Về một vở cải lương chưa chắc bán vé được ào ào nhưng có giá trị cao

02/12/2024 15:00 GMT+7

Sân khấu Thiên Nam (Công ty Hồng Lạc Xuân) đã mạnh dạn đầu tư cho một vở cải lương lịch sử mà trước nay nhân vật chính luôn bị sử sách ghi đậm dấu ấn "phản quốc".

Vở cải lương Lưu vong - khí tiết một trung thần (tác giả - đạo diễn NSƯT Lê Trung Thảo) vừa ra mắt tại Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc 2024 ở Cần Thơ và tái diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang, không ngờ nhận được sự đồng cảm rất lớn từ khán giả.

Về một vở cải lương chưa chắc bán vé được ào ào nhưng có giá trị cao- Ảnh 1.

NSƯT Tâm Tâm (phải) vai Mẫn Thái hậu và nghệ sĩ Trọng Hiếu vai Lê Chiêu Thống

ẢNH: H.K

Đúng ra, vở diễn đề cập đến Lê Chiêu Thống, vị vua cuối cùng của triều Lê, được nhiều người biết đến; nhưng bên cạnh đó cũng đề cập đến một vị trung thần là Trường Phái hầu Lê Quýnh, người phò tá Lê Chiêu Thống sang Đại Thanh cho đến giây phút sau cùng. Một trang sử đẫm nước mắt được mở ra khiến người xem đồng cảm với người xưa, dù rằng có điểm không đồng ý. Người ta không thể đồng ý khi Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh đưa quân sang đánh Quang Trung, nhưng từ vở diễn mà khán giả hiểu thêm về Lê Chiêu Thống, đồng cảm với ông, và rơi nước mắt cho một thân phận đế vương trót sinh vào giai đoạn suy tàn của một triều đại.

Lê Chiêu Thống tên thật là Lê Duy Khiêm, khi lên ngôi lại đổi tên Lê Duy Kỳ, mới 6 tuổi đã bị Chúa Trịnh Sâm bắt giam vào ngục cùng với hai em, cha của ông cũng bị Chúa Trịnh giết, mẹ thì bị cấm cung. Mãi đến 11 năm sau, khi 17 tuổi, Lê Duy Kỳ mới được thả, và 21 tuổi lên ngôi (1786). Nhưng ông không một ngày yên ổn, phần thì chú ruột âm mưu giết chết, phần vì tàn quân Chúa Trịnh vẫn nổi lên chống phá, phần thì Vũ Văn Nhậm - tướng quân Tây Sơn tấn công Bắc Hà, hoàng thất của Lê Chiêu Thống phải chạy loạn. Năm 1788, ông sang cầu viện nhà Thanh về diệt Tây Sơn. Năm 1789, Nguyễn Huệ đã đánh tan nhà Thanh, Lê Chiêu Thống lại dẫn mẹ, con trai cùng những cận thần (trong đó có Lê Quýnh) chạy sang Đại Thanh ẩn náu và mong cứu viện lần nữa. Vua Càn Long lúc đó đã già, Thân vương Phúc Khang An không muốn đánh nhau, bèn bày mưu gạt Lê Chiêu Thống cắt tóc, thay trang phục, biến cả hoàng thất thành những kẻ lưu vong...

Về một vở cải lương chưa chắc bán vé được ào ào nhưng có giá trị cao- Ảnh 2.

NSƯT Lê Trung Thảo (phải) vai Lê Quýnh và nghệ Hoài Nam vai Phúc Khang An

ẢNH: H.K

Vở cải lương đã tái hiện giai đoạn đau đớn ấy của Lê Chiêu Thống khi mất ngai vàng, mất nước, con trai bé bỏng cũng chết vì bệnh, những trung thần bị Phúc Khang An đày đi xa, tách khỏi nhà vua, chỉ còn lại người mẹ già là Mẫn Thái hậu và trung thần Lê Quýnh. Ông buồn đau rồi qua đời năm 28 tuổi.

Đạo diễn đã chọn nghệ sĩ trẻ Trọng Hiếu vào vai Lê Chiêu Thống với ngoại hình mong manh cộng thêm hóa trang ra được chất yếu đuối, tội nghiệp. Vở diễn đã cho thấy thân phận và nỗi niềm của ông đáng trách lẫn đáng thương, giúp chúng ta hiểu sử một cách đa chiều. Đặc biệt lớp diễn của NSƯT Tâm Tâm trong vai Mẫn Thái hậu lúc bà mất hết con cháu, nhớ quê hương Đại Việt đến héo hon và cũng bỏ thân nơi xứ người đã lấy không ít nước mắt của người xem.

NSƯT Lê Trung Thảo vào vai Lê Quýnh cũng đầy nỗi niềm. Ông trung với nhà Lê, nhưng cuối cùng vẫn nhận ra một triều đại suy tàn, ông chấp nhận công lao của Nguyễn Huệ, tự hào khi Nguyễn Huệ đánh tan quân Thanh và kiên quyết giữ nguyên tóc tai, trang phục của người Việt. Phúc Khang An cũng cảm phục tài năng và dũng khí của ông nên chỉ giam chứ không giết, sau cho tự do đi lại. Năm 1804, sứ thần Gia Long sang cầu phong, nhà Thanh cho Lê Quýnh cùng các cận thần trở về cố quốc, đem theo hài cốt của Mẫn Thái hậu, Lê Chiêu Thống và con trai. Lê Quýnh về nước, sống hết tuổi già, trao lại quyển sách ông đã ghi chép đầy đủ sự kiện của Lê Chiêu Thống, nhờ vậy hậu thế có tài liệu để giữ gìn. Lê Trung Thảo vốn là giảng viên dạy vũ đạo cho sinh viên sân khấu nên anh diễn rất đẹp một nhân vật văn võ song toàn. Đặc biệt với lớp slow motion đẹp như điện ảnh, chuẩn xác, thẩm mỹ, khán giả như nín thở dõi theo. Còn những lớp tâm sự, nỗi niềm thì khiến người mộ điệu rưng rưng...

Thật sự hiếm có vở diễn nào như vậy, không cần đi sâu vào khai thác kịch tính, không cầu viện ngôi sao nổi tiếng, mọi tình tiết cứ nhẹ nhàng trôi qua trong da diết, xót xa, từng lời ca, lời thoại cứ thấm vào dòng chảy cảm xúc, đau đớn một cách lặng thầm. Có thể nói, Lưu vong - khí tiết một trung thần là một kiểu cải lương dành cho người trí thức, ham mê học sử, tinh tế từng câu văn, thưởng thức từng vũ đạo truyền thống. Một kiểu cải lương chưa chắc bán vé được ào ào, nhưng thực sự có giá trị rất cao!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.