Và tôi đã có dịp lênh đênh sông nước, mục sở thị khu vực rừng ngập mặn và thăm chiến khu rừng Sác, cảm nhận sự hoang sơ và bí ẩn của khu rừng, để hoài niệm về quá khứ oai hùng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm của ông cha ta.
Đoàn chúng tôi di chuyển đến bến cá Phước An, cảm nhận rõ được nhịp sống nơi này. Làng bè có khoảng chục căn nhà lợp mái lá dừa, nổi bồng bềnh trên mặt nước nhờ những thùng phuy sơn màu xanh, chốc chốc dập dềnh theo sóng nước. Tôi ghé lại gần chỗ những người đánh cá, những chiếc sọt với mẻ tôm tươi đang nhảy lách tách, những con cua xanh đen căng mướt đang thổi những mảng bọt nhìn thật đã mắt...
Trong lúc đợi thuyền đến, anh Minh Trí, cán bộ huyện Nhơn Trạch, giới thiệu với chúng tôi sơ lược về làng bè Phước An. Nơi đây được mệnh danh là thủ phủ nuôi hàu của Đồng Nai. Hiện nay ở làng bè có khoảng 250 chiếc bè nuôi hàu, chiếm khoảng 15 héc ta mặt nước. Cấp ủy, chính quyền xã rất quan tâm và khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển nuôi và kinh doanh các loại thủy, hải sản mang lại giá trị cao kết hợp với du lịch để nâng cao đời sống cho bà con.
Khi ca nô cập bến, đoàn chúng tôi di chuyển xuống để đi dạo một vòng ngắm sông nước mênh mang. Anh Thành, "người lái đò" lâu năm và gắn bó với đoạn sông này, giới thiệu với chúng tôi về khu vực rừng Sác: Đây là nơi giao thoa của 4 con sông lớn thuộc vùng Đông Nam bộ, là sông Soài Rạp, Đồng Tranh, Thị Vải, Lòng Tàu. Tuy rừng Sác trải dài các tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu, TP.HCM, nhưng mỗi khi nhắc đến mọi người thường gắn với Cần Giờ, ít ai biết đến bến phà Phước An.
Thời tiết thật biết chiều lòng người. Bình minh ngày mới ló rạng, những ánh nắng ửng hồng soi bóng xuống dòng sông khiến mặt sông sóng sánh những ánh vàng rực rỡ. Gió trên sông thổi rì rào, tiếng chim hót líu lo hòa ca cùng bản đồng giao của buổi mai yên bình. Hai bên bờ là vạt đước xanh, có những vòm cây đã lốm đốm điểm vàng. Những cây đước to bám mình xuống bồi phù sa, minh chứng cho sức sống mãnh liệt đã qua bao mùa mưa nắng; như những người dân nơi đây, sống trong khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn luôn rạng rỡ những nụ cười, sức sống bền bỉ qua năm tháng.
Màu xanh biêng biếc, pha với màu vàng lốm đốm của những chiếc lá cuối thu làm bừng sáng không gian của khu rừng ngập mặn. Trời, mây, sông, nước, cây cối hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh thủy mặc đẹp mê hoặc lòng người. Tôi cảm nhận mình nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vỹ. Xuôi theo dòng nước trong xanh soi bóng mây trời ấy là hình ảnh những ngư dân nhàn tản đang gỡ cá trên chiếc thuyền đã bạc màu vì thời gian.
Chúng tôi chuyển qua chiếc thuyền nhỏ hơn để đến với căn cứ, nơi có tấm bia tưởng niệm do Đại tá Lê Bá Ước là Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 đặc công rừng Sác lập cách đây đã nhiều năm, để tưởng nhớ các đồng chí, chiến sĩ đã hy sinh nơi đây. Năm 2021, được sự chấp thuận của tỉnh, UBND huyện Nhơn Trạch đã tôn tạo di tích.
Gió mặt sông lay nhẹ như muốn đưa những người khách ngược về với dòng chảy thời quá khứ hào hùng… Đây là nơi bao nhiêu chiến hạm, tàu vận tải của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã phải chôn vùi dưới đáy sông. Và nơi đây sẽ vẫn mãi khúc âm vang hào hùng từ những chiến công hiển hách của đội Đặc công rừng Sác, Đoàn 10 đặc công. Các anh ngã xuống để làm nên những bất tử. Thế hệ mai sau mãi biết ơn những người anh hùng góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang.
Sau chuyến đi ấy, được lênh đênh trong vùng đất ngập mặn Phước An, tận hưởng không gian mênh mang của vùng sông nước, ôn lại những trang sử hào hùng của vùng đất địa linh nhân kiệt, được thưởng thức những đặc sản tại làng bè thơm ngon, chúng tôi được mở mang tầm mắt... Hy vọng trong tương lai Phước An sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai đam mê khám phá, là "địa chỉ đỏ" hấp dẫn để thế hệ trẻ đến đây ngày một nhiều hơn.
Bình luận (0)