Ngày còn ở nhà chị tôi hay tựa cửa hát theo ca sĩ Phi Nhung như thế. Rồi như định mệnh sắp đặt, chị tôi lấy chồng về miền Tây thật. "Thuyền theo lái gái theo chồng", chị về nhà anh ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An sinh sống, mặc dù trước đó hai anh chị làm ở Sài Gòn và luôn tâm niệm “kiếm tiền mua nhà thành phố”.
Ngôi nhà nhỏ của anh chị tôi nằm giữa cánh đồng |
TGCC |
Quê tôi ở Hà Tĩnh, người miền Trung mà, nên chuyện con gái nhà ai lấy chồng xa xứ là hiếm lắm. Quanh năm, trai gái yêu nhau rồi dựng vợ gả chồng đều là người trong xã, trong làng, hoặc xa hơn thì khác huyện, khác tỉnh nhưng phải là những tỉnh gần kề như Nghệ An. Đó là xa lắm rồi, chứ như chị tôi lấy chồng ở miền Tây, xa hơn cả Sài Gòn thì coi như “đi mất”.
Ngày chị tôi theo chồng, bà nội tôi than thở: “Lấy chồng gần đã khổ, nhưng lỡ chồng đánh còn chạy về nhà mẹ được, chứ lấy chồng xa chỉ biết nằm khóc, năm đời bảy kiếp biết về được hay không?”. Mẹ tôi cũng lo rất nhiều, dù không nói ra, và điều mẹ lo nhất là chuyện chị về làm dâu xứ lạ, sống chung với mẹ chồng, mà nghe ai đó bảo rằng "ở miền Tây mẹ chồng thờ ơ con dâu lắm!”.
Chính chị tôi lo lắng chuyện này. Từ ngày yêu anh, được dẫn về nhà ra mắt mẹ chồng chị đã bị dội một gáo nước lạnh khi mẹ anh thờ ơ thật. Chị kể: “Tao cứ tưởng như ngoài mình mẹ chồng luôn xởi lởi rào trước đón sau, trò chuyện tâm tình, nào ngờ hôm tao đến, bà chỉ chào tao một tiếng rồi vào… đánh lô tô”.
Thời gian mới cưới, anh chị vẫn bám trụ lại Sài Gòn, nhưng rồi đất khách ngột ngạt quá, lương công nhân ba cọc ba đồng không đủ sống thế là quyết định về quê. Mà nhà anh đâu có ruộng nương vài mẫu như người ta đâu, chỉ là một mảnh vườn nhỏ (đúng hơn là mảnh ruộng) ở giữa cánh đồng xung quanh là lúa. Anh chị về, mảnh vườn chia làm hai, một nửa để bố mẹ chồng, nửa còn lại cho anh chị dựng nhà.
Con gái đầu lòng của anh chị |
TGCC |
“Khổ còn hơn ngoài mình nữa”, chị tôi thường than thở mỗi khi gọi điện về nhà. Rồi chị liệt kê ra hàng loạt cái khổ, nào là nhà lợp tạm bằng gỗ tạp và dừa nước, nào xung quanh vắng lặng không có nhiều hàng xóm như ở nhà, nhưng buồn lòng nhất với chị vẫn là chuyện mẹ chồng thờ ơ.
“Tao có bầu mà vẫn phải tự giặt đồ, nấu ăn, bả không làm gì cả, suốt ngày sơn móng tay với đánh lô tô không à”, chị nói với tôi như thế. Tôi lúc đó chưa hiểu tính cách người miền Tây lắm, nên khi nghe chị kể thì buồn thay số phận của chị, bởi như người quê tôi, con dâu mà có bầu thì được chăm dữ lắm! Không chồng thì mẹ chồng thay nhau giặt đồ, nấu ăn…
Thậm chí, có nhiều bà mẹ chồng không ưa con dâu, suốt ngày nói ra rả nhưng vẫn bắt tay vào làm hết việc nhà, không để con dâu đụng tới, vì đơn giản “lo cho cháu”. Còn ở miền Tây, như lời chị tôi kể thì thật đáng buồn, sao mẹ chồng có thể thờ ơ với con dâu như thế nhỉ?
Có lần tôi hỏi chị xưng hô với mẹ chồng như thế nào? Chị tôi cười: “Thì tất nhiên là thưa mẹ rồi, nhưng bả thì xưng tao - mày không à”. Chị bảo mấy ngày đầu về làm dâu được nghe mẹ chồng xưng tao - mày thấy sốc quá! Cứ như yêu thương bay đi đâu hết trơn, cứ trơ trọi lại một thứ ngôn ngữ khô khốc, nghe dễ tủi thân!
“Nhưng riết rồi quen. Mà bả thương con thương cháu lắm” - chị tôi nói bằng giọng lớ lớ miền Tây sau hai năm về nhà chồng với một đứa con. Thương là thương thế nào khi mẹ chồng xưng hô mày - tao với con dâu nhỉ? Thương là thương ra sao khi mẹ chồng suốt ngày chỉ thích đánh bài, lô tô và hát karaoke? Tôi đem thắc mắc hỏi thì chị tôi cười, bảo: “Hè này, cậu làm một chuyến vào chơi thì biết”.
Thế là hè năm trước tôi làm một chuyến vào Sài Gòn rồi xuống miền Tây thăm chị. Từ ngày lấy chồng, chị em tôi chưa gặp mặt nhau lần nào, khoảng cách địa lý cùng chuyện tiền bạc khiến việc gặp mặt hàn huyên là xa xỉ. Nhưng rồi hè năm đó, mẹ giục tôi đi để “vào xem chị sống thế nào”.
Rồi tôi cũng tới nhà chị sau gần hai ngày ngồi xe đò ròng rã. Gặp tôi, chị khóc, còn anh rể thì cười hiền khô, và bà mẹ chồng của chị vẫn đang… đánh lô tô trong nhà. Nhìn bà mẹ chồng của chị, tôi sốc: tay đeo đầy lắc vàng, mắt kẻ, môi son, má phấn trong khi nhìn đã… rất già - điều ở quê tôi chưa bao giờ thấy!
“Con dzô chơi đó hả. Ngồi chơi nha con”, bà mẹ chồng ngoảnh mặt cười chào tôi rồi tiếp tục niềm vui riêng. Tôi hơi thất vọng, mặc dù đã chuẩn bị tâm lý trước. Nếu như ở quê tôi, khách xa đến nhà thì họ được đón từ đầu ngõ, rồi bắt tay, chào hỏi, cười, rót nước và lẳng lặng ra sau hè bắt gà làm thịt. Còn ở đây thì hơi thờ ơ! Nhưng tôi vẫn đợi xem, bà mẹ chồng thương con thương cháu như chị tôi nói như thế nào.
Trưa hôm đó, sau khi “giải tán” đám lô tô, bà mẹ chồng bước vào, chạy tới ôm chầm lấy đứa cháu, rồi bằng giọng lanh lảnh nựng nịu: “Cục cưng của bà đây rồi, bà thương”. Rồi bà bồng đi, một lát về trên tay đầy quần áo mới, sữa, đồ chơi.
Chị tôi bảo: “Tính bả thế đó, có tiền là mua cho cháu đủ thứ, nhưng bảo bả chăm cháu thì không”. Rồi chị kể lại từ khi về dưới này bà mẹ chồng không phụ một chút việc nào cả, nhưng mỗi khi hai anh chị khó khăn bà đều giúp hết sức. Có lần, bà bán hết vòng vàng để anh chị lấy vốn buôn bán. “Nhưng rõ ràng lắm nghen, hẹn bả hai tháng trả là đúng hai tháng phải có cho bả, không bả chửi à” - chị tôi nói thêm.
Hai chị em đang tâm tình thì giọng bà lại lanh lảnh vọng vào:
- Thúy, mày qua lấy thịt gà về cho con ăn kìa!
Chị tôi lại cười, bảo thấy chưa, luôn gọi tao - mày như thế. Có gì cũng kêu qua lấy, không có chuyện mang sang tận tay cho con cháu như ở quê mình đâu.
Tôi ở chơi nhà anh chị một tuần thì nhậu hết sáu ngày. Mà lần nào cũng thức ăn, thức uống ê hề. Hôm nay anh chị nấu thì ngày mai hai ông bà mẹ chồng của chị đãi. Ăn uống xong thì hát, hát rồi có hội thì đánh lô tô. Thật phóng khoáng và chịu chơi!
Tôi hỏi nhỏ chị, có khi nào bà chửi chị không thì chị tôi lại cười hề hề. “Bả chửi hoài à, không ưng là bả chửi. Nhưng chửi rồi là thôi, không để bụng. Ngày đầu tủi thân thật, nhưng dần dần rồi quen, giờ tao cũng nói lại được dăm ba câu”.
Tôi chợt nghĩ, có một người mẹ chồng miền Tây như chị tôi thật thú vị. Tức không còn rào cản nghĩa lễ như ở quê tôi, mà thay vào đó là sự bình đẳng, xởi lởi, thoải mái. Họ không chấp nhặt hay câu nệ những câu chuyện vụn vặt, mà thay vào đó có giận là nói thẳng cho nhẹ lòng. Rồi sau đó quay về yêu thương hết mực hết lòng dù chẳng bao giờ nói ra!
Bình luận (0)