70 năm Hiệp định Geneva và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024)

Vẹn nguyên ký ức đón đồng bào miền Nam ra Bắc

27/10/2024 11:48 GMT+7

70 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc của những đoàn viên trong Đội thiếu niên Chim hòa bình vẫn còn nguyên vẹn.

Gần gũi như người một nhà

Tròn 70 năm kể từ ngày đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954 - 2024), tượng đài "Con tàu tập kết" đã được dựng lên ở P.Quảng Tiến (TP.Sầm Sơn, Thanh Hóa) để nhắc nhớ những tình cảm miền Bắc dành cho miền Nam.

Vẹn nguyên ký ức đón đồng bào miền Nam ra Bắc- Ảnh 1.

Hình tượng đồng bào miền Nam được chào đón khi tập kết ra Bắc

ẢNH: MINH HẢI

Những ngày tháng thấm đậm tình Nam - Bắc ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí những người ngày đó là các thiếu niên, đoàn viên của Đội thiếu niên Chim hòa bình xã Quảng Tiến (nay là P.Quảng Tiến).

Trong gian nhà nhỏ phủ màu thời gian vừa là nơi ở vừa là sạp hàng tạp hóa, bà Phạm Thị Thiệu (85 tuổi, ngụ P.Quảng Tiến, TP.Sầm Sơn, Thanh Hóa) kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng bà cùng 10 đội viên của Đội thiếu niên Chim hòa bình đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc 70 năm về trước.

Vẹn nguyên ký ức đón đồng bào miền Nam ra Bắc- Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Thiệu kể về thời khắc bà cùng các đội viên Đội thiếu niên Chim hòa bình đón tiếp đồng bào miền Nam

ẢNH: MINH HẢI

"Khi đó là đầu tháng 10.1954, tôi mới 15 tuổi, được các anh chị cán bộ của Đội Chim hòa bình báo tin cho tất cả 11 đội viên, trong đó có tôi chuẩn bị ra bờ sông Mã đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.

Lúc đó, ngoài thiếu niên còn có các anh chị thanh niên, người dân, cán bộ địa phương ra chào đón. Đội thiếu niên Chim hòa bình may mắn được đứng hàng đầu cầm cờ chào đón, chào hỏi từng người từng người một khi từ tàu lên bờ. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết người miền Nam là như thế nào. Các anh chị ấy (đồng bào miền Nam - PV) mặc áo bà ba, nói giọng rất nhẹ nhàng, dễ thương, gần gũi.

Vẹn nguyên ký ức đón đồng bào miền Nam ra Bắc- Ảnh 3.

Hình ảnh đồng bào miền Nam đến bến thuyền Quảng Tiến

ẢNH: TƯ LIỆU

Sau khi chào đón, chúng tôi đến từng lán trại nơi các anh chị ấy ở tạm để hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm gia đình từng người. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi, và cũng hơi tiếc nuối một chút là có hai chị em ruột tên là chị Một và chị Mười, trò chuyện với tôi rất thân tình, các chị còn vào tận nhà hỏi thăm gia đình tôi, hứa sau 2 năm học tập xong, trước khi trở về miền Nam sẽ ghé gia đình tôi chơi. Nhưng sau đó không thấy, có lẽ do bận công việc và đến giờ cũng không rõ tung tích thế nào", bà Thiệu kể.

Vẹn nguyên ký ức đón đồng bào miền Nam ra Bắc- Ảnh 4.

Hình tượng người dân Thanh Hóa ân cần thăm hỏi đồng bào miền Nam

ẢNH: MINH HẢI

Đồng bào miền Nam khi được các con tàu đưa đến bến thuyền Quảng Tiến đã được kiểm tra sức khỏe, sau đó đến nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc để an dưỡng, học tập, lao động. Nhiều người sau này đã trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, nhiều người trở thành những nhà khoa học, nhà văn, nghệ sĩ…

Bà Nguyễn Thị Nhủ (86 tuổi, ngụ P.Quảng Tiến) cũng là một trong những đội viên Đội thiếu niên Chim hòa bình nhớ nhất là nắm đất mà một người thanh niên mang theo khi ra Bắc.

Vẹn nguyên ký ức đón đồng bào miền Nam ra Bắc- Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Nhủ nhớ lại kỷ niệm 70 năm trước

ẢNH: MINH HẢI

"Khi gặp và trò chuyện với các anh chị từ Nam ra, có một anh lấy trong ba lô một túi đất nhỏ. Anh ấy kể rằng trước khi lên tàu ra Bắc, mẹ anh ấy lấy một nắm đất đùm bọc cẩn thận rồi dặn rằng "hãy giữ nắm đất này bên mình để nhớ về gia đình, quê hương, để cố gắng học tập, lao động chờ ngày trở về miền Nam góp công vào giải phóng đất nước". Khi đó, ai nghe câu chuyện anh ấy kể đều rất cảm động.

Thời điểm đón tiếp đồng bào miền Nam, nhân dân ở đây cũng khó khăn, nghèo đói nhưng các anh chị miền Nam cũng không chê, chúng tôi như người một nhà, có gì ăn nấy, trò chuyện thân tình như anh em một nhà vậy", bà Nhủ kể.

Vẹn nguyên ký ức đón đồng bào miền Nam ra Bắc- Ảnh 6.

Đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để học tập, lao động, sau này nhiều người đã trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, nhiều người trở thành những nhà khoa học, nhà văn, nghệ sĩ…

ẢNH: MINH HẢI

Bà Nhủ còn cho biết gia đình bà khi đó được lựa chọn làm nơi ở cho 4 nhà báo, nhà văn về ghi nhận cảnh đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Trong đó có các nhà báo, nhà văn như Kỳ Anh và Phùng Quán.

Rưng rưng nước mắt khi nhìn lại hình ảnh 70 năm trước

Nhìn lại những hình ảnh 70 năm trước nhân dân P.Quảng Tiến đón tiếp đồng bào miền Nam đang được trưng bày trong tượng đài "Con tàu tập kết", ông Trần Trí Trác (88 tuổi, ngụ P.Quảng Tiến) không khỏi xúc động, nghẹn ngào.

Ông Trác cho biết những ngày tháng 10 của 70 năm trước, bến thuyền Quảng Tiến đông đúc, nhộn nhịp và đầy ắp tình cảm Nam - Bắc khi từng người, từng người rời khỏi những con tàu bước chân lên đất Bắc để học tập, lao động.

Vẹn nguyên ký ức đón đồng bào miền Nam ra Bắc- Ảnh 7.

Nhìn lại những hình ảnh 70 năm trước, ông Trần Trí Trác không khỏi xúc động

ẢNH: MINH HẢI

"Khi đó, chẳng ai bảo ai nhưng hàng ngàn người dân Sầm Sơn, Quảng Xương (H.Quảng Xương, Thanh Hóa) đến bến thuyền chào đón đồng bào, hỗ trợ đồng bào miền Nam ổn định chỗ ở tạm. Có những người lần đầu tiên xa nhà, lại xa nhà trong hoàn cảnh đất nước chia cắt nên họ càng luyến thương. Chính những lời hỏi thăm, động viên của người dân chúng tôi đã cho đồng bào miền Nam cảm giác như người một nhà.

Chiến tranh có thể gây đói, gây khổ nhưng tình cảm Bắc - Nam khi đó thì không hề "đói". Từ những chuyến tàu, đồng bào miền Nam bước lên đất Bắc, để từ đó nhiều người sau này đã thành những lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước...", ông Trác cho hay.

Vẹn nguyên ký ức đón đồng bào miền Nam ra Bắc- Ảnh 8.

Tượng đài "Con tàu tập kết" vừa được hoàn thành tại khu vực 70 năm trước đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc

ẢNH: MINH HẢI

Từ ngày 25.9.1954 đến ngày 1.5.1955, tỉnh Thanh Hóa đã đón tiếp 7 đợt với tổng cộng 1.869 thương bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh; và 1.443 gia đình cán bộ tập kết ra Bắc.

Tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo thành lập và tổ chức 12 điểm đón tiếp; một trạm cấp cứu tại Sầm Sơn; 2 trạm y tế đặt ở 2 xã Hoằng Quang và Hoằng Lộc (H.Hoằng Hóa), xây bệnh xá ở xã Thiệu Đô (H.Thiệu Hóa) để kiểm tra sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.