Vé số 'năm Covid': Tình yêu cổ tích của người phụ nữ mất hai tay, một chân

25/11/2020 13:41 GMT+7

Bị tàn phế mất hai tay và một chân sau tai nạn điện, chồng lại bỏ đi nhưng chị Còn vẫn ngồi xe tự chế đi khắp nẻo đường bán vé số mưu sinh. Rồi tình yêu như cổ tích đến với chị khiến bao người ngưỡng mộ.

Bị nạn ở tuổi 29, chồng bỏ đi không từ giã

Năm 2006, vì nghèo, chị Võ Thị Còn (39 tuổi, quê xã Viên An Đông, H.Ngọc Hiển, Cà Mau) cùng chồng dắt nhau lên Tiền Giang thuê nhà trọ, tìm công việc mưu sinh. “Chồng tôi theo tàu đánh cá ra khơi, mỗi chuyến có khi cả tháng mới về. Để tiếp sức chồng, ở nhà, tôi làm phụ hồ kiếm thêm thu nhập. Nhưng sau chuyến đi biển trở về, hay tin tôi bị tai nạn, anh ấy tới bệnh viện thăm rồi một đi không trở lại, cũng không lời từ giã”, chị Còn chua xót kể lại.
Thời điểm xảy ra tai nạn, chị làm công nhân cho Công ty xây dựng Thế Vũ được hơn một năm. Bấy giờ, công ty đang thi công xây dựng một công trình dân dụng tại xã Bình Đức, H.Châu Thành, Tiền Giang.
Sáng hôm ấy, chị đứng trên tầng 1 để kéo thanh sắt dưới đất chuyền lên thì bị phóng điện từ đường dây hạ thế. Ngay lập tức, chị được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Tiền Giang, rồi tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Vì phỏng điện quá nặng, các bác sĩ không cứu được chân trái và hai cánh tay của chị. Lúc đó chị mới 29 tuổi.

Chân trái và hai cánh tay của chị Còn bị cưa sát sau tai nạn điện

ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Liên tiếp gánh nỗi đau mất cha, mất mẹ

Chị Còn kể tiếp sau gần 2 tháng điều trị, hôm chị được xuất viện, công ty có cho người tới thanh toán tiền viện phí và thuê taxi đưa về nhà trọ ở TP.Mỹ Tho. Chị không biết viện phí tổng cộng bao nhiêu, nhưng kể từ đó, công ty không còn giúp chị khoản nào nữa và cũng không còn liên hệ với chị.
Thời gian sau, do hoàn cảnh quá túng quẫn, chị có nhờ người quen làm đơn gửi nhiều nơi kêu cứu nhưng chờ hoài không có phản hồi. Bấy giờ, nhà thầu đổ thừa cho cai, cai đổ cho thầu không mua bảo hiểm cho chị.
“Lúc đó, tôi hết sức tuyệt vọng. Bởi sau khi ba tôi vừa mất chưa được một tuần thì tôi bị tai nạn, rồi khoảng 4 tháng sau mẹ tôi mất. Thân tôi tàn phế, không còn nơi nương tựa và chưa biết sẽ sống bằng cách nào. Gia đình tôi có 7 người anh em nhưng ai cũng nghèo. Tất cả đều rời bỏ quê đi làm thuê kiếm sống ở nhiều nơi nên không ai đùm bọc, giúp đỡ được”, chị Còn tâm sự.
Sau hơn một năm nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phải nhờ người thân giúp đỡ, tiền bạc túng thiếu, nhiều lúc không có tiền mua gạo. Biết hoàn cảnh ngặt nghèo của chị, thỉnh thoảng có một số người tốt bụng tới thăm, cho gạo, cho tiền mua thuốc uống.

Mỗi ngày, chị Còn rong ruổi khắp TP.Mỹ Tho bán vé số mưu sinh

ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Khi vết thương bắt đầu lành, chị Còn được một mạnh thường quân tặng chiếc xe lăn. Kể từ đó, mỗi buổi chiều, người chị ruột của chị Còn sau khi đi làm phụ hồ về thì ghé đại lý nhận vài trăm tờ vé số đem về rồi đẩy xe cho chị Còn đi bán lòng vòng TP.Mỹ Tho đến 8 - 9 giờ đêm, để kiếm tiền trang trải chi phí. Mỗi ngày bán vé số, được tiếp xúc nhiều người, chị Còn cảm thấy thanh thản hơn lúc phải nằm tù túng một chỗ.

Tình yêu mới đẹp như cổ tích

Cuộc sống của chị Còn cứ lây lất, buồn tẻ như vậy cho đến khi có người xuất hiện. Đó là anh Lê Minh Luân, em chồng của Võ Thị Huệ (chị ruột chị Còn). Anh Luân quê ở Bạc Liêu, làm công nhân ở Bình Dương được 3 năm thì bỏ về Mỹ Tho làm phụ hồ với người anh ruột.
Do hai người sống chung nhà trọ, cùng thân phận nghèo nên nảy sinh tình cảm. Vậy là cả hai vượt qua mọi rào cản đến với nhau. Hiện họ đã có 2 đứa con gái, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi, đang học mẫu giáo tại một cơ sở từ thiện.

Chị Còn hạnh phúc bên hai con nhỏ

ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Sau khi lấy nhau, tất cả mọi sinh hoạt trong gia đình người chồng đều gánh vác hết. Từ cơm nước, lau dọn nhà cửa, tắm rửa cho vợ con. Suốt bao nhiêu năm, vì hai cánh tay chị bị cắt gần sát nách nên mỗi khi ăn cơm anh Luân phải đút. Đánh răng, lau mặt, uống nước cũng nhờ chồng.
“Mỗi ngày, anh ấy thức dậy từ 4 giờ 30 sáng để làm vệ sinh, tắm rửa, thay quần áo, chải đầu cho vợ, đưa vợ tới điểm bán vé số rồi quay về cho con uống sữa và đưa con tới trường mẫu giáo”, chị Còn cho biết.
Do công việc cứ tất bật như vậy nên anh Luân nghỉ làm phụ hồ, chuyển sang bán vé số cùng vợ. Để tiện cho vợ di chuyển, anh mua gỗ về rồi mày mò đóng một chiếc xe tự chế có 4 bánh, thấp cho vợ ngồi và đẩy bằng một chân còn lại.
Nhờ có chiếc xe “chuyên dụng” đặc biệt này mà trung bình mỗi ngày chị di chuyển hơn 10 km để mưu sinh. Mỗi khi mua vé số, khách phải khom người xuống tự chọn vé, lúc trả tiền thì tự bỏ vào giỏ chị Còn mang trên người và nếu có thối tiền thì khách cũng tự thò tay vào giỏ lấy ra giùm.

Cảm thương hoàn cảnh của chị Còn, nhiều người mua vé giúp chị

ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Không chỉ rong ruổi ở Mỹ Tho, hằng tuần, chị còn chia “lịch” đi bán ở Cai Lậy, Tầm Vu, Tân An và Bến Tre, xa hàng chục cây số. Lý do là Mỹ Tho bây giờ nhiều người bán vé số quá, chị cạnh tranh không lại.
Mỗi sáng, anh Luân chở vợ bằng xe gắn máy tới địa điểm định trước để gửi xe. Sau khi sắp xếp vé số vào chiếc xe tự chế cho vợ, mỗi người mạnh ai nấy đi bán. Tới giờ hẹn thì anh đón vợ về. Ngày nào như ngày nấy, cứ 4 giờ 30 chiều thì anh đi đón con, 5 giờ ghé đại lý nhận vé số mới rồi về nhà tắm rửa cho vợ con, lo cơm nước…

Hằng tuần, chị còn chia “lịch” đi bán vé số ở nơi xa hàng chục cây số

ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Chị Còn kể, mấy năm trước, trong một lần đi nhận quà từ thiện, chị được nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy tặng 20 triệu đồng để cất căn nhà nhỏ trên cái nền chị dành dụm mua được từ trước ở ngoại ô TP.Mỹ Tho. Nhưng được một thời gian thì chị phải bán lấy 80 triệu đồng để trả nợ lúc nằm viện. Bởi vậy, bây giờ chị phải ráng dành tiền để kiếm cái nền nho nhỏ vì có một đại lý vé số hứa cho chị 40 triệu đồng để cất nhà.

Chị Còn và chồng, anh Lê Minh Luân

ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Hiện nay, vợ chồng và 2 con chị Còn sống trong một căn nhà thuê, mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Ngoài tiền nhà còn tiền điện, nước, tiền chợ, tiền học cho con. Chị nhẩm tính tổng cộng mỗi tháng hà tiện lắm cũng hết 3 triệu đồng. Tuy bán vé số mưu sinh có vất vả nhưng chị nói vẫn thấy hạnh phúc với những gì mình đang có.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.