Trước bữa lên đường, má đưa hai đứa tôi về nhà ngoại. Ngoài quần áo và sữa cho em, má để lại cái áo thun bông chưa kịp giặt. Đêm đầu em khóc, bà ngoại lấy cái áo ấy đắp cho em. Em nín khóc từ đó tới lớn.
Những đứa nhỏ như chị em tôi trong làng nhiều lắm. Sau mấy mươi năm “đi kinh tế mới”, dân Sơn Thành chúng tôi ổn định với một vụ sắn cao sản. Trồng sắn nhàn công, thu hoạch lên, chờ mưa xuống giống, cuốc cỏ bận một, rồi bận hai là nghỉ chơi chờ ra giêng thu hoạch. Người làng thường túa đi nơi khác làm thuê, kẻ lên Đắk Lắk cuốc cỏ, hái cà phê, người đi Nha Trang phụ nhà hàng, bán hải sản...
Những đứa trẻ làng qua biết bao đời cây cỏ thiếu vắng cha mẹ. Ngày trước nắng cũng lắm mà mưa càng dằng dai. Tháng sáu âm, trời xổ hết Nam là bắt đầu có mưa lác đác. Tới tháng mười thì nước ngập đường cái, nước xiết qua móng nhà, nước nhỏ toong toong xuống nền xi măng qua khe ngói bể. Tụi tôi đi học, quần xắn tới đùi, chân mang dép nhựa, tay ghì níu hàng rào dầu lai để né nước dơ, đất nhão.
Hồi đó mỗi lần nhớ má là tôi lại ra hàng ba bó gối nhìn mưa. Bà ngoại chỉ tay về khoảng xa xa trước mặt: “Lúc nào con thấy núi Mái Nhà là má về”. (Ý ngoại là khi mưa dứt, tôi nhìn thấy núi là ba má về ăn tết). Tôi nhìn theo nhưng chỉ thấy một màn trắng đục lẫn trong tiếng nước chảy óc ách.
Tôi đã qua hết tháng rộng năm dài không có ba má ở bên nhờ những câu chuyện xa xưa về núi Mái Nhà, núi Hòn Dung, suối Cối, sông Bến Sạn, đồng Bà Tây, sông Chống Gậy… Sau này tìm đọc ca dao về Phú Yên nhưng tôi không thấy trang sách nào nhắc đến những địa danh kể trên. Nôm na, nếu ví nét đẹp văn hóa của Phú Yên như một đoàn binh kiêu hùng thì núi Nhạn, sông Đà, gành Đá Dĩa, Vũng Rô… là những dũng tướng tên tuổi, còn con sông, dãy núi chảy qua tuổi thơ tôi là trùng điệp những chiến sĩ vô danh.
Trong mắt đứa bé quê, núi sông bọc quanh làng rộng lớn và kỳ vĩ lắm! Ngoại tôi nói nhìn từ phía nào thì núi cũng có hình mái nhà. Có lần lội qua suối Cối vô Hòn Dung hái lá sâm nam về bán, tôi ngoái đầu thì thấy mái nhà xanh um hiền dịu phía sau lưng. Mùa hè thiếu nữ đầu tiên, cậu Út bày tôi nắm đuôi bò bơi qua sông Bến Sạn, lội đồng Bà Tây bẻ măng gai, kiếm nấm mối. Từ phía đó, tôi vẫn nhìn thấy Mái Nhà, như ve vuốt, như đỡ nâng bước tôi qua bao mùa vắng mẹ.
Mười tám tuổi, khi bánh xe tương lai lăn vào đại lộ, trong mắt tôi, những sông, những núi đỡ nâng con thuyền hoa niên đã không còn thiêng liêng nữa. Mái Nhà bí ẩn thật ra mang hình chóp cụt, có lẽ là dấu tích còn sót lại sau một trận phun trào nham thạch nào đó cách đây mấy nghìn năm. Sông Bến Sạn là con suối nhỏ vắt qua làng, dễ cạn nước vào mùa hạn, hoàn toàn không phải là sông theo định nghĩa địa lý. Đồng Bà Tây xanh thẳm tới tận chân trời trong mắt cô bé nhỏ năm xưa là vồng đất chuyên thả trâu bò sau khi chiếc xe chở mía cuối cùng ra khỏi hòn Trọi.
Có những đêm trạo trực nửa tỉnh nửa mê trên chiếc giường thành phố, tôi thấy mình đi đầu dầu, chạy chân chó (đầu không mũ nón, chân không mang dép) trên nền đất đỏ nóng rát, chốc chốc lại cúi xuống lượm từng đoạn sắn mì vụn. Chiếc máy cày màu đỏ sầm sập chạy trước, tôi lúi cúi mang giỏ nhựa chạy sau. Tôi cứ chạy miết, qua hết nắng rát tới mưa dầm, giẫm trên lá cỏ bén ngót rồi đằm mình xuống lòng nước mát ngọt. Nhưng tôi không tài nào dò được đường đích xác về Hòn Dung, qua Suối Cối nhiều đá dăm hay thăm đồng Bà Tây cháy đen sau vụ mía đường cuối cùng… Có lẽ tôi đã dần quên đồng bãi, vụ mùa, quên luôn lịch nắng mưa, quên hàng dầu lai giờ đã thành hàng rào B40, quên tiếng nước rơi xuống sàn xi măng khi trận mưa đầu mùa đã không trở về vào tháng sáu nữa.
Tôi nghĩ nhiều đứa trẻ miền Trung giống tôi. Không phải ai cũng lớn lên bên cạnh những danh thắng tên tuổi. Tên và tuổi của mỗi địa danh tồn tại được bao lâu hoàn toàn phụ thuộc vào tình cảm của con người. Người vô ý để mặc thời gian bào mòn quá khứ, ký ức vì thế mà sứt mẻ. Có lẽ nào chính những mảnh vỡ ấy mà lòng người thấy thương nhớ, day dứt nhiều hơn…?
|
Bình luận (0)