Vevey có bảo tàng cái ăn

22/01/2019 09:40 GMT+7

Nằm bên bờ hồ Léman thơ mộng ở miền tây nam Thụy Sĩ, bảo tàng ẩm thực đầu tiên trên thế giới Alimentarium chứa đựng kho tri thức sống động về chuỗi tiến hóa trong cái ăn của loài người.

Khách đến thăm Alimentarium không chỉ để nhìn, đọc và nghe những thứ cũ kỹ sẵn có, mà còn có thể tương tác với những thiết bị hiện đại để khám phá nhanh một khối tri thức đương đại phong phú xoay quanh 3 phạm trù gắn với cái ăn: thực phẩm, không gian xã hội và cơ thể.
Người xem cũng có thể học từ các đầu bếp của bảo tàng cách chế biến nhiều món ăn và sáng tạo công thức mới bằng việc pha trộn nguyên liệu và mùi vị theo ngũ giác của riêng mình. Với trẻ em, Alimentarium là một góc sân chơi đồ hàng, nơi phát triển trí tuệ bằng trò chơi máy tính và tiếp nhận những tri thức sơ đẳng về ẩm thực từ các đầu bếp yêu trẻ.
Mỗi năm, nơi này đón khoảng 65.000 - 70.000 khách, với số người từ châu Á ngày càng tăng.

Không chỉ trưng đồ cổ

Từ săn bắt hái lượm lộc rừng và ăn bốc cho đến những bàn ăn lộng lẫy sơn hào hải vị, loài người đã trải qua nhiều chục thế kỷ với vô vàn sáng kiến, phát minh phục vụ nhu cầu sinh tồn và khoái cảm số 1 của mình. Cuộc cách mạng công nghiệp ở thế kỷ 19 đã đưa đến hàng loạt thành tựu vượt bậc trong nông nghiệp, kỹ nghệ chế biến và bảo quản thực phẩm, sản xuất thiết bị nhà bếp và bàn ăn, nâng cái ăn lên tầm cao văn hóa, gắn với ý thức môi trường và sức khỏe.
Dọc theo hành trình tiến hóa đó, Alimentarium đã thu thập được hơn 10.000 vật thể độc đáo, phản ánh cái ăn ở các nền văn hóa từ tây sang đông, từ thời cổ đại cho đến… năm 2018. Trong số khoảng 400 vật được chọn trưng bày, VN cũng góp mặt với bộ tách trà do làng gốm Bát Tràng sản xuất năm 2000. Trao đổi với người viết, bà Jelena Ristic, người phụ trách bộ sưu tầm của Alimentarium, cho hay bộ tách được một cựu nhân viên mua theo yêu cầu của bảo tàng trong khi đang đi du lịch ở VN.
“Không như trà đạo cầu kỳ của người Nhật hay truyền thống làm đồ gốm và kiểu uống trà của người Hoa ít ai quan tâm, thói quen uống trà trải qua nhiều thế kỷ vẫn là một phần quan trọng và rất tự nhiên trong văn hóa, xã hội và đời sống thường nhật ở VN. Bộ ấm tuy mới nhưng nét cổ điển vượt thời gian của nó với 6 chiếc tách xung quanh biểu tượng sự sẻ chia và lòng hiếu khách bất tận. Đó là điều chúng tôi muốn giới thiệu đến khách tham quan”, bà Ristic giải thích lý do bộ tách được chọn trưng bày.
Vevey có bảo tàng cái ăn1
Khách tham quan Alimentarium vừa chơi vừa học cách trình bày bàn ăn trong các nền văn hóa khác nhau
Vevey có bảo tàng cái ăn2
Chi tiết về bộ tách trà Bát Tràng trên website Alimentarium

“Học ăn” bằng ngón tay

Tôn vinh ẩm thực Việt
Dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Thụy Sĩ và VN đã tổ chức buổi lễ tôn vinh ẩm thực Việt tại Bảo tàng Alimentarium vào tối 12.10.2016. Tại đây, đầu bếp Nguyễn Hoàng Nam, thành viên ban giám khảo giải thưởng Chiếc thìa vàng, đã trình diễn cách chế biến món chả giò nhân hạt sen từng đoạt giải, và chiêu đãi khách thêm món gỏi cuốn và phở.
Alimentarium sau đó đã đưa công thức chế biến món chả giò hạt sen lên website của mình bên cạnh hình ảnh và những thông tin chi tiết về sự kiện lần đầu tiên bảo tàng phối hợp giới thiệu trực tiếp ẩm thực của một quốc gia. Website Alimentarium còn có bài viết thú vị của nữ nhà báo Thụy Sĩ Diana Danko phân tích những nét độc đáo của nền ẩm thực Việt, soi chiếu trong sự ảnh hưởng của ẩm thực Pháp.
Nhưng sưu tầm và giới thiệu các vật thể, dù độc đáo, chỉ là một phần nhỏ trong mục tiêu nâng cao tri thức của khách tham quan về cái ăn và ảnh hưởng của nó lên cơ thể, môi trường và không gian xã hội.
Năm 2016, nhân kỷ niệm 30 năm mở cửa, Alimentarium đã thay đổi hầu như toàn bộ không gian trưng bày bên trong tòa nhà tuyệt đẹp kiểu quý tộc Pháp, số hóa các tư liệu và đưa công nghệ nghe nhìn, cảm ứng hiện đại vào việc chuyển tải khối tri thức đương đại phong phú về ẩm thực một cách sinh động nhất.
Những màn hình rộng hàng trăm inch màu sắc rực rỡ, các thiết bị tích hợp hình ảnh, video 3D… cho phép người xem sờ tay khám phá quá trình tạo ra nhiều loại thực phẩm tiêu biểu, từ lúc cây con “nảy mầm” trong hệ sinh thái của chúng, cho đến khi được thu hoạch, bảo quản và chế biến thành tấm thành món trên bàn ăn.
Các cổng tương tác đố chơi để học giúp người chơi hiểu về cơ cấu dinh dưỡng trong các dạng khẩu phần ăn, thành phần dinh dưỡng của thực phẩm, các tập quán ăn uống lành mạnh, văn hóa trên bàn ăn…
Bảo tàng cũng trang bị cho người xem những hiểu biết ở khía cạnh cơ thể học bằng các mô hình mô phỏng như thật hoạt động của hệ thần kinh, hệ tiêu hóa và các giác quan trong quá trình tiếp nhận, tiêu hóa thức ăn và bài tiết.
Máy tập thể dục cũng được đưa vào khuyến khích khách tham gia và tính toán năng lượng cơ thể thu nhận từ các loại thức ăn và lượng tiêu hao cho các vận động…
Vevey có bảo tàng cái ăn3
Đầu bếp Nguyễn Hoàng Nam và bếp trưởng của Alimentarium Philippe Ligron trong buổi giới thiệu ẩm thực VN tại bảo tàng Ảnh: Alimentarium

Nhiều hơn một bảo tàng

Vào mùa đẹp trời, có những con thuyền đưa khách thập phương đến Alimentarium trong hành trình chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn bên bờ hồ Léman nằm giữa Pháp và Thụy Sĩ mà bảo tàng này dường như tọa lạc ở vị trí nên thơ nhất, lại được bao quanh bởi nhiều công trình kiến trúc biểu tượng của thành phố Vevey.
Từ thế kỷ 18, Vevey và vùng lân cận đã nổi tiếng là một điểm đến ngao du sơn thủy của giới quý tộc, văn nghệ sĩ châu Âu. Bờ hồ Léman ở đoạn này vì thế có nhiều khách sạn trên cả 5 sao được xây từ thế kỷ 19, nay vẫn là địa chỉ nghỉ ngơi của giới thượng lưu và các “ông vua” dầu mỏ thế giới.
Chính tại Vevey năm 1866, dược sĩ người Đức Heinrich Nestle (tên tiếng Pháp Henri Nestlé) đã chế ra món bột dinh dưỡng Farine Lactée cứu sống nhiều trẻ sơ sinh không thể bú hoặc tiêu hóa được sữa mẹ. Công ty Nestlé ra đời từ đó. Sau hơn 150 năm, tổng hành dinh Nestlé vẫn trụ ở Vevey, thành phố rộng chưa tới 2,5 km2 với 20.000 dân, cách sân bay quốc tế Genève hơn 1 giờ tàu. Tòa nhà nay là Alimentarium từng là văn phòng Ban Giám đốc Nestlé từ 1921 - 1936 và đến năm 1986 được sử dụng làm bảo tàng hoạt động như một quỹ xã hội do Nestlé chu cấp phần lớn kinh phí.
Trước mặt Alimentarium ngày nay là chiếc nĩa khổng lồ cắm giữa lòng hồ Léman và bức tượng đồng kích thước thật của danh hài Charlie Chaplin, người đã sống 25 năm cuối đời và gửi lại thi thể ở Vevey sau khi lìa trần năm 1977. Du khách đến Alimentarium không ai có thể làm ngơ trước phong cảnh hữu tình và các công trình biểu tượng của Vevey.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.