Công ty tài chính cho vay tiêu dùng cũng phải bỏ ra chi phí vốn, nhân sự... nhưng gần đây lại áp dụng mức lãi suất 0%, vậy các công ty này có chiêu trò tăng lãi suất sau đó hay không.
Các công ty tài chính những năm gần đây phát triển dịch vụ cho vay tài chính khá mạnh, hiện nay chiếm 20% thị phần cho vay tiêu dùng - Ảnh: Đ.N.Thạch |
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đã đặt vấn đề này ngay phần mở đầu buổi tọa đàm “Nhìn gần hơn vào ưu đãi vay tiêu dùng” do Thời báo Ngân hàng phối hợp với Công ty tài chính Home Credit tổ chức ngày 26.1.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, ngoài vốn tự có để cho vay, các công ty tài chính (CTTC) hiện nay vay mượn từ công ty mẹ hoặc phía ngân hàng. Các ngân hàng lại đang huy động vốn từ 5 - 7%/năm nên việc cho vay với lãi suất 0% là hết sức khó hiểu.
Là một trong những CTTC áp dụng mức lãi suất 0%, bà Vương Thủy Tiên - Thành viên Hội đồng Thành viên Công ty tài chính Home Credit cho biết: “Chúng tôi không có chiêu trò gì mà chẳng qua CTTC đã có sự chia sẻ cùng các đơn vị bán lẻ, nhà sản xuất. Chúng tôi đã gặp các nhà cung cấp để thỏa thuận, và rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ nhận ra rằng, kết hợp với CTTC cho vay 0% lãi suất, lợi nhuận trên một sản phẩm có thể giảm chút ít nhưng doanh số sẽ tăng nhờ bán được nhiều sản phẩm hơn. Với những sản phẩm này, cả bốn bên sẽ cùng có lợi, người tiêu dùng được vay không lãi suất, người sản xuất và nhà bán lẻ bán được nhiều hàng, CTTC có khách hàng và Chính phủ cũng thu được nhiều thuế hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa tất cả khách hàng của chúng tôi được vay 0%. Thực tế, một số khách hàng vẫn phải chịu lãi suất cao vì có lịch sử tín dụng không tốt”.
Ông Lê Đức Thuần, Giám đốc ngành hàng dịch vụ FPT Retail cho rằng đã kinh doanh thì phải có lợi nhuận. CTTC và doanh nghiệp chia sẻ với nhau chi phí và lợi nhuận khi triển khai lãi suất 0% đối với khách hàng. Năm 2015, hồ sơ vay mua hàng của FPT shop tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm trước. Ví dụ doanh thu 100 triệu đồng/ngày thì có đến 30% từ vay mua trả góp. Đối với những chương trình 0%, công ty sẽ không tăng giá bán sản phẩm lên nhưng đối với một số trường hợp khách hàng tham gia trả góp thì có thể sẽ không được tham gia vào chương trình khuyến mãi mà đơn vị đang triển khai.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay có thể hiểu nôm na là CTTC không thu lãi từ người tiêu dùng mua hàng trả góp mà đơn vị bán lẻ, nhà sản xuất sẽ “chiết khấu” lại cho CTTC. Dịch vụ cho vay tài chính tiêu dùng hiện nay đang phát triển khá mạnh. Vào cuối năm 2010, cho vay tiêu dùng chỉ chiếm 2,3% tổng dư nợ, vào khoảng 16.000 tỉ đồng nhưng đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng lên chiếm 6,8% tổng dư nợ, đạt 90.000 tỉ đồng. Như vậy chỉ trong vòng 5 năm, dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng gấp 5 lần.
Các CTTC những năm gần đây phát triển dịch vụ cho vay tài chính khá mạnh, hiện nay chiếm 20% thị phần cho vay tiêu dùng. Các CTTC hướng đến đối tượng khách hàng chưa tiếp cận được với ngân hàng, những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình và các công ty đã đưa ra được những sản phẩm đặc thù như lãi suất 0%, giải quyết hồ sơ vay trong vòng 15 - 30 phút, cho vay tín chấp… Đây là những rủi ro mà các CTTC gặp phải. Đồng thời chi phí cho những món vay nhỏ cao hơn; một số điều khoản hợp đồng tín dụng chưa được rõ ràng, đặc biệt là khoản thu nợ, trả nợ. Chính vì vậy mà so với các tổ chức tín dụng khác thì CTTC có nợ quá hạn cao hơn.
Bình luận (0)