Vẽ tranh 'độc lạ': Nửa thế kỷ biến bẹ chuối thành tranh

11/09/2023 07:17 GMT+7

Bẹ chuối khô với nhiều người có thể chỉ là rác, nhưng lại mang đến cho ông Phan Văn Đắc (81 tuổi) nhiều danh tiếng trong cuộc chơi sắc màu và cả chuyện cơm áo.

"TÔI CHƯA BAO GIỜ ĐƯỢC HỌC VẼ"

Nhà ông Phan Văn Đắc nằm trong con hẻm sát một khu đô thị sầm uất ở P.Đồng Hải (TP.Đồng Hới, Quảng Bình). Nhà xây từ những năm 1990 nên khá thấp, từ ngoài vào trong được treo chi chít tranh. Khác lạ ở chỗ, những bức tranh đó được tạo nên bằng vật liệu vốn không có nhiều họa sĩ lưu tâm: bẹ chuối khô.

 Vẽ tranh 'độc lạ': Nửa thế kỷ biến bẹ chuối thành tranh - Ảnh 1.

Ông Đắc cho biết mình “mang ơn” bẹ chuối khô, vật liệu để ông sáng tác tranh

NGUYỄN PHÚC

"Xin đừng gọi tôi là họa sĩ hay nhà mỹ thuật gì cả, vì tôi chưa bao giờ được học vẽ tử tế", ông Đắc vội vã xua tay. Tuổi cao, đi lại đã chậm chạp, nói năng từ tốn nhưng ông khá minh mẫn. Ông kể mình sinh ra trong gia đình không có ai theo đuổi nghệ thuật. Thuở chiến tranh đói nghèo, một tờ giấy trắng, một cây bút chì được coi là xa xỉ, nhưng ông lại "con nhà lính, tính nhà quan" khi mê vẽ tranh. Những nét nguệch ngoạc trên tường đất, trên bẹ chuối, trên những tờ giấy nhám sẫm màu đã không rời bỏ ông cả tới khi vào quân ngũ. Khi chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, cấp trên thấy ông có năng khiếu nên cho vào bộ phận tuyên truyền, cổ động.

"Có những lúc rảnh rỗi, tôi nằm trên võng đu đưa, nhìn vu vơ thì thấy những bẹ chuối khô trông có vẻ hợp mắt. Thế rồi máy tay máy chân, mượn kéo của quân y, xin ít cơm hồ của "anh nuôi", cắt dán chúng để ghép thành tranh bẹ chuối khô. Thế thôi!", ông Đắc kể về cơ duyên đến với tranh bẹ chuối.

Cụ ông 50 năm trời miệt mài vẽ tranh bằng… bẹ chuối

Bức tranh bằng bẹ chuối hoàn chỉnh đầu tiên của ông Đắc là bức Vũ nữ múa ballet vào năm 1967. Ông đã tặng bức tranh khổ nhỏ này cho một người bạn giáo viên ở vùng giải phóng. "Bức tranh đó cũng có số phận buồn cười lắm. Mấy đứa học trò thấy bạn tôi để bức tranh đó ở bàn làm việc, liền đi mách lãnh đạo nhà trường là thầy treo tranh… khỏa thân, vì vũ nữ ballet thì phải mặc đồ múa khá… tiết kiệm vải. Báo hại ông bạn tôi bị khiển trách 4 năm không tăng lương. Về sau, tôi đã xin lại bức tranh này để phục hồi nhưng không giữ được, vì một nhà sưu tập ở Hà Nội quá thích và ra giá cao", ông Đắc kể.

Làm tranh bẹ chuối khô khó nhất ở chỗ nguyên liệu rất ít màu, chủ yếu là màu nâu (tùy đậm nhạt). Vì thế, khi bỏ từng gam màu vào tranh bẹ chuối không đơn giản. "Có cả đống bẹ chuối khô vứt lăn lóc ở góc vườn, nhưng khi nhìn vào phải biết cái nào sử dụng được, cái nào không… Chứ không phải cứ lượm về, dán như học sinh dán giấy màu thủ công", ông Đắc chia sẻ.

Một điều nữa, theo ông Đắc, quá trình sáng tác tranh bẹ chuối khô thì thực sự phải thả hồn vào… các bẹ chuối, từ đó dựng bức tranh theo ý tưởng riêng biệt chứ không lặp lại của ai cả. "Nhiều bạn trẻ đã đến chỗ tôi học hỏi nhưng không ai đủ kiên nhẫn để bám trụ đủ lâu", ông Đắc cho hay.

 Vẽ tranh 'độc lạ': Nửa thế kỷ biến bẹ chuối thành tranh - Ảnh 2.

Tác phẩm Vũ nữ múa ballet được ông Đắc thực hiện vào năm 1967, sau này có phục dựng nhưng cũng đã về tay một nhà sưu tập ở Hà Nội

NVCC

MANG ƠN BẸ CHUỐI

Ông Đắc theo đuổi phong cách sáng tác với chất liệu "không giống ai" này gần 50 năm, cho ra đời trên dưới 700 bức tranh bẹ chuối khô. "Không phải kiêu ngạo, nhưng tôi làm tranh bẹ chuối chưa bao giờ rao bán mà do người ta tự tìm đến, xem và mua. Tranh của tôi không đến mức giá trăm triệu đồng mỗi bức, nhưng vài chục triệu là có. Khi bán xong thì lập tức… chia tiền lợi nhuận với bà xã, để bà còn lo cơm nước và mọi việc trong nhà. Tôi cũng không ngần ngại khi nói với anh rằng cả cơ ngơi nhà cửa của tôi bây giờ, dù không to lớn gì, nhưng đều từ bẹ chuối khô mà ra", ông Đắc nói.

Có 2 tác phẩm tranh bẹ chuối ông Đắc hết sức tự hào, đó là bức Hương sen vẽ Bác Hồ được ông dâng tặng, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và bức Điểm chốt cũng được ông dâng tặng, hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quân sự VN. Ông Đắc cũng đã tổ chức 2 triển lãm cá nhân về tranh bẹ chuối khô, in tập sách Ký ức thời gian kể lại sự nghiệp và ảnh chụp những bức tranh mà ông tâm đắc.

"Tôi năm nay đã 81 tuổi, cái tuổi đủ để hiểu nhiều về được mất, thành bại nên tôi đã "gác bút" không sáng tác nữa. Tôi tự hào vì cuộc đời mình có 50 năm gắn liền với bẹ chuối và thực sự… mang ơn bẹ chuối. Sau này, có thể tôi mất đi, nhưng tranh bẹ chuối khô của tôi thì vẫn còn. Với nhiều người, đó là thứ vật liệu mong manh, nhưng có lẽ họ đã sai…", ông nói.

Lúc tôi chào ra về, ông Đắc cao hứng đọc câu thơ của nhà thơ Lý Hoài Xuân viết tặng ông từ năm 1987: "Chỉ là bẹ chuối khô thôi/Mà bức tranh giấu hồn người bên trong…".

 (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.