Những ngày đầu tháng 6.2022, thông tin về đàn cò nhạn quý hiếm hơn 1.000 con di cư về trú ngụ ở Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò - Xa Mát khiến những người yêu thích chim trời háo hức. Nhưng để có được những hình ảnh gần họ phải trả giá bằng những giọt mồ hôi và cả máu, theo đúng nghĩa đen.
Khoảnh khắc 2 con cò tranh giành thức ăn |
GIANG PHƯƠNG |
Dù vậy, cũng không thể cản được những người yêu chim trời, say mê săn ảnh chim trời. Có người không ngại quãng đường cả hàng trăm km từ TP.HCM hay các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước về VQG Lò Gò - Xa Mát, (thuộc H.Tân Biên, Tây Ninh), nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia.
Cò nhạn về VQG Lò Gò - Xa Mát |
GIANG PHƯƠNG |
Chim diệc xám kiếm ăn trên hồ Dầu Tiếng |
GIANG PHƯƠNG |
Đoàn chúng tôi, từ TP.Tây Ninh ngược về H.Tân Biên rồi đến VQG, vào khu trảng Tà Nốt, nơi đàn chim về trú ngụ. Sau khi ngắm đàn chim ở các góc độ từ độ cao 36m ở đài quan sát, những tay ảnh bắt đầu len lỏi vào cánh đồng cỏ ngập nước rộng hàng chục héc ta, chờ sẵn.
Khoảng 16 giờ 30 phút, đàn chim kéo về xôn xao trên các ngọn cây tràm. Để có thể tiếp cận đàn chim quý ở cự ly gần nhất mà không bị chúng phát hiện, những tay "săn" ảnh phải hết sức nhẹ nhàng khi lội nước. Vì chỉ cần nghe tiếng động nhẹ phát ra từ bên dưới tán cây, đàn chim lập tức di chuyển sang vị trí xa hơn.
Cánh đồng trảng ngập nước bao la, ôm chiếc máy ảnh trên tay, chúng tôi dò dẫm từng bước chân nhẹ nhất có thể, vừa cố gắng để không phải bước nhầm xuống những hố bom sâu ẩn dưới mặt nước. Ai nấy 2 chân bị những lá cỏ bén ngót cắt vào, có người lâu lâu phải cúi người nhẹ nhàng, dùng tay gỡ những con đỉa trâu to hơn ngón tay cái đang bám chặt vào da để hút máu…
Đôi cò nhạn bay trên VQG Lò Gò - Xa Mát |
GIANG PHƯƠNG |
Quảng đường chỉ khoảng hơn 1 km nhưng chúng tôi mất hơn 45 phút vì phải “đi nhẹ, nói khẽ” để tiếp cận. Đàn chim trời khá nhạy với tiếng động nên thời điểm này, chỉ có thể tiếp cận được ở khoảng cách khoảng 30 - 50 m để ghi hình. Ở khoảng cách này, người chụp thường phải sử dụng ống kính tiêu cự 400 mm đến 600 mm. Dù chưa phải là khoảng cách tốt nhất để ghi lại những hình ảnh cận nhất về đàn chim, nhưng đó là những trải nghiệm đầy lý thú.
Người chụp ảnh nhẹ nhàng lội và đứng trong cánh đồng cỏ ngập nước |
GIANG PHƯƠNG |
VQG Lò Gò - Xa Mát đến nay đã xác định được hơn 203 loài chim. Đặc biệt, cánh rừng ngập nước trảng Tà Nốt đã ghi nhận nhiều loài chim nước quý hiếm di cư như giang sen, già đẫy nhỏ và cò nhạn.
Ngoài ra, Lò Gò - Xa Mát còn là nơi dừng chân bay qua của loài sếu đầu đỏ, trên tuyến di cư giữa ĐBSCL về nơi sinh sản tại Campuchia. Tuy nhiên, gần đây VQG này mới chỉ ghi nhận sự trở về của loài cò nhạn…
Chim nhạn về trú ngụ |
GIANG PHƯƠNG |
Ở Tây Ninh, ngoài VQG Lò Gò - Xa Mát, chim muông cũng xuất hiện ở trên khắp các cánh đồng, vườn cây như gõ kiến, cò trắng, cu rốc... Nhưng các loại chim này cũng dần hiếm hơn khiến việc “săn” ảnh chim của những người yêu chim cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Cò trắng kiếm ăn |
GIANG PHƯƠNG |
Cò trắng, thường tập trung kiếm ăn vào khi những cánh đồng đã gạn nước chờ xạ lúa hay hồ Dầu Tiếng. Ngắm nhìn đàn cò trắng muốt, thỉnh thoảng bắt gặp khoảnh khắc chúng tranh giành thức ăn bay lên đánh nhau trên không trung cảm giác thú vị không kém.
Hay ngắm nhìn những con chim quành quạch, chim cu rốc kêu vang vọng những khóm cây xanh cảm giác hòa với thiên nhiên. May mắn cũng có thể bắt gặp những con chim gõ kiến ẩn mình trong cái lỗ giữa một cái cây…
Chim gõ kiến |
GIANG PHƯƠNG |
Chim cu rốc |
GIANG PHƯƠNG |
Chim quành quạch tắm |
GIANG PHƯƠNG |
Nhưng, có một thực tế đáng buồn là hiện nay chim trời vẫn đang âm thầm bị săn bắt, tận diệt. Chim muông tán tác nên nhiều năm qua, những vùng đặc hữu mà những loài chim quý như già đẫy, sếu đầu đỏ bay về trú ngụ như trảng Tà Nốt đã không còn ghi nhận.
Vì thế, sự trở về của đàn cò nhạn như một tín hiệu đáng mừng cho những người yêu chim. Và với những người yêu “săn” ảnh chim muông, họ luôn hy vọng những tiếng kêu của chim trời cũng trở nên thánh thót hơn chứ không phải là những tiếng kêu cứu đầy tuyệt vọng.
Bình luận (0)