Vết hằn khi mang vớ có thể do phù nề, cảnh báo bệnh nguy hiểm

15/10/2019 04:25 GMT+7

Nhiều người đã từng nghĩ rằng đi tất (vớ) mà bị hằn chân một chút là chuyện bình thường cho đến khi đọc được bài viết về phù nề ngoại biên.

Tất/vớ có độ co giãn để giữ chúng không bị trượt khi ta mang. Áp lực từ đàn hồi này thường để lại vết tất hằn trên da. Phù ngoại biên có thể làm cho dấu hằn rõ hơn. Thông thường, phù ngoại biên phát triển khi chất lỏng dư thừa trong cơ thể bị dồn xuống chân. Phù thường sưng nhẹ, tạm thời, tự khỏi và vô hại.
Tuy nhiên, phù ngoại biên có thể là triệu chứng của tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm nếu nó nặng hơn, dai dẳng và đi kèm triệu chứng khác hoặc nếu bạn có tiền sử bệnh tim, gan hoặc thận, theo Healthline
Các triệu chứng thêm báo hiệu tình trạng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp và nguyên nhân có thể bao gồm:
- Đau ngực: suy tim
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu: suy tim
- Khó thở, đặc biệt là khi nằm thẳng: suy tim
- Chỉ sưng ở một chân: huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT)
- Khởi phát đột ngột sưng đau ở bắp chân: DVT
- Sản xuất nước tiểu ít: bệnh thận
- Sưng bụng: bệnh gan
- Đau bụng: khối u
- Huyết áp cao đột ngột khi mang thai: tiền sản giật

Các triệu chứng của phù ngoại biên?

Phù ngoại biên được chia thành hai loại dựa trên triệu chứng khi bạn ấn vào vùng bị sưng. Phù nề "rỗ" (vết lõm vẫn tồn tại sau khi ấn vào vùng da sưng); phù nề không rỗ (vết lõm biến mất ngay lập tức khi ngừng nhấn). Vết tất hằn có nhiều khả năng do phù rỗ.
Các triệu chứng khác của phù ngoại biên bao gồm:
- Da căng, sáng bóng
- Đỏ
- Chất lỏng chảy ra từ da (nếu nghiêm trọng)

Nguyên nhân gây phù ngoại biên?

- Phù phụ thuộc: Khi đứng hoặc ngồi trong thời gian dài, trọng lực khiến máu dồn xuống chân. Áp lực tăng đẩy chất lỏng từ mạch máu vào mô mềm, gây sưng nhẹ. Phù nề rõ hơn vào cuối ngày, đó là lý do tại sao vết tất/vớ hằn thường rõ hơn khi tối và mất vào buổi sáng.
- Muối: Ăn nhiều muối khiến cơ thể bạn giữ nước, dẫn đến phù ngoại biên, gây ra vết tất hằn vào tối hôm sau.
- Thay đổi nội tiết tố: Hoóc môn có thể gây giữ nước và sưng chân trong tuần trước khi có kinh nguyệt.
- Thai kỳ: Hầu hết phụ nữ mang thai bị phù ngoại biên, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng được gọi là tiền sản giật (nếu kèm các triệu chứng khác).
- Các nguyên nhân gây phù nề khác là do nhiệt thường xảy ra trong thời tiết nóng, béo phì, suy tĩnh mạch, suy tim sung huyết, bệnh thận, bệnh gan, suy dinh dưỡng, một số loại thuốc (ngừa thai, bệnh tiểu đường, huyết áp cao: thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chống viêm…

Vết tất hằn chỉ ở một chân?

Nếu một chân xuất hiện vết hằn do mang tất rõ rệt hơn hẳn bên kia thì không bao giờ bình thường và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp, theo Healthline. Nguyên nhân bao gồm: DVT gây ra đau và sưng đột ngột, thường là ở bắp chân. Nếu không được điều trị kịp thời, cục máu đông có thể vỡ ra và di chuyển đến phổi (thuyên tắc phổi), đe dọa tính mạng; Viêm mô tế bào; Phù bạch huyết.

Giảm phù nề bằng cách nào?

- Giảm lượng muối
- Nâng cao bàn chân hơn trái tim của bạn trong khi ngồi hoặc nằm.
- Nghỉ giải lao thường xuyên và nâng cao chân bất cứ khi nào có thể nếu đứng hoặc ngồi thời gian dài.
- Mang vớ áp lực (vớ nén) 
- Luyện tập cơ bắp chân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.