Về quê khởi nghiệp: Sản phẩm đồng quê dầu lạc tinh chất và trà xạ đen

25/12/2021 08:32 GMT+7

Những bạn trẻ khởi nghiệp từ nghề nông bằng những sản phẩm bản địa và đã được tôn vinh trong giải thưởng Lương Định Của năm 2021.

Về quê khởi nghiệp

Anh Đinh Ngọc Đức (30 tuổi) tốt nghiệp ngành nông nghiệp Trường ĐH Vinh, từng làm cán bộ Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, nhưng sau 3 năm, anh nghỉ việc về quê (tại xã Nghi Long, H.Nghi Lộc, Nghệ An) để khởi nghiệp. Nhận thấy ở quê trồng nhiều lạc, là nguyên liệu làm dầu ăn nên anh nảy sinh ý tưởng sản xuất dầu lạc. Khi ấy, anh được bầu làm Phó bí thư Đoàn xã và là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp và thương mại Nghi Long của xã, nên quyết định khởi nghiệp bằng chính sản phẩm của địa phương.

Năm 2018, anh cùng HTX xây dựng đề án sản xuất và chế biến “Dầu lạc tinh chất Nghi Long”. “Bước đầu HTX gặp nhiều khó khăn vì chi phí đầu tư lớn, nhưng cũng được hỗ trợ từ Viện Nông nghiệp Bắc Trung bộ và dự án KOPIA của Hàn Quốc tài trợ trang thiết bị”, anh Đức chia sẻ. Anh đã ký hợp đồng liên kết với các tổ hội nghề trồng lạc tại địa phương nhằm thu mua nguyên liệu. Ngay trong năm 2018, HTX đã sản xuất và cho ra thị trường tiêu thụ gần 3.000 lít dầu, doanh thu khoảng 320 triệu đồng, trừ chi phí nhân công, đầu vào, lợi nhuận ước đạt gần 100 triệu đồng.

Đến năm 2020, doanh thu HTX đạt hơn 500 triệu đồng, lợi nhuận ước đạt gần 200 triệu đồng. Hiện cơ sở tạo việc làm cho 7 lao động, trong đó có 3 lao động thường xuyên với thu nhập 4 - 6 triệu đồng/ tháng. Sản phẩm dầu lạc tinh chất Nghi Long đã được trình lên Hội đồng đánh giá phân hạng OCOP cấp tỉnh chấm và công nhận đạt chuẩn OCOP năm 2021.

Năm 2021, anh Đức đầu tư thêm 1 cửa hàng thực phẩm sạch và các sản phẩm OCOP, mang lại lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Anh Đinh Ngọc Đức khởi nghiệp trên quê hương

NVCC

Cử nhân điều dưỡng khởi nghiệp từ cây thuốc

Tốt nghiệp cử nhân ngành điều dưỡng Trường CĐ Y tế Thái Nguyên năm 2013, chị Nông Thị Huệ (29 tuổi, dân tộc Nùng, xã Hồng Kỳ, H.Yên Thế, Bắc Giang) nhận thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp ở địa phương rất lớn, nên quyết định về quê khởi nghiệp.

Với vốn kiến thức về ngành y, đồng thời qua trải nghiệm điều trị bệnh gan cho bố bằng cây xạ đen, chị quyết định khởi nghiệp bằng việc trồng giống cây này để làm thuốc. Chị đã lên tỉnh Hòa Bình mua 2.000 cây giống xạ đen về địa phương trồng thử nghiệm. Thấy cây xạ đen sinh trưởng và phát triển tốt, nên chị đã vận động những người có cùng tâm huyết nhân rộng mô hình trồng xạ đen.

Chị Nông Thị Huệ khởi nghiệp từ cây xạ đen

NVCC

Đồng thời là Bí thư Chi đoàn bản Trại Nhì (xã Hồng Kỳ), thành viên CLB thanh niên làm kinh tế xã Hồng Kỳ, năm 2019 chị Huệ thành lập HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Thiên Phú với 7 thành viên. Chị đã trực tiếp nghiên cứu, phát triển 2 sản phẩm chính của HTX là trà xạ đen Diệp Nhật và rượu Diệp Nhật. “Rất mừng là các sản phẩm của HTX đã được khách hàng đón nhận nồng nhiệt, xuất hiện tại 100 nhà hàng và 220 quầy tạp hóa trên toàn tỉnh Bắc Giang”, chị Huệ chia sẻ.

Chị Huệ cho biết năm 2020, HTX có 8 thành viên với diện tích canh tác 5 ha; đến năm 2021, HTX có 15 thành viên, diện tích đạt 15 ha. Đến nay, HTX đã đầu tư nhà xưởng, dây chuyền sản xuất với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỉ đồng. Hai sản phẩm của HTX đã cho tổng doanh thu đạt gần 1,5 tỉ đồng/năm, lợi nhuận 600 triệu đồng/năm. HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 thanh niên và 9 lao động thời vụ tại địa phương với mức thu nhập tối thiểu 6 triệu đồng/ người/ tháng.

“Mục tiêu của tôi là tiếp tục khởi nghiệp đẩy mạnh sản xuất và phát triển các mô hình sản xuất dựa trên nền tảng đang có, học hỏi trau dồi kiến thức, bài học kinh nghiệm từ những thất bại của mình và những người xung quanh, tôi quyết tâm góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển từng ngày”, chị Huệ chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.