(TNO) Một vệ tinh quân sự của Mỹ đã phát nổ trong vũ trụ, tạo ra nhiều mảnh vỡ bay tứ tán quanh Trái đất, theo Sputnik News.
Vệ tinh phát nổ sau khi nhiệt độ tăng lên đột ngột và không thể kiểm soát, nguồn tin quân đội Mỹ cho biết.
Vụ nổ đã phóng đi ít nhất 43 mảnh vỡ vào quỹ đạo quanh Trái đất và hiện đang được không quân Mỹ theo dõi, Sputnik News đưa tin ngày 3.3.
“Những động thái ban đầu đã được tiến hành sau vụ nổ. Các nhân viên của Trung tâm phối hợp các nhiệm vụ vũ trụ Mỹ (JSpOC) sẽ tiếp tục đánh giá vụ việc để tìm hiểu thêm những gì vừa xảy ra”, trang tin SpaceNews.com dẫn lời đại tá John Giles, Giám đốc JSpOC.
Vệ tinh phát nổ nằm trong Chương trình vệ tinh khí tượng quốc phòng (DMSP) của Mỹ. Quân đội Mỹ bắt đầu phát triển chương trình này vào những năm 1960 để hỗ trợ các nhiệm vụ trinh sát và giám sát.
Hệ thống vệ tinh của DMSP được công khai và không còn là bí mật quốc gia vào năm 1972. Các dữ liệu của chúng được cung cấp cho các nhà khoa học dân sự.
Vệ tinh phát nổ có ký hiệu DMSP-F13, là vệ tinh thứ mười ba được DMSP phóng vào năm 1995. DMSP-F13 đã cung cấp cho không quân và hải quân Mỹ hàng ngàn bức ảnh khí tượng trước khi chuyển sang vai trò dự phòng vào năm 2006.
Do vệ tinh DMSP-F13 đã cũ và không còn là một phần quan trọng trong hệ thống nên sự cố có thể sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến dữ liệu thời tiết của Mỹ, theo Telegraph.
DMSP-F13 bay quanh Trái đất ở độ cao hơn 800 km trong “quỹ đạo đồng bộ mặt trời" (SSO). Nó mất khoảng 101 phút để bay hết một vòng quanh Trái đất và có thể cung cấp đầy đủ hình ảnh bề mặt hành tinh 2 lần/ngày.
Không quân Mỹ hiện vẫn còn 6 vệ tinh thời tiết trong chương trình DMSP. Vệ tinh được phóng gần đây nhất là vào tháng 4.2014, mang ký hiệu là DMSP-F19. Mỹ đang xem xét khả năng phóng vệ tinh thứ bảy với ký hiệu DMSP-F20 vào năm 2016.
Bình luận (0)