Vết trắng ở lưỡi có thể là dấu hiệu của bệnh ác tính

24/09/2020 04:49 GMT+7

Sau 2 năm điều trị tưa lưỡi không khỏi, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện, được phát hiện tiền ung thư .

Tiền ung thư nhầm là tưa lưỡi

Các bác sĩ Khoa Tai mũi họng của Bệnh viện E (Hà Nội) vừa điều trị thành công cho bệnh nhân (BN) mắc bạch sản lưỡi sau thời gian dài bị chẩn đoán nhầm. Bạch sản là hiện tượng xuất hiện những mảng dày màu trắng được hình thành ở mặt trong của gò má, nướu hoặc lưỡi. BN là nữ, 60 tuổi, nhập viện trong tình trạng nuốt vướng, rát vùng dưới lưỡi.
Tại Bệnh viện E, trao đổi với bác sĩ, BN cho biết: “Khoảng 2 năm trước, tôi bắt đầu có xuất hiện những mảng trắng trong miệng và nghĩ rằng bị tưa lưỡi, đã đi khám tại cơ sở y tế, được điều trị bằng thuốc nhưng không đỡ”.
Vết trắng ở lưỡi có thể là dấu hiệu của bệnh ác tính

Hình ảnh bạch sản gây tổn thương lớn

Tại Bệnh viện E, qua khám lâm sàng, các bác sĩ khoa tai mũi họng phát hiện BN có mảng bạch sản dưới lưỡi bên phải, kích thước tương đối lớn (2 x 3 cm). Với tình trạng bệnh lâu ngày, BN được chỉ định phẫu thuật cắt tổ chức bạch sản này.
“Chúng tôi đã thực hiện phẫu thuật cắt hớt niêm mạc lưỡi do bạch sản bằng laser cho BN”, PGS-TS Lê Minh Kỳ, bác sĩ của Khoa Khám bệnh theo yêu cầu và quốc tế (Bệnh viện E), người trực tiếp tiến hành ca phẫu thuật này, cho biết.
Qua thực tế điều trị, bác sĩ Lê Minh Kỳ cho hay bạch sản được phát hiện chẩn đoán khi khám khoang miệng. Tuy nhiên, nhiều BN bị chẩn đoán nhầm bạch sản với tưa miệng dù nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Tưa là một dạng nhiễm nấm ở miệng. Vùng tổn thương tưa lưỡi thường mềm hơn so với bạch sản, và có thể dễ chảy máu hơn.
Trong khi đó, bạch sản là thương tổn màu trắng, thường gặp nhất ở lưỡi nhưng cũng có thể bị tổn thương ở má và lợi. Nhiễm virus Epstein-Barr là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này. Virus này sẽ tồn tại dai dẳng trong cơ thể và có thể bùng phát bệnh ở bất kỳ thời điểm nào, nhất là ở những người có các rối loạn miễn dịch.
Theo PGS-TS Lê Minh Kỳ, do chẩn đoán không chính xác, nên thời gian qua, hầu hết các trường hợp nhập viện điều trị bạch sản đều ở giai đoạn muộn, bệnh thường chuyển sang giai đoạn tiền ung thư hoặc ung thư. Những nốt bạch sản nhỏ có thể được phẫu thuật loại bỏ bằng sinh thiết rộng bằng laser hoặc dao mổ. Tuy nhiên, nếu kết quả sinh thiết là ung thư miệng, nốt này cần được cắt bỏ ngay lập tức để ngăn chặn sự lan truyền.
“Điều đáng nói, nguy cơ bị ung thư miệng vẫn tăng cho dù nốt bạch sản đã được lấy bỏ. Và có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh bạch sản cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư miệng. Ung thư miệng có thể đi kèm với bạch sản”, bác sĩ Kỳ lưu ý.

Nguy cơ khi quan hệ tình dục đường miệng

Ngoài ra, PGS-TS Lê Minh Kỳ cảnh báo về mối liên quan giữa căn bệnh bạch sản với việc sinh hoạt tình dục không an toàn.
Gần đây, một số nghiên cứu chỉ ra rằng người có quan hệ bằng miệng không dùng biện pháp an toàn có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao. Khi quan hệ bằng đường miệng mà không dùng biện pháp an toàn, cũng rất dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trong đó, thường gặp nhất là lậu, giang mai, herpes... và một số bệnh với tần suất gặp ít hơn như bạch sản.

Quan hệ qua đường miệng 
sao cho an toàn?

Theo trang BetterHealth của Úc dẫn lời khuyên của các chuyên gia về sức khỏe tình dục, không quan hệ qua đường miệng khi đối tác có một trong các bệnh lây nhiễm qua tình dục; có vết thương chưa lành, vết lở, loét, nốt ngứa, ban, mụn nước... ở vùng sinh dục hoặc vùng miệng; cổ họng bị nhiễm trùng hoặc đau rát, trầy xước; khi đối tác là phụ nữ và đang có kinh nguyệt.
Trong trường hợp hai bên không có vấn đề gì về sức khỏe như kể trên, biện pháp để quan hệ qua đường miệng an toàn là dùng bao cao su đối với nam giới, dùng màng chắn miệng đối với nữ giới. Biện pháp bảo vệ này giúp ngăn chặn rủi ro mắc các bệnh lây truyền qua tình dục, trong đó có virus HPV gây ung thư vòm họng. Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe bản thân và đối tác, cần duy trì một mối quan hệ tình dục lành mạnh, an toàn và thăm khám sức khỏe định kỳ...
Phương An
Có đến 80% bạch sản niêm mạc miệng thường gặp ở người lớn trên 40 tuổi, tỷ lệ nam nhiều hơn nữ. Nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm kể trên sẽ cao hơn nếu miệng có vết loét hoặc vết thương. Do đó, bệnh bạch sản và một số ung thư khoang miệng có thể phòng ngừa được bằng thay đổi hành vi; trong đó, không quan hệ tình dục bằng đường miệng là một cách.
Các bác sĩ khuyến cáo, nên thăm khám định kỳ ở chuyên khoa tai mũi họng khi có các tổn thương nghi ngờ bạch sản. Đã có các BN đi khám nhiều chuyên khoa khác như: răng hàm mặt, da liễu... và không được chẩn đoán đúng bệnh.
Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch sản niêm mạc miệng, BN cần đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để các nốt này phát triển nặng lên, thậm chí tiến triển thành ung thư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.