Vén màn chiến dịch tấn công Mỹ bằng bom khí cầu

27/03/2016 14:00 GMT+7

Người Nhật đã thả hàng ngàn quả bom khí cầu cỡ nhỏ đến Mỹ trong Thế chiến 2 và suýt nữa thì phá hoại Dự án Manhattan chế tạo bom nguyên tử.

Người Nhật đã thả hàng ngàn quả bom khí cầu cỡ nhỏ đến Mỹ trong Thế chiến 2 và suýt nữa thì phá hoại Dự án Manhattan chế tạo bom nguyên tử.

Hình ảnh một quả bom khí cầu của Nhật bị hải quân Mỹ bắn rơi - Ảnh: The Oregon EncyclopediaHình ảnh một quả bom khí cầu của Nhật bị hải quân Mỹ bắn rơi - Ảnh: The Oregon Encyclopedia
Vào ngày 10.3.1945, tức 5 tháng trước khi Thế chiến 2 kết thúc với 2 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản suýt nữa đã có thể vô tình đặt dấu chấm hết cho công trình sản xuất vật liệu phóng xạ cần thiết để nhồi vào bom chuẩn bị ném xuống nước này.
Một trong hàng ngàn khí cầu mang theo bom được thả vào luồng gió xoáy để đến lãnh thổ Mỹ đã đánh sập mạng lưới điện cung cấp cho nhà máy xử lý plutonium ở Hanford, bang Washington. Nếu không có nguồn điện dự phòng, vụ tấn công có lẽ đã ngăn chặn thành công quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Vũ khí liên lục địa đầu tiên
Chuyên trang Inside Science dẫn lời Phó giáo sư Charles Clark, đồng Giám đốc Viện Kết hợp lượng tử thuộc Đại học Maryland, mô tả kế hoạch dội bom bờ tây nước Mỹ bằng khí cầu mang theo thiết bị phóng hỏa và gây cháy nổ là “vô cùng táo tợn”. “Người Nhật đã chế tạo các khinh khí cầu đường kính gần 10 m làm bằng loại giấy cực bền từ sợi dâu tằm rồi gắn bom nặng tới 15 kg vào từng quả”, ông nói trong một hội nghị lịch sử mới đây tại Baltimore. Một nút ngắt điện đơn giản được tính giờ để kích hoạt quả bom sau 3 ngày.
Kể từ ngày 3.1.1944 đến tháng 4.1945, Nhật đã thả khoảng 9.300 khí cầu mang bom vượt qua Thái Bình Dương để tấn công lãnh thổ lục địa Mỹ. Đây là chiến dịch duy nhất nhằm vào Bắc Mỹ trong suốt Thế chiến 2 được tiến hành và bom khí cầu được ghi tên vào lịch sử là vũ khí liên lục địa đầu tiên của loài người.
Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1.000 quả băng qua biển thành công và tất cả gần như không gây được thiệt hại lớn nào dù vươn sâu vào lãnh thổ Mỹ, đến được tận các bang Iowa và Michigan ở tít miền trung tây. Quân đội Mỹ và không quân Canada cũng bắn hạ vài quả trước khi kịp phát nổ.
Ngày 1.2.1945, người dân ở phía bắc bang California phát hiện một quả khí cầu trong rừng quốc gia Trinity gần thị trấn Hayfork. Nó nằm vướng trên một thân cây gần đường cái, thu hút đám đông tò mò vây quanh xem. Bất ngờ “vật thể lạ” phát nổ, may mắn không ai bị thương. Phần khí cầu nổ tung trong khi phần khung phía dưới rơi xuống đất, bên trong vẫn còn 4 quả bom gây cháy và một thiết bị nhồi chất nổ.
Ba tháng sau, một quả bom khí cầu khác rơi xuống vùng đồi núi Gearhart, bang Oregon ngày 5.5.1945. Không may là một thai phụ tên Elsie Winters Mitchell, 26 tuổi, đang dẫn 5 đứa trẻ từ 11 - 14 tuổi đi dã ngoại gần đó. Khi họ đến gần, quả bom nổ tung làm tất cả chết tại chỗ, theo trang Wired. Đây cũng là những trường hợp thiệt mạng trên đất Mỹ duy nhất trong Thế chiến 2.
Tại Canada, đến tận cuối năm 2014 vẫn còn phát hiện nhiều quả bom khí cầu chưa nổ của Nhật. Theo Canadian Press, 2 nhân viên kiểm lâm đã tìm thấy một quả cỡ lớn và 4 quả nhỏ hơn ở vùng núi thuộc phía đông tỉnh British Columbia. Đội tháo gỡ bom mìn của hải quân đã được điều động đến khu vực để xử lý.
Tuy nhiên, nhìn chung kế hoạch táo bạo của Nhật không gặt hái được thành công như mong đợi. Đa số bom đều rơi vào các vùng đồi núi hẻo lánh. Mặt khác, những quả khí cầu này được thả vào mùa đông để lợi dụng luồng gió xoáy cực mạnh đến Mỹ nhưng vào thời điểm đó, nhiều khu vực nước này vẫn còn bị băng tuyết bao phủ nên khó gây cháy nổ.
Hơn nữa, văn phòng kiểm duyệt chính phủ, có quyền kiểm soát thông tin vào thời chiến, đã cấm tuyệt đối lan truyền thông tin về bom khí cầu để không gây hoang mang. Vì thế, cả ý định gây hỗn loạn trong dân chúng Mỹ cũng không thành. Không nhìn thấy được bằng chứng thành quả nào, chỉ huy kế hoạch bom khí cầu là thiếu tướng Sueyoshi Kusaba ra lệnh chấm dứt chiến dịch.
Sự cố tại Hanford
Điều tướng Kusaba không biết là chiến dịch của ông suýt nữa đã chặn đứng Dự án Manhattan và lịch sử có thể đã ngả theo hướng khác.
Toàn cảnh cơ sở hạt nhân Hanford - Ảnh: US Department of Energy
Toàn cảnh cơ sở hạt nhân Hanford - Ảnh: Bộ Năng lượng Mỹ
Theo chuyên gia Charles Clark, dù biết đến sự tồn tại của cơ sở nghiên cứu quân sự Hanford nhưng Tokyo không hề có khái niệm về những gì đang diễn ra bên trong. Hoàn toàn tình cờ, một quả bom khí cầu ngày 10.3.1945 đã mắc vào tuyến dây điện chính kết nối từ đập Grand Coulee và Bonneville trên sông Columbia, gây chập điện và tắt nguồn cung cấp cho nhà máy làm mát của cơ sở Hanford. Sự cố xảy ra ngay thời điểm Hanford vừa khởi động quá trình sản xuất plutonium dự kiến sẽ sử dụng cho vụ thử bom nguyên tử Trinity tại bang New Mexico, cũng như quả bom Fat Man tàn phá Nagasaki sau đó.
May mắn cho nước Mỹ và bi kịch cho người Nhật ở chỗ quả bom không nổ nên nguồn điện chỉ bị cắt trong khoảng 1/5 giây, kịp để các kỹ sư tại Hanford triển khai biện pháp dự phòng khẩn cấp. Các chuyên gia trong Dự án Manhattan đã cảnh báo một sự gián đoạn ngắn ngủi trong hệ thống làm mát có thể dẫn đến một vụ nổ vật liệu phóng xạ. Và nếu Hanford mất điện lâu hơn thì một khu vực rộng lớn đã biến thành biển lửa phóng xạ với hậu quả không thể tưởng tượng nổi.
Sau Thế chiến 2, Hanford dần trở thành một trong những cơ sở chứa chất thải phóng xạ lớn nhất thế giới cho đến khi dần bị bỏ hoang. Hiện tại đây vẫn còn đầy rẫy rác phóng xạ ở dạng lỏng và rắn trong khi nguồn nước ngầm nhiễm xạ trầm trọng, theo Inside Science. Năm 1980, quốc hội Mỹ ban hành luật Superfund nhằm phân bổ ngân sách để làm sạch các địa điểm bị nhiễm hóa chất và rác thải nguy hiểm. Hanford là khu vực Superfund chính trên lãnh thổ Mỹ hiện nay.
Dự án Manhattan là chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân do Mỹ dẫn đầu với sự tham gia của 130.000 người, bao gồm những nhà khoa học lừng lẫy nhất thời đó, làm việc tại các nhà máy ở Mỹ, Anh, Canada.
Kéo dài từ năm 1942 - 1946, dự án này thuộc quyền chỉ đạo của thiếu tướng lục quân Leslie Groves; còn nhà vật lý học J.Robert Oppenheimer, cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, là người thiết kế bom. Tham gia dự án còn có Enrico Fermi, được trao giải Nobel Vật lý năm 1938 và là cha đẻ của lò phản ứng hạt nhân đầu tiên trong lịch sử.
Cơ sở Hanford đóng vai trò chủ chốt trong Dự án Manhattan vì là nơi sản xuất plutonium cho bom nguyên tử. Nằm ở giữa tiểu bang Washington, tại điểm giao nhau giữa sông Columbia và Snake, khu vực này có dân cư thưa thớt, hầu như chỉ được biết đến bởi các vườn nho, táo và anh đào.
Hanford được chọn vì xa xôi hẻo lánh cũng như có những dòng sông không bao giờ đóng băng vào mùa đông, bảo đảm được nguồn nước làm mát cho các lò phản ứng chứa cả ngàn ống uranium để chế tạo plutonium. Mất khoảng 18 tháng xây dựng, cơ sở khổng lồ này dần tuyển mộ ít nhất 40.000 người, trở thành một thành phố lớn thứ 4 hoặc thứ 5 của tiểu bang Washington.
Thế nhưng vào thời điểm đó, không ai biết được những gì đang diễn ra tại Hanford cho đến khi thế giới chấn động bởi vụ ném bom Hiroshima. Với plutonium ra lò từ Hanford, Mỹ triển khai vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên ở Trinity, bang New Mexico vào ngày 16.7.1945. Sau đó, 2 quả bom Little Boy và Fat Man lần lượt được ném xuống Hiroshima và Nagasaki vào các ngày 6 và 9.8.1945.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.