Vệ tinh Trung Quốc ‘suýt’ va chạm mảnh vỡ từ vụ nổ của Nga

20/01/2022 19:40 GMT+7

Cục Không gian quốc gia Trung Quốc (CNSA) mới đây cho hay một vệ tinh khoa học của nước này đã tránh được trong gang tấc một mảnh vỡ trên quỹ đạo được tạo ra từ vụ Nga phóng tên lửa phá hủy vệ tinh cũ.

“Cuộc chạm trán cực kỳ nguy hiểm” nói trên xảy ra vào ngày 18.1, khi vệ tinh khoa học Thanh Hoa suýt va chạm một mảnh vỡ cách xa 14,5 m, theo tờ South China Morning Post hôm nay 20.1 dẫn thông báo từ CNSA.

Mảnh vỡ đó được cho là được tạo ra từ cuộc phóng tên lửa diệt vệ tinh do Nga tiến hành vào ngày 15.11.2021 và nguy cơ va chạm vẫn còn cao trong tương lai gần, theo CNSA.

Ngày càng có nhiều mảnh vỡ trên quỹ đạo trái đất

Chụp màn hình SCMP

Vào ngày 15.11.2021, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói Nga đã “liều lĩnh thực hiện một cuộc thử nghiệm mang tính phá hủy, dùng một tên lửa chống vệ tinh nhắm trực tiếp vào một trong những vệ tinh của họ”. Ông còn nói rằng cuộc thử nghiệm đã tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ có thể truy vết được và sẽ có thể tạo ra hàng trăm ngàn mảnh vỡ nhỏ hơn trên quỹ đạo, theo AFP.

Chuyên gia Lưu Anh, phó giám đốc trung tâm mảnh vỡ thuộc CNSA, cho hay các cuộc chạm trán giữa phi thuyền và mảnh vỡ thường xuất hiện cách xa vài kilômét, trường hợp cách xa vài mét là “rất hiếm”.

Mỹ lên án vụ thử tên lửa diệt vệ tinh của Nga

Trung Quốc theo dõi các mảnh vở kể từ vụ phóng tên lửa nói trên của Nga. Phần lớn các mảnh vở từ vụ đó ở cách trái đất từ 400-1.100 km, nơi có hàng trăm vệ tinh của Trung Quốc trong quỹ đạo, theo SCMP.

Chuyên gia Lưu cho hay nếu có bất kỳ mảnh vỡ tiếp cận, các vệ tinh cần được thông báo một cách nhanh chóng và có sự chuyển động để tránh va chạm. Hiện chưa có phản ứng của Nga đối với thông tin trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.