Vênh kiến thức

03/12/2011 00:35 GMT+7

Rõ ràng, việc một số doanh nghiệp phản ánh phải đào tạo lại 94% sinh viên mới ra trường là khá bất ngờ, dù xã hội đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về chất lượng giáo dục đại học. Trả lời về nhận xét vừa nêu, đại diện một số trường đại học cho rằng nói đúng là “đào tạo tiếp” chứ không phải “lại” và nêu ra những lý do để giải thích tình trạng trên.

Rõ ràng, việc một số doanh nghiệp phản ánh phải đào tạo lại 94% sinh viên mới ra trường là khá bất ngờ, dù xã hội đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về chất lượng giáo dục đại học. Trả lời về nhận xét vừa nêu, đại diện một số trường đại học cho rằng nói đúng là “đào tạo tiếp” chứ không phải “lại” và nêu ra những lý do để giải thích tình trạng trên.

Theo đó, đại diện các trường cho rằng không đủ thời gian để đào tạo kỹ năng mềm vì chương trình chính quá nặng và môi trường học tập khác với làm việc nên kiến thức vênh là bình thường. Phản hồi như thế có phần chưa thuyết phục, vì việc đào tạo kỹ năng mềm và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế không nhất thiết phải tách khỏi chương trình chính. Lẽ ra, nhà trường phải lồng ghép đào tạo kỹ năng mềm và việc ứng dụng kiến thức vào thực tế ngay trong quá trình giảng dạy chương trình chính. Ngay trong từng bài tiểu luận, nhà trường có thể đề ra những tiêu chí thực hiện để sinh viên phát triển kỹ năng mềm và bám sát thực tế.

Thời gian qua, dư luận không ít lần lên tiếng về việc giảng viên “chạy sô” quá nhiều, tình trạng này khiến cho quá trình đào tạo trở thành chiếu lệ. Khi đó, giảng viên đến lớp chỉ để hoàn thành khung giáo trình sẵn có chứ không phát triển thêm, nên sinh viên khó có thể nhận được gì ngoài những kiến thức khô cứng. Vì thế, việc đảm bảo chất lượng và sự nhiệt tình của giảng viên là yếu tố quan trọng để sinh viên được đào tạo những kỹ năng mềm và bám sát thực tế.

Bên cạnh đó, khi những kỹ năng mềm là đòi hỏi cần thiết của các doanh nghiệp thì trường đại học không thể xem đó như phần phụ bên ngoài chương trình chính. Từng môn học, nhà trường nên tổ chức các buổi thảo luận giữa sinh viên với những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan.

Một thực tế khác không thể không nhắc đến là sinh viên tiếp cận thiếu hiệu quả công việc thực tế trong kỳ thực tập trước khi tốt nghiệp. Lẽ ra, kỳ thực tập kéo dài 3 tháng là thời gian để các sinh viên được trang bị khả năng vận dụng kiến thức vào công việc thực tế. Thế nhưng, một số trường đại học, cao đẳng đang tổ chức các kỳ thực tập theo kiểu “đem con bỏ chợ”. Nhà trường chỉ đặt ra mục tiêu sinh viên phải có được báo cáo để hoàn thành kỳ thực tập. Tại nơi thực tập, nhiều sinh viên như một người thừa.

Tất cả những điều vừa nói đều nằm trong khả năng của các trường đại học, cao đẳng. Vì thế, chính các trường phải có trách nhiệm giải quyết tình trạng vênh kiến thức chứ không thể lảng tránh.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.