Vén màn chiến dịch phản gián ly kỳ của Mỹ

22/09/2017 14:00 GMT+7

Ngay cả với cường quốc tình báo như Mỹ, việc chống gián điệp cũng là bài toán khó, nhất là khi đối phương hành động quá tinh vi và khéo léo.

Hầu hết những “thợ săn” gián điệp của Mỹ không bao giờ tham gia chiến dịch bắt giữ trực tiếp vì lý do an ninh. Thế nhưng, ông Robert David Booth là một ngoại lệ. Khi còn là Phó giám đốc Cục Phản gián thuộc Bộ Ngoại giao nước này, ông đã trực tiếp điều tra và lên kế hoạch thực hiện vụ bắt giữ một điệp viên Nga hoạt động với danh nghĩa nhà ngoại giao tại thủ đô Washington D.C. Mới đây, ông Booth - tác giả cuốn sách Phản gián ngoại giao: Rò rỉ, do thám và dối trá - đã tiết lộ những tình tiết hấp dẫn về phi vụ có một không hai này, theo Đài CNN.
Bẫy Hạc thiêng
Giữa năm 1999, ông Booth cùng các đồng sự được tin gián điệp Nga đang nghe lén những cuộc hội thoại mật ngay tại tòa nhà Bộ Ngoại giao Mỹ. Lúc này một số nhà ngoại giao nước ngoài, trong đó có Nga, được phép đến làm việc tại tòa nhà. Chuyện càng động trời hơn khi báo cáo cho thấy địa điểm bị nghe lén là một phòng hội nghị chung hành lang với văn phòng riêng của Ngoại trưởng Madeleine Albright. Theo lời kể của ông Booth, chiến dịch phản gián đặc biệt mang mật danh “Sacred Ibis” (tạm dịch: Hạc thiêng) lập tức được tiến hành. Với sự phối hợp của Cục Điều tra liên bang (FBI), đơn vị của ông Booth truy ra được băng ghi hình và bức ảnh chụp nhà ngoại giao Nga tên Stanislav Borisovich Gusev. Cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng Gusev là một nhân viên của KGB làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao.
Trong băng ghi hình, ông Gusev ngồi trên băng ghế phía sau tòa nhà chính của Bộ Ngoại giao Mỹ, túi xách để bên cạnh, một tay thò vào túi, một bên đeo tai nghe với sợi dây luồn vào bên trong túi. Một đoạn băng khác quay cảnh nhân vật này ngồi đúng ở vị trí đó cũng với cái túi, miệng ngậm điếu thuốc lá và đang đọc tờ The Washington Post nhưng lại cầm ngược. Ít ngày sau, ông ta lái xe tới ngay con đường có chiếc ghế trên, đỗ lại vài giờ rồi quay lại lấy xe rời đi. Sau khi xem băng ghi hình, cộng đồng tình báo Mỹ đi đến kết luận rằng hành động của nhà ngoại giao Nga nhiều khả năng là một chiến dịch gián điệp nghe lén.
Nhóm của ông Booth nhanh chóng triển khai theo dõi chặt chẽ khu vực. Với các phương tiện kỹ thuật và kinh nghiệm của mình, ông chắc chắn thiết bị nghe lén được đặt ở tầng 7, đồng thời chiếc xe hơi mang biển ngoại giao mà ông Gusev đi cũng cài thiết bị điện tử có khả năng thu tín hiệu từ tòa nhà. Thiết bị trên xe có thể kích hoạt “con bọ” gắn trên tầng 7 như một chiếc micro trực tiếp để thu tiếng trong phòng hội nghị. Ngay trong phòng này không lâu trước đó, một ủy ban của Bộ Ngoại giao đã nhóm họp về hồ sơ của các nhân sự cấp cao. Theo ông Booth, nếu người Nga nghe được những cuộc thảo luận thì chắc chắn sẽ nắm được điểm yếu của rất nhiều quan chức Mỹ.
Sau thời gian lùng sục, các đặc vụ cuối cùng cũng tìm ra được thiết bị nghe lén được giấu hết sức tinh vi trong một tay ghế tại phòng họp. CNN thời điểm đó từng dẫn lời một mật vụ nhận xét: “Đây thực sự giống kịch bản trong một tập phim 007. Nó cực kỳ chuyên nghiệp và đủ kín để bạn cũng như tôi không thể để ý đến, dù là hàng trăm năm nữa”. Tiếp theo là một cuộc tranh cãi dữ dội về việc xử lý thiết bị nghe lén như thế nào. Một số người cho rằng nên để nguyên tại chỗ, giám sát và bắt quả tang tại trận khi ai đó đến gỡ ra. Trong khi đó, một số ý kiến khác muốn gỡ con bọ ra ngay để phân tích và tìm biện pháp đối phó vì không có gì bảo đảm gián điệp Nga chưa tung những thiết bị tương tự tại nhiều địa điểm quan trọng khác. Ngoài ra, còn có chuyên gia đề xuất ý tưởng tổ chức cuộc họp giả tại phòng bị nghe lén để mớm thông tin sai lệch cho người Nga. Cuối cùng, ông Booth quyết định giám sát phòng hội nghị bằng máy ghi âm và máy quay để xác định liệu ông Gusev đã đánh cắp thông tin mật đủ để gán tội hoạt động gián điệp theo luật hay chưa, đồng thời tìm hiểu tại sao Nga lại chọn địa điểm này để nghe lén. Sau khoảng 30 - 35 ngày, chiến dịch giám sát liên tục khiến các đặc vụ Mỹ mất kiên nhẫn và chuyển sang kế hoạch bắt giữ đối tượng, thu giữ xe và lấy con rệp ra phòng hội nghị để phân tích.
Cất vó
Tuy nhiên, ngay trong ngày đưa ra quyết định, nhà ngoại giao Nga không xuất hiện và tiếp tục bặt vô âm tín trong suốt tuần, khiến nhóm điều tra bắt đầu lo lắng rằng chiếc bẫy đã bị lộ. Sáng 1.12.1999, Booth tiếp tục liên lạc qua đường dây mã hóa với các đặc vụ giám sát bên ngoài tòa nhà Bộ Ngoại giao như thường lệ, giọng ông có phần chán nản và mệt mỏi. Đột nhiên, đầu dây bên kia dừng lại và sau đó có người báo mục tiêu đã xuất hiện. Booth bật dậy, mặt giãn ra, chiến dịch Hạc thiêng đã đến hồi kết. Ông Gusev đến trụ sở Bộ Ngoại giao trên chính chiếc xe thường ngày để kích hoạt thiết bị nghe lén.
Ông Booth ngồi trong văn phòng tầng 6 vừa nghe báo cáo vừa nhìn ra cửa sổ để tận mắt chứng kiến cảnh nhà ngoại giao Nga tới nơi. Đúng lúc Gusev bắt đầu vào bãi đỗ xe, ông Booth nói với nhân viên phía dưới: “Chính là lúc này, chúng ta đã có ông ta. Chúng ta sẽ bắt ông ta, có cả con rệp và chiếc xe”. Chỉ đợi có thế, nhóm đặc vụ súng ống tận răng bắt quả tang điệp viên Nga ngay tại tòa nhà Bộ Ngoại giao Mỹ và thực thi mệnh lệnh một cách suôn sẻ. Khoảnh khắc đó được ông Booth và lực lượng chống gián điệp của Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả là “không thể tin được”.
Tuy nhiên, ông Gusev được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao và không bị buộc tội gián điệp mà chỉ phải rời Mỹ trong vòng 10 ngày. Chính vì thế, đến nay người Mỹ vẫn chưa thể biết chính xác thiết bị nghe lén đã được cài đặt vào phòng họp như thế nào. “Có thể là một khách viếng thăm, một tay lao công hoặc thậm chí là một nhân viên ngoại giao Nga. Họ không xác định được nghi phạm nào cả”, tờ LA Times dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nói.
Sau khi phân tích con bọ, Cục Phản gián kết luận phía Nga đã thu nhận được nhiều thông tin, kể cả thuộc dạng mật, nhưng chưa đủ tầm để mang lại cho Moscow một lợi thế nào. FBI và Bộ Ngoại giao Mỹ đã tra hỏi những người từng tham dự gần 100 cuộc họp tại phòng hội nghị bị nghe lén để đánh giá thiệt hại. Cũng kể từ sau chiến dịch Hạc thiêng, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra các quy định nghiêm ngặt hơn với các nhà ngoại giao nước ngoài nhằm hạn chế họ tự do ra vào tòa nhà.
Trái tim hoạt động phản gián hiện tại của Mỹ là Trung tâm phản gián và an ninh quốc gia (NCSC) Ảnh: NCSC
Trái tim hoạt động phản gián hiện tại của Mỹ là Trung tâm phản gián và an ninh quốc gia (NCSC), đặt tại Bethesda, bang Maryland. Giám đốc NCSC William Evanina được Hãng tin NPR ví von là “trùm thợ săn gián điệp”. Ông Evanina mô tả cuộc đấu trí với tình báo Nga chẳng khác gì một trò chơi “mèo vờn chuột” kéo dài suốt nhiều thập niên. Ông cho rằng giờ đây với sự thay đổi của công nghệ, mà đặc biệt là mạng xã hội, thách thức sẽ ngày càng lớn hơn. Theo Giám đốc NCSC, chính phủ Mỹ cần hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân và thích nghi với thời đại để ngăn chặn các thế lực nước ngoài can thiệp vào chính trị nước này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.