan. Khi nhìn thấy tấm bảng đỏ treo ở hội trường ghi đủ tên của 7 người được các cán bộ Viện KSND (VKS) tỉnh Tây Ninh treo lên ở chính giữa hội trường, họ mới hiểu bấy lâu nay đã nghĩ xấu cho những người lương thiện.
Bà Trần Thị Hà (ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận) không cầm được nước mắt: “Lúc chưa bị bắt ai nấy đều còn khỏe. Anh Dũng lúc ấy làm việc ở xã, cụ Nghị là bộ đội phục viên lúc nào cũng ăn nói đĩnh đạc, đàng hoàng. Chúng tôi ai cũng thương quý... Sau khi bị bắt cả đại gia đình tan tác. Giờ nhìn cụ Thương, ông Chiến, ông Dũng (Dũng nhỏ), bà Lan tôi chẳng nhận ra. Nhìn họ lam lũ. Thương xót quá!”.
Còn bà Đỗ Thị Đẹp (58 tuổi, ấp Bùng Binh) cho hay 40 năm trước, chính mắt bà chứng kiến cái ngày người ta đến bắt cụ Nghị: “Tôi nhìn thấy họ đánh cụ đổ cả máu miệng, máu tai”. Dù thấy cụ Nghị bị đánh như vậy nhưng bà Đẹp vẫn không tin cụ ăn cướp vàng. Thế nên, gần chục năm trước, khi hay tin cụ Nghị mất, bà từ ấp Bùng Binh tìm lên tận Dầu Tiếng để đưa tang.
Buổi xin lỗi diễn ra chóng vánh chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ, nhưng khi những cán bộ VKS, cán bộ xã đã rời đi, nhiều người dân Đôn Thuận vẫn cố nán lại để níu tay chúc mừng gia đình cụ Thương một lần nữa.

Những người bị ruồng bỏ

Sau buổi xin lỗi, gia đình ông Dũng (nhỏ) cùng con cháu về lại ấp Bùng Binh. Ngay trên ranh phần đất của nhà mình trước đây, ông Dũng lần đầu tiên chỉ cho con gái út là Nguyễn Thị Minh Nhung (30 tuổi) phần đất của ông bà để lại nhưng nay đã bị mất. Rồi ông nắm tay kể cho con gái nghe quá khứ từng là một kẻ bị tù tội, bị chính quê hương ruồng bỏ. Ông nhớ lại cái ngày đen tối cách đây 36 năm khi ra tù về lại quê thì nhà đã bị chiếm. Mang theo 2 bộ quần áo của người anh rể trao cho lúc ra khỏi cổng trại giam, ông lê đôi chân trần men theo bờ ruộng bỏ đi biệt xứ. Cho đến tận hôm nay, ông mới có thể đường hoàng, đĩnh đạc nói cho con nghe mình là một công dân lương thiện, dù bản chất đã là như vậy...
Nhìn mái đầu người cha đã điểm bạc, làn da sạm đen, chị Nhung gạt nước mắt: “30 năm rồi kể từ ngày được sinh ra đời, tôi mới biết mình cũng có quê nội, cũng có anh em, dòng họ đàng hoàng”. Chị Nhung cho hay, khi ở hội trường nghe vị đại diện VKS đọc lời xin lỗi, chị càng thêm bàng hoàng; không thể hiểu được một vụ án oan tày đình như thế lại có thể xảy ra và lại rơi vào chính nhà mình...
Trong lúc cha con ông Dũng (nhỏ) đang thăm bà con thì ông Nguyễn Văn Chiến dẫn các em xuyên rừng cao su về lại khu đất của ông trước khi bị bắt. Đưa tay chỉ cây săng máu và cây xoài gốc lớn cỡ 2 vòng tay người lớn, ông bảo: “Ranh đất nhà tôi đấy. Lúc bị bắt tôi đang ở đây. Vợ chồng, con cái đang làm ăn khấm khá có ghe, có ruộng nhưng giờ đã bị người ta chiếm”. Trong khi anh mình còn mải tìm ranh đất, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) bùi ngùi chỉ tay và bảo chỗ này ngày xưa khi 3 - 4 tuổi ông từng bị té xuống sông, may được ông nội vớt lên không sẽ bị đuối nước.
Mấy anh em ông Chiến cùng ôn lại những kỷ niệm đẹp trước khi bị bắt. Họ khẳng định khu đất hơn 2 ha cao su này là phần đất của ông cha họ để lại vì hỏi bất cứ ai ở Đôn Thuận ngày đó về “bến đò ông Tám Bá” (tức ông Phạm Bá, ông nội anh em ông Chiến), mọi người đều biết. Sở dĩ có cái tên “bến đò ông Tám Bá” là vì người ta mượn đất của ông để mở bến đò. Ngay trên bến đò ấy, ông Tám Bá còn lập một ngôi chùa nhỏ để tu. Hẳn ông Tám Bá không thể ngờ sau này, chính tại nơi ông dựng chùa, con cháu ông lại gặp nạn rồi phải tứ tán để lại đất đai hoang phế, ngôi chùa ông dựng không có người chăm nom...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.