Có chút hy hữu khi hậu vệ Reece James lĩnh thẻ đỏ... sau tiếng còi dứt trận. Lần đầu tiên đá chính cho ĐTQG của James trở nên đáng nhớ vì một lý do chẳng ai muốn có. Tiện thể, cũng nên nhắc lại: lĩnh thẻ đỏ vì nguyên nhân không đáng đã là một truyền thống "lãng xẹt" xưa nay của đội tuyển Anh.
Quê hương bóng đá vốn nổi tiếng là nền bóng đá fair-play hàng đầu thế giới. Dân Anh chê cười Luis Suarez, khi ngôi sao đầy tai tiếng này dùng tay chơi bóng để cứu đội Uruguay thoát khỏi bàn thua trông thấy trong trận tứ kết với Ghana tại World Cup 2014. Kỳ thực, họ không hiểu hoặc không bao giờ công nhận... giá trị của chiếc thẻ đỏ ấy.
Suarez bị đuổi, sẽ bị treo giò sau đó, và Uruguay chịu phạt đền ngay phút chót. Nhưng đối phương sút hỏng phạt đền, và Uruguay thắng trong loạt sút luân lưu để vào bán kết. Nếu Suarez không nhanh trí dùng tay phá bóng ngay trên vạch vôi, vào đúng phút chót, thì chắc chắn Uruguay đã bị loại. Suarez đâu có "gian lận" (kiểu Diego Maradona chơi bóng bằng tay). Anh dùng tay một cách rõ ràng và chấp nhận mọi hình phạt, đúng luật bóng đá. Đấy là pha cứu nguy quan trọng nhất World Cup qua mọi thời đại. Và đấy dĩ nhiên cũng là chiếc thẻ đỏ "có giá trị" nhất xưa nay!
|
Ở khía cạnh ngược lại chính là 2 chiếc thẻ đỏ dành cho "tam sư" trong trận thua Đan Mạch vừa qua. Cáu bẳn vì phong độ kém cỏi của chính mình, vụng về trong động tác kỹ thuật, Harry Maguire lĩnh 2 thẻ vàng trong 26 phút. Và khi hàng thủ tan hoang của Anh còn chưa kịp trấn tĩnh vì Maguire bị đuổi thì họ chuốc quả phạt đền, dẫn đến bàn thắng quyết định cho Đan Mạch. Trong khi thẻ đỏ cho Maguire là chi tiết nói lên sự kém cỏi, thì thẻ đỏ cho James là một sự dại dột thuần túy. Anh cố cãi trọng tài làm gì, nhất là khi trận đấu đã kết thúc?
Hai chiếc thẻ đỏ chỉ trong một trận đấu - so với chỉ 16 thẻ đỏ trong hơn 1.000 trận đấu trước đó của đội tuyển Anh - đấy là một sự so sánh nói lên nhiều điều.
"Tam sư" xưa nay rất hiếm khi lĩnh thẻ đỏ. Bóng đá Anh tuy khốc liệt, mạnh mẽ và đầy va chạm, nhưng không thô bạo. Có cả chút... ngây thơ nữa, trong cái vẻ ngoài fair-play của bóng đá Anh. Và khi cầu thủ Anh bị đuổi, bạn đừng lấy làm lạ vì những nguyên nhân... trời ơi đất hỡi, hoàn toàn không đáng có. Ở những trường phái khác, bị đuổi khỏi sân khiến đội nhà thất bại sẽ là "trọng tội", chịu sự chỉ trích. Ở Anh, người ta lại hay... bảo vệ các "tội đồ" (như một nét rất riêng trong truyền thống fair-play của bóng đá Anh). Vậy nên chẳng khá.
|
Alan Mullery là tuyển thủ Anh đầu tiên bị đuổi - trong trận bán kết Euro 1968, với Nam Tư. Tội trạng? Chính Mullery kể lại: "Tôi đá thẳng vào người và hắn đổ gục xuống sân như chết rồi"! "Hắn" ở đây là cầu thủ Dobrivoje Trivic, rất giỏi "khiêu khích". Trivic cố ý phạm lỗi để gây hấn, và Mullery trả đũa như một sự mắc mưu. Mullery bị FA phạt 50 bảng, và HLV Alf Ramsey - hoàn toàn ủng hộ Mullery - tự móc tiền túi để trả cho cầu thủ của mình!
Trong vòng 30 năm, chỉ có 3 tuyển thủ khác bị đuổi, giữa Mullery năm 1968 và David Beckham năm 1998. "Bị khiêu khích" vẫn là căn bệnh trầm kha, nói lên bản lĩnh không cao của các ngôi sao Anh. Beckham là nạn nhân của Diego Simeone (Argentina) và "tam sư" bị loại ngay vòng knock-out đầu tiên. Alan Ball bị các cầu thủ Ba Lan gây hấn đến nỗi "mất khôn", và Anh thua 0-2 (sau đó bị loại khỏi World Cup 1974). Ray Wilkins tại World Cup 1986 còn khó tin hơn: mất bình tĩnh đến nỗi ném luôn quả bóng vào trọng tài (trong trận hòa Rorocco)!
Tại World Cup 2006, Wayne Rooney thậm chí còn mắc mưu... đồng đội (ở CLB). Cristiano Ronaldo ăn vạ tinh quái, khiến Rooney bị đuổi, và Anh thua BĐN ở vòng tứ kết. Rooney cùng với Beckham là hai cầu thủ hiếm hoi xưa nay từng bị đuổi 2 lần trong màu áo "tam sư". Không phải giới thiệu để thấy dân Anh luôn bảo vệ những ngôi sao này như thế nào, khi họ bị đuổi.
Bình luận (0)