Vẽ tranh trên giấy tre nghệ thuật

11/05/2015 06:12 GMT+7

Sự xuất hiện của những tác phẩm nghệ thuật trúc chỉ tại Festival Nghề truyền thống Huế 2015 khiến nhiều người ngỡ ngàng thích thú.

Sự xuất hiện của những tác phẩm nghệ thuật trúc chỉ tại Festival Nghề truyền thống Huế 2015 khiến nhiều người ngỡ ngàng thích thú.

Du khách thích thú với không gian triển lãm trúc chỉ Đồng vọng tại sân điện Cần Chánh, Đại nội Huế  - Ảnh: Bùi Ngọc Long
Du khách thích thú với không gian triển lãm trúc chỉ Đồng vọng tại sân điện Cần Chánh, Đại nội Huế
  - Ảnh: Bùi Ngọc Long
Những tấm giấy được chế tác dựa trên quy trình truyền thống, với nguyên liệu là tre, đã được tiếp biến để trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Ấn tượng mới về giấy
Tại không gian sân điện Cần Chánh (Đại nội Huế) trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2015 tổ chức tại Huế vừa qua, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế và nhóm tác giả dự án “Đồng vọng” đã khai mạc không gian nghệ thuật sắp đặt trúc chỉ trên cơ sở hệ thống hoa văn, họa tiết của mỹ thuật thời các chúa Nguyễn.
Triển lãm giới thiệu 50 bức đồ họa trúc chỉ khổ lớn (80 cm x 190 cm) sắp xếp theo bố cục mô phỏng cấu trúc la thành lăng thời chúa Nguyễn. Những tác phẩm trúc chỉ được ứng biến theo 5 chủ đề: tổng quát, lăng, bia, mộ, trang trí mỹ thuật. Người xem đã ngỡ ngàng trước vẻ đẹp vừa thân quen của chất liệu trúc chỉ, mang nét truyền thống vừa lạ lẫm trước những hoa văn, họa tiết của mỹ thuật thời chúa Nguyễn ẩn hiện trên phông nền của mỹ thuật đương đại.
Cùng với triển lãm Đồng vọng, tại Bảo tàng Văn hóa Huế cũng xuất hiện một không gian trúc chỉ theo dòng mỹ thuật ứng dụng, với nhiều sản phẩm trang trí và lưu niệm, như: hộp trang điểm, bưu thiếp, tranh, thư pháp, quạt, đèn lồng, dù, trang phục, bàn trang điểm...
Nét tinh tế độc đáo của trúc chỉ đó là giấy nhưng không còn là giấy bởi từng sản phẩm đều ẩn chứa những hoa văn, họa tiết, bố cục khác nhau mang dấu ấn và phong cách sáng tạo riêng của người nghệ sĩ.
Tiếp biến từ truyền thống
Họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Trường ĐH Nghệ thuật - Đại học Huế, người khởi lập ra dòng nghệ thuật này chia sẻ: “Từ năm 2000, mình bắt đầu nghiên cứu về giấy. Kỹ nghệ làm giấy truyền thống đã xuất hiện từ hàng ngàn năm qua và sẽ không có gì mới, nếu không có sự tiếp biến. Quan niệm thông thường thì giấy chỉ một sản phẩm phục vụ đời sống, một sản phẩm của nền văn minh loài người ra đời nhằm làm “nền” cho con người viết, vẽ, in ấn... để thi triển những ý tưởng sáng tạo và những thông điệp khác nhau nhằm chuyển tải thông tin”.
Họa sĩ Phan Hải Bằng đang giới thiệu một bức trúc chỉ được trình diễn thư pháp
Họa sĩ Phan Hải Bằng đang giới thiệu một bức trúc chỉ được trình diễn thư pháp
Năm 2007, được sự hỗ trợ của Quỹ học bổng châu Á học (Asian Scholarship Foundation - ASF) họa sĩ Phan Hải Bằng đã có một chuyến điền dã, nghiên cứu và thực hành nghề giấy thủ công ở Bắc Ninh; Chiang Mai cùng các tỉnh phía bắc Thái Lan. Sau khi trở về, anh cùng các sinh viên của mình nghiên cứu và hoàn thành quy trình chế tác giấy thủ công từ rơm, mía, chuối, tre... và bắt đầu áp dụng vào việc sáng tạo nghệ thuật tạo hình cũng như nghệ thuật ứng dụng. Sau khi thử nghiệm qua nhiều nguyên liệu khác nhau, trên cơ sở của quy trình sản xuất giấy dó truyền thống, nhóm nghiên cứu đã chọn nguyên liệu tre vì dễ kiếm, dễ trồng và thân thuộc với người Việt. Đến năm 2012, trong một cuộc triển lãm đầu tiên ở cố đô Huế, sản phẩm nghệ thuật giấy tre đã được nhà văn, dịch giả Bửu Ý đặt cho cái tên chính thức là trúc chỉ.
Theo họa sĩ Phan Hải Bằng, trúc chỉ hiểu đơn thuần là loại giấy bằng tre được sản xuất theo quy trình truyền thống nhưng đã được tiếp biến để trở thành dòng nghệ thuật. Theo đó, tre được tách vỏ, bỏ đốt, chẻ nhỏ rồi ngâm vôi sau một đêm sẽ bỏ vào nồi nấu liên tục trong 12 tiếng. Sau khi nấu xong sẽ được nghiền trong vòng 1 - 4 tiếng. Nếu như kỹ nghệ sản xuất giấy thủ công truyền thống sẽ dừng lại ở công đoạn seo giấy ra khuôn rồi lấy ra đem phơi để thành sản phẩm hoàn chỉnh thì với nghệ thuật trúc chỉ, khi seo giấy vào khuôn, người nghệ sĩ bắt đầu tham gia vào công đoạn tạo hình, thao tác hoa văn bằng áp lực nước để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật trúc chỉ còn được hỗ trợ ở giai đoạn này bằng công nghệ máy tính và các loại hình khác.
Bởi vậy, trúc chỉ vừa là giấy tre nhưng cũng là tác phẩm nghệ thuật. Điểm độc đáo của trúc chỉ là sau khi đã hoàn thành đã có thể là một tác phẩm độc lập, đồng thời vẫn có thể sẵn sàng tương tác, đối thoại với các phương tiện, kỹ thuật, loại hình nghệ thuật khác để làm phong phú hơn ý nghĩa tác phẩm. Trúc chỉ là nghệ thuật đương đại được thai nghén từ quá trình nghiên cứu và khai thác giá trị của nghề truyền thống, văn hóa, nghệ thuật... và tiếp biến bằng cập nhật, cải tiến và thích nghi với đời sống hiện đại, kết hợp với khoa học, công nghệ, cả những kiến thức ở bên ngoài... để xây dựng những giá trị mới, thích ứng với nhịp sống đương đại mà vẫn mang đậm tinh thần dân tộc, tinh thần Việt.
Đề tài nghiên cứu trúc chỉ của họa sĩ Phan Hải Bằng và các cộng sự đã giành giải thưởng Công trình, tác phẩm xuất sắc của năm 2011 của Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên-Huế; giải B năm 2012 tại triển lãm mỹ thuật khu vực bắc miền Trung - Hội Mỹ thuật VN; giải 3 tại triển lãm ngày truyền thống Sinh viên học sinh (9.1.2014) của Trường ĐH Nghệ thuật - Đại học Huế; 2 giải khuyến khích tại Festival Mỹ thuật trẻ lần 3-2014 tại Hà Nội; giải 3 triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần 3-2014 tại Hà Nội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.