Với nỗ lực đáng quý của những người tự nguyện trông coi, Bảo tàng nhiếp ảnh của làng nghề Lai Xá (xã Kim Chung, H.Hoài Đức, Hà Nội) tuy vắng khách, vẫn khá sạch sẽ, gọn gàng. Tòa nhà 3 tầng này nằm cuối làng, ngay cạnh đình làng Lai Xá, lưu giữ những hiện vật - phần lớn là những bức ảnh ghi lại dấu ấn của một nghề từng đem lại sự giàu có, trù phú cho làng.
Vui vẻ bỏ ngang một sự kiện cùng bạn bè để về mở cửa cho chúng tôi tham quan bảo tàng, ông Nguyễn Văn Thắng nhớ lại, năm 2014, ý tưởng ban đầu của ông (lúc ấy là Trưởng thôn Lai Xá) và một nhóm những người bạn tâm huyết với nghề chỉ là xây dựng một phòng truyền thống nho nhỏ.
Được sự khích lệ và hỗ trợ của ông Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (ông Huy là con trai cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên), cũng là một người con Lai Xá, bảo tàng đã ra đời với sự sắp xếp rất khoa học, rất… có nghề.
Tuy số hiện vật chưa nhiều như mong muốn, nhưng khách tham quan có thể bắt gặp tại đây các loại máy ảnh, từ thời kỳ đầu mới du nhập vào Việt Nam đến nay, trong đó có chiếc ống kính mà cụ "tổ nghề" Nguyễn Xuân Khánh (cụ Khánh Ký) đã từng sử dụng.
Tại đây cũng lưu giữ các công cụ nghề ảnh; một số tác phẩm nhiếp ảnh tiêu biểu, phần lớn là chân dung và lời giới thiệu về các nghệ nhân, các hiệu ảnh nổi tiếng của người làng Lai Xá từ đầu thế kỷ 20 đến nay.
Khách tham quan cũng có thể hình dung khá rõ nét mọi công đoạn của nghề ảnh, từ sắp đặt, bấm máy, tráng phim cho đến rửa ảnh trong phòng tối dưới ánh sáng màu đỏ đặc trưng.
Bắt đầu làm nghề ảnh từ năm 1892, làng ảnh Lai Xá đã thực sự để lại một dấu ấn đậm nét trong tiến trình phát triển của nhiếp ảnh Hà Nội cũng như nhiếp ảnh Việt Nam nửa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Từ Lai Xá, hình thức nhiếp ảnh cửa hiệu của Việt Nam đã ra đời và phát triển. Gần 2.000 thợ ảnh từ quê hương Lai Xá tản ra khắp mọi nơi, mở hơn 200 hiệu ảnh cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, có lúc họ sang đến Lào, Campuchia, Thái Lan,Trung Quốc, Pháp…
Một số cửa hàng khi khai trương còn lấy chữ "Lai", chữ "Khánh" để chứng tỏ mình gốc từ làng Lai Xá hoặc để tỏ lòng biết ơn cụ tổ nghề Nguyễn Đình Khánh, một người con Lai Xá, ân nhân của Bác Hồ và cũng là người "cầm tay chỉ việc" cho người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong nghề nhiếp ảnh khi bôn ba tìm đường cứu nước ở Paris (Pháp).
Trong câu chuyện như không muốn dứt với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thắng kể, cho đến những thập niên đầu của thế kỷ 21, khi công nghệ ảnh trong nước và trên thế giới đã bước những bước vượt bậc, làng Lai Xá vẫn còn nhiều nhà làm ảnh với các hiệu ảnh nổi tiếng, như Sơn Hà, Ngọc Quang, Đức Lai, Thủ Đô, Chiến Thắng, Hồng Thảo, Ngọc Trâm, Cường Ngọc...
Do phần lớn chỉ là "làm nghề", chứ chưa có trào lưu chụp ảnh nghệ thuật như bây giờ, nên thợ ảnh Lai Xá tập trung vào chụp ảnh chân dung, đám cưới, lễ hội. Họ không những chỉ biết chụp ảnh tráng phim mà còn phải biết in, phóng và chấm sửa ảnh, tô màu.
Ngày 9.7.2003, tại Quyết định số 918/QĐ-UB, UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) đã công nhận Danh hiệu làng nghề cho Làng nhiếp ảnh truyền thống thôn Lai Xá. Đến nay, làng đã có 5 cá nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhiếp ảnh và nhiều người là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hà Nội.
Tuy nhiên, điều khiến ông Thắng trầm tư không chỉ là vì bảo tàng có rất ít khách tham quan, mà là vì ở cái thời "nhà nhà chụp ảnh, người người chụp ảnh", cứ giơ điện thoại thông minh lên là có một bức ảnh tầm tầm, ở làng hầu như đã không còn hiệu ảnh nào có tiếng.
Trong số các nhiếp ảnh gia kỳ cựu, hiện chỉ còn nghệ nhân Nguyễn Minh Nhật, chủ chuỗi hiệu ảnh Sơn Hà vẫn đang trực tiếp làm nghề. 4 hiệu ảnh của ông đặt rải rác ở nhiều quận, huyện ở Hà Nội, nhưng không có hiệu nào ngay tại làng.
Nhưng Lai Xá không chỉ có bảo tàng nhiếp ảnh. Sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, đặt ngay trên mảnh đất của dòng họ, nơi chôn rau cắt rốn của vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên và có thời gian giữ cương vị này lâu nhất.
Nhận nhiệm vụ tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I ngày 3.11.1946, GS-TS Nguyễn Văn Huyên tại vị trong suốt 29 năm cho đến khi qua đời vào năm 1975.
Con trai ông, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tự tay lưu giữ, sắp xếp những tư liệu, kỷ vật liên quan đến cuộc đời, hoạt động của cha với sự cẩn trọng của một nhà khoa học và lòng kính yêu người cha mẫu mực của mình với niềm tin sâu sắc rằng, tư liệu của gia đình phản ánh lịch sử, văn hóa của đất nước.
Bình luận (0)