Chàng biên đạo trẻ tài năng người H’Mông và cũng là diễn viên trong vở múa đương đại này chia sẻ rằng, anh đã tập luyện vất vả hàng tháng trời cho vở diễn, thậm chí “dập mông, nát bả vai, thương tích đầy mình, đêm về ngồi bóp thuốc...”. Vì vậy “Nếu Lùng cứ diễn vé mời, trên trời rơi xuống cục tiền cho Lùng sao? Bạn khó khăn để kiếm được tiền, và bạn thích đi xem múa, nhưng muốn xem miễn phí; còn Lùng, vì quần áo lau sàn tập mỗi ngày, Lùng muốn có tiền, Lùng muốn được bát cơm cái áo mặc”. Anh thổ lộ, thi thoảng anh cũng có vé mời để tặng bạn bè, và các nghệ sĩ đều muốn tặng vé để khán giả đến thật đông để cổ vũ, song nếu cứ cho vé hoài sẽ tạo thành thói quen chẳng mấy tốt đẹp cho khán giả: được vé miễn phí mới đi xem.
Dễ thấy rằng việc có quá nhiều show miễn phí diễn ra thời gian qua (nhất là ở TP.HCM) khiến khán giả “quên” dần thói quen mua vé. Vậy nên trong lần ca sĩ Mỹ Linh cùng ê kíp tổ chức live show Tỉnh giấc cho Nhật Thủy, chị đã chia sẻ, giữa muôn trùng chương trình ca nhạc cho không biếu không, việc bán vé đối với live show của ca sĩ trẻ như Nhật Thủy quả là khó khăn, nhưng ban tổ chức vẫn quyết định bán với giá khá mềm cho sinh viên, là 50.000 đồng, để không chỉ gây quỹ sau chương trình, mà quan trọng hơn là “góp phần giữ hoặc tạo thói quen mua vé cho khán giả”.
Việc bỏ tiền ra mua vé thể hiện sự trân trọng đối với tâm sức của người nghệ sĩ và tạo điều kiện cho nghệ sĩ, nhà sản xuất có kinh phí để tái đầu tư cho những tác phẩm mới để tiếp tục cống hiến cho khán giả. Gần đây, mỗi khi có dịp, nhiều nghệ sĩ đã thuyết phục khán giả hãy bỏ tiền mua vé như hành động văn minh của người thưởng thức nghệ thuật. Nói như Sùng A Lùng thì: “Bạn yêu nghệ thuật, bạn ủng hộ; không yêu, đừng hỏi vé mời”.
Bình luận (0)