Ngày 26.4 (tức 18.3 âm lịch), tại di sản văn hóa thiên nhiên thế giới Tràng An, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức lễ hội Tràng An năm 2024 với chủ đề "Về miền di sản Tràng An".
Tham dự lễ hội có lãnh đạo tỉnh Ninh Bình; đại diện Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; bà Simona Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42; và hàng ngàn du khách, người dân
Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn, ngoài các nghi thức rước rồng, rước kiệu, rước nước, tế lễ, ban tổ chức đã xây dựng 20 sân khấu thực cảnh trên các bãi đất, mõm núi, sông trong sản sản Tràng An
Lễ hội Tràng An 2024 đã trình diễn hơn 50 loại hình nghệ thuật khác nhau, như: quan họ Bắc Ninh; dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh; đàn tính - hành hát Then của người Tày, Nùng, Thái; đờn ca tài tử Nam bộ; âm nhạc thổ dân người Việt cổ, ca trù, hát văn; cồng chiêng Tây nguyên của dân tộc Ba Na ở Kon Tum; nghệ thuật Chăm Pa Bình Thuận; Xí Mần của các dân tộc Dao đỏ, Sắn Dìu, LoLo; dàn nhạc dân tộc, võ thuật cổ truyền; đàn đá, đàn bầu; cồng chiêng Hòa Bình; Trò Xuân Phả (H.Thọ Xuân, Thanh Hóa); hát chèo, hát xẩm (Ninh Bình)…
Các chương trình nghệ thuật với sự tham gia trình diễn của gần 600 nghệ nhân, nghệ sĩ và khoảng 2.000 người tham gia trình diễn múa lân, đánh trống, tế lễ...
Lễ hội Tràng An là nét văn hóa tín ngưỡng của người dân Ninh Bình nhằm tưởng nhớ, tri ân Đức Thánh Quý Minh Đại Vương - người đã có công trong sự nghiệp gìn giữ nước nhà; cảm tạ ân đức của ngài đã phù trợ, giúp người dân mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc
Theo truyền thuyết, Đức Thánh Quý Minh Đại Vương là một trong 3 vị tướng đã được phong Thánh (Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh), là người có công trấn ải Sơn Nam (thuộc Hoa Lư tứ trấn), bảo vệ đất nước thời Hùng Vương thứ 18.
Hàng năm, vào ngày 18.3 âm lịch, người dân lại tổ chức lễ hội Tràng An. Lễ hội Tràng An còn có một ý nghĩa khác là lễ Phát lát (lễ mở cửa rừng). Theo quan niệm của người xưa, khi mùa đông đến cây cối khô cằn, ông cha ta đã cho đóng cửa rừng để bảo vệ muôn loài động thực vật. Khi mùa xuân sang, hè đến cây cối đơm hoa, trổ lộc ông cha ta tổ chức lễ mở cửa rừng để cầu cho núi rừng luôn xanh tốt, tạo nguồn sinh dưỡng cho con người.
Lễ hội Tràng An năm nay còn gắn liền với kỷ niệm 10 năm (chương trình kỷ niệm diễn ra vào tối 26.4) Tràng An được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, nên lễ hội được tổ chức với quy mô hoành tráng hơn các năm trước
Quần thể danh thắng Tràng An - di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là nơi hội tụ những giá trị đặc sắc về thiên nhiên và văn hóa trên phạm vi toàn cầu; nơi đan xen trong những dãy núi đá vôi là hệ thống các thung lũng, hang động xuyên thủy, thảm thực vật, rừng nhiệt đới nguyên sinh, quanh năm có sương sớm, mây chiều...
Tràng An còn là nơi in dấu tích của người tiền sử với những nền văn hóa tiếp nối, giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và văn hóa, giữa thiên nhiên và con người kéo dài hàng vạn năm, cùng với công cuộc dựng nước, mở cõi, giữ nền độc lập, thống nhất non sông
Bà Simona Mirela Miculescu (người cầm nón màu xanh trắng), Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42, rất thích thú khi lần đầu tiên đến với Tràng An
Mỗi tấc đất, dòng sông, ngọn núi ở Tràng An đều ghi đậm dấu ấn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, gắn liền với tên tuổi của các bậc tiên đế, anh hùng dân tộc, các bậc hiền nhân, các vị thánh, vị thần và trở thành điểm tựa tâm linh cho cộng đồng để cùng nhau gìn giữ và bảo tồn di sản trường tồn cùng dân tộc và nhân loại
Bình luận (0)