Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) ngày 16.4, Tổng thống Maduro tiết lộ ông đã ra lệnh cho "các viên chức ngoại giao trở về Venezuela ngay lập tức... cho đến khi luật pháp quốc tế được khôi phục ở Ecuador", theo AFP.
Các quốc gia trong khu vực đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt có thể đưa ra đối với Ecuador, sau khi lực lượng an ninh nước này xông vào Đại sứ quán Mexico ở Quito để bắt giữ cựu Phó tổng thống Ecuador Jorge Glas, người đang bị truy nã vì tội tham nhũng và đã được Mexico cho tị nạn.
Tổng thống Honduras Xiomara Castro, chủ tịch CELAC hiện tại, cho biết tổ chức này "lên án mạnh mẽ" vụ đột kích xảy ra hôm 5.4, cho rằng đây là hành động "man rợ".
Ngoại trưởng Honduras Enrique Reina ngày 16.4 thông báo nước này đã triệu hồi một nhà ngoại giao cấp cao ở Ecuador về nước để tham vấn, đồng thời nhấn mạnh rằng Honduras ủng hộ vụ kiện mà Mexico khởi xướng chống lại Ecuador tại Tòa án Công lý Quốc tế, theo Reuters.
Tổng thống Maduro yêu cầu trả tự do cho ông Glas, người đang bị giam giữ tại một nhà tù với an ninh nghiêm ngặt, và giao ông cho Mexico.
Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva của Brazil đề xuất thành lập ủy ban để xem xét sức khỏe của ông Glas.
Mexico-Ecuador cắt đứt quan hệ ngoại giao: Nguyên nhân là gì?
Vụ xâm phạm cơ sở ngoại giao hiếm thấy đã làm dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt từ cộng đồng quốc tế và khiến Mexico cắt đứt quan hệ với Ecuador, rút các nhà ngoại giao của họ về nước. Nicaragua sau đó cũng cắt đứt quan hệ với Ecuador.
Mexico đã đệ đơn kiện Ecuador tại Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague (Hà Lan), nói họ muốn nước này bị đình chỉ tư cách thành viên tại Liên Hiệp Quốc.
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador kêu gọi các quốc gia thành viên CELAC ủng hộ Mexico bằng cách đồng ký tên trong đơn kiện tại tại tòa án của Liên Hiệp Quốc.
Một số quốc gia Mỹ Latinh, Tây Ban Nha, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và người đứng đầu Liên Hiệp Quốc đã lên án vụ xâm nhập đại sứ quán, cho rằng đây là hành động vi phạm Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao năm 1961.
Tuy nhiên, Tổng thống Ecuador Daniel Noboa nói việc xông vào Đại sứ quán Mexico để bắt ông Glas là cần thiết vì ông này có nguy cơ bỏ trốn, đồng thời cho biết ông sẵn sàng "giải quyết mọi bất đồng" với Mexico.
Ông Noboa không tham gia hội nghị CELAC hôm 16.4 nhưng được đại diện bởi Ngoại trưởng Ecuador Gabriela Sommerfeld.
Bình luận (0)