Về nơi… đất biết sinh sôi

15/10/2022 11:00 GMT+7

Mong lắm được một lần về thăm Đất Mũi, cực Nam của Tổ quốc. Mỏm đất như một ngón chân cái bấm xuống biển Việt Nam. Nơi chỉ nghe qua lời bài hát Về đất Mũi Cà Mau của nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã thấy xốn xang, thôi thúc, lay động lòng người.

“Anh đến quê em đất biển Cà Mau/Cỏ cây xanh tươi đước rừng bát ngát/ Dòng sông Tam Giang nắng trải đưa người/Về thăm quê hương đất mũi xa xôi/Trời xanh Năm Căn gió lộng bốn bề/Biển bao la sóng tung cánh chim hải âu…. Miền quê hương em đất cũng sinh sôi…”. Câu hát như mời gọi, thúc giục mọi người “nhanh nhanh đôi bàn chân” đến với Cà Mau, thăm thú miền cực Nam Tổ quốc, nơi đất cũng sinh sôi, nơi thiên nhiên và con người hòa quyện.

Điểm cuối đường Hồ chí Minh

TGCC

Thế rồi, ngày ấy cũng đến. Tôi là một trong mười một thành viên của đoàn Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh đi thực tế sáng tác tại miền Tây Nam bộ. Anh bạn Thái hướng dẫn viên cho đoàn, hào hứng trong tiếng ô tô vẫn êm ga chạy đều đều:

Trước đây khách muốn ra Đất Mũi phải đi tàu từ chợ Năm Căn. Đường bộ ô tô chưa chạy được. Từ đầu năm 2016 con đường dài 50 km này mới được mở rộng, trải nhựa và thông xe đường Hồ Chí Minh. Đây là đoạn Năm Căn - Đất Mũi nối thông tuyến đường bộ số 1 từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Chỉ xe 16 chỗ ngồi trở xuống mới được chạy. Hai năm gần đây, xe loại 46 chỗ ngồi mới được lưu thông.

9 giờ xe đến bãi tập kết ở Đất Mũi. Chúng tôi quyết định đi bộ để tìm hiểu. Chị bán vé vào thăm quan khu du lịch như một hướng dẫn viên du lịch nhã nhặn cung cấp những hiểu biết khi được hỏi về khu vực Đất Mũi:

- Thuở xưa truyền lại rằng, trước kia nơi đây chỉ là bãi bồi muỗi nhiều vô kể, muỗi bay nghe như tiếng đàn, tiếng sáo. Đây cũng chính là vựa tôm cá và các loại hải sản. Phương tiện đi lại đánh bắt khó khăn. Vì vậy có năm hộ gia đình quyết định dời khỏi làng ra đây cắm chốt sinh sống mới có tên là Năm Căn. Truyền thống đấu tranh anh dũng trong các cuộc chiến tranh chống đế quốc xâm lược rất đáng tự hào. Thời kháng chiến chống Pháp, các anh hùng cách mạng như Trần Văn Thời, Phan Ngọc Hiển. Hai người này đã được tỉnh Cà Mau đặt tên cho hai huyện của tỉnh. Chị còn kể cho tôi nghe về sự tích anh hùng Bông Văn Dĩa quê Rạch Gốc (Tân An, Cà Mau) đã chọn cửa sông Vàm Lũng quê mình làm bãi tiếp nhận vũ khí bí mật. Rồi anh cùng các đồng chí đoàn 692 đưa những thuyền buồm, máy nhỏ nhoi vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí mở con đường Hồ Chí Minh trên biển về tận mũi Cà Mau. Từ tháng 3.1962 chuyến tàu buồm đầu tiên khởi hành đến năm 1972 đã có 77 chuyến tàu cập bến Vàm Lũng thành công với hơn 3 ngàn tấn vũ khí tiếp viện cho quân dân Cà Mau đánh giặc...

Anh bạn chạy xe điện, trong lúc chờ khách cũng hào hứng xen vào: - Ở đất mũi còn điều khác biệt với bất cứ nơi nào, đó là Đất nở ra, rừng biết đi và biển sinh sôi.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên chưa hiểu, anh giải thích: Rừng biết đi bắt đầu từ câu nói: Mắm đi trước, đước theo sau, tràm theo sát. Đầu tiên từ bãi bồi bùn trống trơn, cây mắm mọc theo, tung những quả mắm già theo dòng nước ra biển, sóng đánh vào bãi bồi. Thế là mắm mọc thành rừng rất nhanh giữ phù sa, giữ đất. Sau đó mắm già, lụi rồi chết đi để rễ lại từ bùn chỉa lên trời tua tủa như những vạt chông, nhường chỗ cho cây đước vươn ra khẳng định chỗ đứng của mình. Rễ đước mọc thành chùm như cọc nhọn lực điền cắm phập xuống đất mặn rồi lại vươn ngược lên xòe ra như bàn tay để hút phù sa bồi đất lên cao. Cây đước đến sau cây mắm, làm rường cột đóng vào bùn đất ngập nước giữ cho rừng cây vững vàng trước sóng và gió biển. Khi nền đất đã vượt trên mức ngập của nước biển, thì lứa đôi cây Đước, cây Mắm lại nhường chỗ cho cây Tràm. Từ đây cây tràm tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ mà mắm, đước đã khai mào làm ngọt hóa vùng đất vừa giành giật.

Người Cà Mau giống như cây đước, cây tràm, quật cường mà hào hiệp, xanh thắm tình thương. Mắm và đước là hai loại cây có công lớn trong việc hình thành và phát triển đất Mũi. Nhưng để làm nên đất Mũi mà mỗi năm cứ lặng thầm vươn lấn ra biển khơi, bồi đắp thêm hàng trăm mét phải nhờ một yếu tố địa lý kỳ lạ đó là hệ thống sông, rạch chảy từ thượng nguồn, vùng châu thổ tới với các con sông Bảy Háp đổ ra biển Tây, sông Cửa Lớn, sông Ông Đốc, sông Cái Tàu, sông Trẹm từ Cái Tàu đổ về Kiên Giang, sông Đầm Cùng, sông Bạch Ngưu chảy qua địa phận Cà Mau, sông Gành Hào dài 45 cây số từ trung tâm TP.Cà Mau đổ ra biển Đông. Ngoài ra, còn nhiều sông, rạch nối với nhau tạo thành những ô, thửa cực đại tiếp tục làm nhiệm vụ bồi đắp phù sa, nuôi dưỡng những cánh rừng ngập mặn, cung cấp nguồn lợi thủy, hải sản, sự sống và môi trường sinh thái. Những cây mắm, cây tràm ra hoa, kết trái, rụng xuống đâu găm rễ, mọc cây đến đó để rồi sự sống sinh sôi, phát triển không ngừng.

Đoàn chụp ảnh tại mốc tọa độ Quốc Gia

TGCC

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình, cả đoàn chụp ảnh lưu niệm tại mốc số 0 nơi điểm cuối cùng của tuyến đường Hồ Chí Minh bắt đầu từ mục Nam Quan (Lạng Sơn) cho đến tận điểm cuối cùng là Đất Mũi (Cà Mau) nơi nhà văn Nguyễn Tuân đã gọi là "ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm". Cột mốc tọa độ Quốc gia GPS0001 (Cây số không) được xây xong vào tháng 1.1995. Đây là cột mốc lớn được xây dựng rất đẹp có hình dạng ngôi sao sáu cánh ở giữa có một cái lỗ hình vuông là tâm của cột mốc.

Mỗi người chúng tôi sáng tác một bộ môn khác nhau, những nhà Mỹ thuật tranh thủ ký hoạ phong cảnh nơi đây. Những con cá “thòi lòi”, loài cá lạ kỳ có hai con mắt như hai chiếc đèn pha trên đỉnh đầu, thoăn thoắt nhảy nước, thoăn thoắt leo cây, khi lại bật tanh tách trên mặt bùn cạn thu hút nhà nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Huấn. Anh mải miết săn đuổi, bấm máy liên tục những khoảnh khắc con cá bắt mồi, nghe tiếng động tranh nhau chui vào lỗ…

Mải tìm hiểu vùng đất một thời oanh liệt, dữ dội chiến công nhưng được thiên nhiên ưu đãi nhiều sản vật từ biển, từ các nguồn phù sa đổ về tới mười ba giờ, chúng tôi mới tập trung. Thật kỳ lạ, trời đang nắng bỗng nhiên xám xịt thế là cơn mưa rào bất chợt đổ ập xuống. Phải đến ba mươi phút sau cơn mưa mới tạnh nhưng chúng tôi vẫn chưa thể về vì còn thiếu nhà Nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Huấn. Mãi mới thấy anh, người ướt sũng vẫn cố cởi tấm áo ngoài che cho chiếc máy ảnh khỏi bị ướt.

Ở quầy bán hàng khô, những cô gái xinh đẹp, ăn mặc theo đúng phong cách sông nước miền Tây, giọng ngọt như mía lùi, dịu dàng mời chúng tôi mua. Tôm khô chà bông, tôm khô xẻ lụi, khô mực, khô vũ nữ chân dài, khô cá nâu, khô cá lóc… về làm quà. Rượu rễ cây nhào với hải sản tại xóm Đất Mũi đã làm cho đoàn chúng tôi chếnh choáng say. Tới tận mười lăm giờ đoàn chúng tôi mới rời đất mũi. Tôi nhìn ra xa ngoài biển mà lòng không chỉ thấy mênh mang nước. Còn nghe náo nức, miên man những con sóng nối nhau vỗ vào bờ. Câu hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp lại ùa về trong tôi ngân vang da diết: “Anh đến quê em đất biển Cà Mau/Cỏ cây xanh tươi đước rừng bát ngát/Miền quê hương em cá bạc, tôm vàng/Miền quê hương em đất cũng sinh sôi… Gần thêm yêu dấu quê chúng ta Cà Mau …”.

Cà Mau không còn xa xôi như trước. Tôi tự hứa với mình phải trở lại Cà Mau thêm nhiều lần nữa để chứng kiến vùng đất biết sinh sôi…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.