Trước đây, việc canh mua vé máy bay, vé tàu xe cuối năm trở thành “nhiệm vụ” chính của những người con xa xứ. Thế nhưng, năm nay, đã bước sang nửa cuối tháng 12, Tết Nguyên đán 2022 đã tới rất gần, nhưng hầu hết mọi người vẫn khá thờ ơ với vé tết.
Vé bán rồi, không ai dám mua
“Giờ bán vé xe tết chưa ta?”. “Chắc có bán rồi đó, mà không ai mua”. “Ừ, sợ dịch hủy vé các kiểu”… Đoạn trò chuyện của nhóm bạn trẻ đồng hương Phú Yên đang làm việc tại TP.HCM kết thúc bằng tin nhắn: “Không một ai dám”.
Bến xe Miền Đông vắng tanh, thưa thớt khách ghé mua vé |
Ngọc Dương |
Là một thành viên trong nhóm này, Quế Chi (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết mọi năm từ khoảng đầu tháng 11 là mọi người bắt đầu háo hức gọi điện hỏi vài hãng xe quen lịch bán vé xe khách về Phú Yên dịp Tết Nguyên đán. Ai cũng mang tâm lý chọn mua vé sớm cho rẻ. Thế nhưng năm nay, hỏi đến vé tết, ai cũng dửng dưng, vì tình hình dịch thế này không biết tết có được về hay không, vì thế không dám mua sớm.
Theo Quế Chi, thực tế vé xe tết từ khi bắt đầu mở bán thì giá đã tăng gấp 2 - 3 lần. Tất nhiên, mua muộn thì khả năng không còn chỗ hoặc phải ngồi ghế phụ, còn giá vé cũng không chênh lệch bao nhiêu. Trong khi đó, một số nhà xe chỉ bán vé tết trực tiếp, không cho đặt qua điện thoại hoặc online. Khách đi mua vé rất cực, phải đến tận nơi ngồi chực chờ cả buổi. “Năm nay, lại càng không biết thế nào, nhiều người đã về từ đợt dịch, ở luôn đến tết không vào. Có nhiều người lại sợ đi xe khách, tự lái xe máy hoặc thuê xe riêng về nên có khi khó bán lại. Tốt nhất là cứ chờ thêm tới gần tết xem tình hình dịch bệnh thế nào rồi tính. Cứ từ từ cho chắc…”, cô gái trẻ nói.
Ngành đường sắt tiếp tục vắng khách trầm trọng |
Đào Ngọc Thạch |
Đổi vé xe khách đã ngại, những trường hợp đi máy bay như anh Minh Trường (ngụ Q.12, TP.HCM) càng e ngại hơn. Được mệnh danh là “thánh săn vé rẻ”, hầu như năm nào Minh Trường cũng chủ động sắp xếp lịch nghỉ trước tết để có thể từ giai đoạn tháng 4, tháng 5 là “nhắm” mua vé về Hà Nội với mức giá rất tốt.
Bến xe Miền Đông vắng tanh, thưa thớt khách ghé mua vé |
NGỌC DƯƠNG |
“Năm nay vé máy bay mở theo kế hoạch ngắn, tới giữa tháng 11 vẫn chưa có hãng hàng không nào công bố bán vé tết. Chưa kể diễn biến dịch bệnh tại Hà Nội giờ đang rất phức tạp. Lỡ tới gần tết mà đóng cửa sân bay hoặc thêm điều kiện cách ly các thứ thì khổ. Gần tới ngày rồi mua!”, anh Trường chia sẻ. Trong khi đó, có không ít người chọn ở lại TP.HCM đón tết luôn vì lo ngại về quê rồi “kẹt” luôn như đợt dịch trước, khó quay lại TP để tiếp tục công việc.
Covid-19 sáng 19.12: Cả nước 1.524.368 ca nhiễm | TP.HCM phát hiện hàng vạn người chưa tiêm vắc xin |
Thêm cái tết buồn của đường sắt
Tết Nguyên đán 2021 ngành đường sắt từng chứng kiến vé tết ế kỷ lục, tuy nhiên tết năm nay còn thê thảm hơn khi tới thời điểm này, các nhà ga vẫn vắng tanh, rất ít hành khách đến mua vé.
Bà Phạm Thị Anh Đào, Trạm trưởng Trạm vận tải đường sắt Hà Nội (Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội), cho biết tính từ khi mở bán chính thức ngày 15.11 đến 18.12, lượng vé bán ra trên hệ thống từ ga Hà Nội đi các ga mới chỉ đạt hơn 300 vé, bằng 10 - 15% so với lượng vé bán ra cùng kỳ các năm trước. Đây là con số rất thấp so với các đợt mở bán vé tết nhiều năm nay, song cũng là kịch bản đã được dự đoán trước.
“Vài năm trở lại đây, người dân ít mua vé tàu sớm do lượng vé nhiều, ngoài tàu hỏa còn rất nhiều lựa chọn như ô tô, máy bay giá rẻ. Đa số hành khách thường mua vé gần sát tết nên lượng vé mở bán sớm không bán được nhiều. Năm ngoái, sát tết bất ngờ bùng dịch hành khách ào ào đến các ga trả vé, thì năm nay dịch kéo dài suốt cả năm khiến mọi người đều ngại mua vé tết”, bà Đào chia sẻ.
Dù vậy, kịch bản “ế vé tết” cũng đã được ngành đường sắt dự báo từ sớm do diễn biến dịch năm nay rất phức tạp. Ngoài tâm lý e ngại dịch, nhiều người dân tại các tỉnh cũng đã về quê thời điểm hết giãn cách từ một vài tháng trước. Mặt khác, năm nay cũng thiếu hụt lượng lớn hành khách là sinh viên các trường đại học do chưa nhập học.
Cũng theo bà Đào, hiện do khách đi tàu quá vắng, nên ngành đường sắt chỉ chạy hằng ngày 2 đôi tàu khách Thống nhất tuyến Bắc - Nam. Dù vậy, mỗi chuyến xuất phát từ ga Hà Nội cũng chỉ có hơn 100 hành khách, chủ yếu đi chặng ngắn, xa nhất chỉ đến Vinh. Tuyến Hà Nội - Hải Phòng hằng ngày cũng chỉ chạy 1 đôi tàu khách, còn các tuyến và các tàu chặng ngắn khác đều không chạy tàu khách.
Chưa bao giờ ế khủng khiếp thế!
Sáng 17.12 tại Bến xe Miền Đông, không khí ảm đạm vẫn bao trùm như những ngày đầu mở cửa trở lại. Gần 1 giờ đồng hồ quan sát, chúng tôi ghi nhận chỉ lác đác vài lượt khách tới hỏi mua vé tết.
Tưởng rằng người dân ngại dịch phải đi lại, tiếp xúc nhiều người, nên chuyển qua mua vé online, song ông Tạ Chương Chín, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông, cho biết số lượng khách mua online cũng gần như bằng 0. Theo ông, hiện có 16 tỉnh thành kết nối hoạt động lại các tuyến xe khách tới Bến xe Miền Đông. Bình quân, mỗi ngày xuất bến 150 - 170 chuyến xe, mỗi chuyến chỉ có 5 - 6 khách. So với giai đoạn bình thường trước dịch, lượng xe xuất bến chỉ đạt 12 - 15%, hành khách chỉ đạt 5%.
“Vì số lượng khách quá ít như vậy, việc đưa xe vào hoạt động của các doanh nghiệp cũng rất hạn chế, tần suất thấp, ít. Dự báo lượng khách trong thời gian tới cũng rất khó bởi không ai tính trước được dịch bệnh. Do đó, kế hoạch năm nay chủ yếu là ứng phó với dịch. Bến xe Miền Đông cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp vận tải để xây dựng phương án phục vụ người dân dịp tết. Về cơ bản thì các doanh nghiệp đều sẵn sàng, chỉ cần có khách là chạy lại ngay. Dự kiến trong thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh ổn hơn, lượng khách đi lại nhiều hơn so với hiện tại thì sẽ bắt đầu mở bán vé tết từ 30.11 âm lịch”, ông Chín thông tin.
Tương tự, Công ty CP Bến xe Miền Tây đến nay vẫn chưa công bố kế hoạch bán vé Tết âm lịch. Trả lời Thanh Niên, ông Trần Văn Phương, Phó tổng giám đốc công ty, lý giải nguyên nhân do tình hình dịch bệnh diễn biễn quá phức tạp, chưa đoán định được. Hiện nay, trong số 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đã có 10 địa phương kết nối các tuyến vận chuyển hành khách với TP.HCM thông qua Bến xe Miền Tây. Còn 3 tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long và Bạc Liêu chưa kết nối lại.
Thống kê tháng 11, trung bình mỗi ngày Bến xe Miền Tây xuất bến 74 chiếc xe, phục vụ khoảng 505 hành khách. Nếu so với ngày bình thường, số xe chỉ đạt được 8%, khách chỉ đạt được 3%.
Vietravel chuyển nhượng 55,58% cổ phần tại Vietravel Airlines
HĐQT Công ty Vietravel đã thông qua chủ trương chuyển nhượng 55,58% cổ phần tại Vietravel Airlines cho Vietravel Holdings - Công ty CP đã được Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 28.7.
Theo báo cáo của HĐQT Vietravel, trước những khó khăn do dịch bệnh, mảng kinh doanh lữ hành bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vietravel Airlines bắt đầu hoạt động với những chuyến bay thương mại nội địa cất cánh từ đầu tháng 1, dự kiến sẽ lỗ trong những năm đầu hoạt động. Tuy nhiên, do mảng lữ hành của Vietravel chưa phục hồi như dự kiến dẫn đến kết quả kinh doanh của công ty mẹ thấp, không thể bù đắp cho các khoản lỗ đến từ Vietravel Airlines. Trong khi đó, nếu giữ nguyên cấu trúc sở hữu như hiện nay, Vietravel là công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ của Vietravel Airlines thì toàn bộ khoản lỗ của hãng sẽ được hợp nhất trên báo cáo tài chính của Vietravel. Việc hợp nhất khoản lỗ của Vietravel Airlines sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung toàn công ty. Do đó, HĐQT Vietravel đã thông qua chủ trương chuyển nhượng phần vốn góp tại Vietravel Airlines để không phải chịu khoản lỗ từ hãng bay này. Vietravel Airlines là hãng hàng không lữ hành đầu tiên tại VN cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không và các gói du lịch trong nước và quốc tế.
Các doanh nghiệp vận tải hành khách hiện không còn là chết lâm sàng mà chết luôn rồi. Hầu hết số xe truyền thống hết hạn đã bán luôn rồi, chỉ còn lại các xe đời mới. Khổ vô cùng. Giờ mọi người có mong thì cũng chưa thể xây dựng kế hoạch Tết âm lịch được. Vẫn còn phải phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh và nhu cầu của khách.
Ông Trần Văn Phương
Bình luận (0)