Vết rạn da bị ngứa có sao không?

27/03/2022 09:07 GMT+7

Rạn da thật ra là một vết sẹo trên da với nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau. Rạn da có thể xuất hiện ở hầu hết bộ phận cơ thể, đôi khi gây ngứa.

Rạn da thường xuất hiện ở bụng, đùi, hông hay cánh tay. Mang thai, tăng cân, tăng cơ do tập gym là những nguyên nhân thường gặp gây rạn da, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Rạn da sẽ được điều trị tốt hơn nếu xử lý ngay từ khi mới xuất hiện

SHUTTERSTOCK

Không chỉ phụ nữ mang thai mà thanh thiếu niên cũng có thể bị rạn da do tăng cân đột ngột trong tuổi dậy thì. Tăng cân có thể gây rạn da nhưng không phải lúc nào cứ tăng cân là rạn da. Tăng cân chỉ gây rạn da khi tăng đột ngột khối lượng lớn trong khoảng thời gian ngắn. Khi giảm cân, vết rạn da này sẽ hiện rõ hơn.

May mắn là rạn da không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, đôi khi chúng có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu, chẳng hạn như ngứa ngáy.

Nguyên nhân thực sự khiến vết rạn da bị ngứa là do da bạn xuất hiện các vết rách siêu nhỏ khi bị kéo căng. Các vết rách này thường xuất hiện ở lớp hạ bì. Tình trạng này khiến da ửng đỏ.

Rạn da khiến da bị kéo căng nên sẽ mỏng và mềm hơn. Khả năng đàn hồi và cảm nhận thần kinh ở vùng da bị rạn cũng không còn tốt như trước.

Các vết rạn da ban đầu có thể sẽ đậm và gây ngứa. Qua thời gian, chúng không còn ngứa nữa, mờ dần và thành sẹo. Giống như hầu hết các vết sẹo khác, rạn da sẽ tồn tại vĩnh viễn, theo Viện Da liễu Mỹ (AAD).

Cách tốt để ngăn ngừa rạn da là xử lý các vết rạn ngay từ khi mới hình thành. Nếu để chúng thành sẹo thì rất khó mờ đi.

Hiện tại, có rất nhiều loại kem bôi trị rạn da được bày bán ở các hiệu thuốc. Tuy nhiên, không có gì chắc chắn là các loại kem bôi này sẽ có hiệu quả với tình trạng rạn da của bạn. Do đó, vết rạn da sẽ được xử lý tốt hơn nếu đến điều trị với bác sĩ da liễu, theo Medical News Today.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.