Cây cỏ quanh nhà luôn mang lại nhiều giá trị trong đời sống của người miền quê. Có loài mọc dại mà được hái mang đi xào hay luộc để dùng bữa cho qua ngày. Có loài mang đi giã ra cho nhuyễn rồi đắp lên vết thương như trị rắn cắn, hay mấy loài côn trùng có độc tính.
Mùa nắng có những ngày trời đang hầm hập, rồi chợt có đám mây đen kéo đến làm tối trời tối đất. Cái tính thất thường của khí hậu miền Nam luôn làm cho con người ta cảm thấy uể oải. Nhất là trong những ngày tránh dịch Covid-19, người chẳng làm gì mà nằm lì ra trên võng nên thấy đời tâm tối như thiểu não, thiếu sức sống.
|
|
|
Bệnh cảm cúm luôn được xếp vào chứng thương phong (là do nhiễm phải khí hậu trái thường của thời tiết mà sinh bệnh - NV) trong Đông y. Nguyên nhân chính là do chính khí suy yếu, tà khí thừa cơ xâm nhập mà hành bệnh.
Sống trong môi trường ô nhiễm, hay có bệnh lý nền như viêm họng, viêm thanh quản, viêm mũi mà thời tiết thay đổi không kịp thích nghi nên trở bệnh người hay ớn lạnh về chiều.
Mỗi lần như vậy, người ở quê thường bày nhau ra sau vườn hái mấy loài cây dại để mang về nấu một nồi xông. Trong vô vàn của những loài thảo dược xung quanh nhà. Để có một nồi xông như ý, người ta chọn loài nào có thật nhiều tinh dầu hay trị chứng cảm mạo nhiều nhất.
Miền này, phía sau hè nhà nào cũng thường có bụi sả nên được chọn là loại được dùng nấu xông nhiều nhất. Ngoài ra đặc tính của sả làm cho ấm bụng tiêu hóa, sát khuẩn, khử uế, tiêu đờm, cảm sốt, đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, nôn mửa, ho, viêm phổi, giải độc rượu nên lại càng phù hợp.
Lá bưởi cũng là loài có tinh dầu, dễ tìm, lại có vị thơm nhè nhẹ hòa quyện vào các loại lá cây còn lại như dây bòng bong, lá ô rô hay dây đậu ma.
Những loài này điều có những đặc tính riêng như có loài dân gian dùng trong việc chữa sốt rét kinh niên và sốt phát ban. Có loài chuyên điều trị các bệnh về gan và thận.
Riêng cây bạch đàn, hay còn gọi là cây khuynh diệp được trồng dày đặc trước cửa nhà thì lại có rất nhiều công dụng. Lá và cành non sắc hoặc ngâm rượu pha uống có tác dụng giúp tiêu hóa, chữa cảm cúm, trừ đờm, sát trùng. Ngậm, súc miệng chữa bạch hầu, viêm amiđan.
|
|
Phương pháp dùng lá cây nấu nồi xông giải cảm đã được dân gian áp dụng lâu đời để chữa cảm mạo giai đoạn đầu.
Tác dụng của hơi nước nóng ở nhiệt độ cao kết hợp tác dụng dược lý của các chất bay hơi chứa trong dược thảo kéo theo hơi nước làm giãn mạch ngoại biên, lượng máu được tăng cường.
Điều này giúp kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài.
Khi tìm đủ nguyên liệu thì mang tất cả đi rửa sạch bằng nước lạnh rồi cho vào một cái nồi thật to. Nhớ để ý và sắp xếp các loài lá theo thứ tự và ngay ngắn để mỗi loài khi được đun sôi sẽ phát huy hết công dụng của mình cho người được xông.
Nước đổ xâm xấp vào nồi và bắt lửa nhỏ khoảng chừng hai mươi phút. Nhớ tránh mở nắp nhiều lần để làm bay hơi chất tinh dầu trong nồi. Khi canh nước trong nồi đã sôi thật già thì trải tấm chiếu vào nơi kín gió và mang theo một cái mền thật to cùng đôi đũa để lần giở nồi xông.
Người cảm mạo muốn xông chỉ cần cởi hết áo quần, độc nhất một chiếc quần cộc. Ngồi thẳng lưng và kéo chiếc nồi xông đến gần. Người trong gia đình phủ lên chiếc mền thật to và người xông giở nhẹ cho hơi nóng bốc lên để phà vào người.
Nhiệt độ ban đầu rất nóng nên tránh bị phỏng. Đến khi thấy sức nóng đã giảm thì hé mở từ từ cho đến khi nồi xông nguội hẳn. Nước còn lại trong nồi có thể dùng để tắm hoặc ngâm chân.
Người nào đã xông thì tranh thủ đi lấy khăn lông lau sơ quanh người rồi mặt lại áo quần, uống kèm ly nước lọc và nghỉ ngơi.
Để tránh cảm lạnh, không nên xông quá lâu gây mất nước. Bên cạnh đó không được tắm ngay khi vừa mới xông.
Chiều ngày hè về quê nghỉ lễ còn lại được xông lá cây cảm thấy trong người thật sảng khoái. Con người tự dưng nhanh nhẹn và biết yêu đời, nhìn quanh thứ gì cũng sắc màu tươi thắm.
Đúng là công dụng của cỏ cây quê mình thật nhiều điều lý thú.
Bình luận (0)