VFF chi khổng lồ nhưng sẽ không bị lỗ nhờ tiền bán vé AFF Cup 2022

05/11/2022 18:51 GMT+7

Một số nội dung quan trọng đã được bàn kỹ tại hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức ngày 5.11, ngay trước thềm Đại hội VFF nhiệm kỳ 9.

Tại hội nghị Ban chấp hành, VFF đã cho biết, trong nhiệm kỳ 9, VFF sẽ tiếp tục tăng nguồn thu bằng nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó có việc đổi mới chất lượng hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh giữa các CLB, nâng cao hình ảnh giải đấu nhằm thu hút và tăng giá trị bản quyền truyền hình, tăng nguồn thu tại các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia. Tối ưu hóa khai thác giá trị thương hiệu các đội tuyển quốc gia. Phấn đấu mức tăng trưởng trong công tác tiếp thị và vận động tài trợ tăng trên 10% so với nhiệm kỳ trước.

Thầy trò ông Park Hang-seo

HOÀNG QUÂN

Ông Lê Văn Thành - Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ cho biết, dự kiến nguồn chi trong năm 2023 với VFF là rất lớn. Năm 2021, VFF chi 200 tỉ đồng. Năm 2022, dự kiến VFF chi 300 tỉ đồng. Nguồn thu của VFF trong năm 2022 dự kiến là khoảng hơn 280 tỉ đồng. Về khoản âm dao động từ 10 - 20 tỉ đồng, VFF tính toán sẽ nỗ lực kiếm thêm từ các nguồn thu bởi tài trợ hay bán vé các trận đấu mà đội tuyển Việt Nam thi đấu tại AFF Cup 2022. Ông Lê Văn Thành lạc quan nhận định, nguồn thu từ bán vé đủ lớn để bù khoản lỗ kể trên. Cũng theo ông Thành, nhiều khả năng, chúng ta sẽ xin FIFA trong việc áp dụng VAR, dự kiến chi phí khoảng hơn 1 triệu USD.

Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho hay: “Tới đây, nhiệm vụ của Ban chấp hành VFF khóa 9 sẽ là tìm kiếm HLV trưởng chất lượng, nâng cao thành tích của đội tuyển. VFF muốn chọn HLV có tên tuổi, kinh nghiệm. Đây là nhiệm vụ rất nặng và đòi hỏi VFF có năng lực tài chính cao để đáp ứng. Chúng ta cần có dự án phối hợp với các nhà tài trợ để hoàn thành nhiệm vụ này”.

Cầu thủ gốc gác Việt Nam nhưng chưa có quốc tịch Việt Nam sẽ được thi đấu tại V-League

Cũng tại hội nghị Ban chấp hành VFF, các đại biểu đã thảo luận về việc có thêm một suất dành riêng cho cầu thủ gốc gác Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài (nhưng chưa có quốc tịch Việt Nam), được thi đấu ở toàn bộ hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp quốc gia. Trước đó, VFF đã gửi công văn xin ý kiến của các CLB thuộc hệ thống các giải kể trên.

Tính đến ngày 5.11, có 5/6 CLB nữ, 22/27 CLB bóng đá chuyên nghiệp, 8/11 CLB futsal đồng ý đăng ký cầu thủ nước ngoài gốc Việt Nam. Điều này đã được đa số thành viên của Ban chấp hành VFF nhất trí và sẽ được đưa ra lấy ý kiến tại Đại hội VFF nhiệm kỳ 9 vào ngày 6.11. Nếu đại hội thông qua thì kể từ mùa giải 2023, ngoài 3 suất ngoại binh (các đội tham dự đấu trường châu Á được thêm một ngoại binh châu Á), các CLB sẽ được đăng ký thêm một suất dành cho cầu thủ Việt kiều. Đây sẽ là tin vui cho những cầu thủ mang trong mình hai dòng máu (có liên quan đến Việt Nam) nhưng chưa có quốc tịch Việt Nam thi đấu ở V-League.

Cầu thủ bóng đá nước ngoài gốc Việt Nam gồm cầu thủ bóng đá nam và nữ cư trú, sinh sống ở nước ngoài có một trong các điều kiện sau đây: Sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam và khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam; Sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam và khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai. Khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài. Cầu thủ nước ngoài gốc Việt Nam được coi nguồn lực đáng kể để bổ sung lực lượng cho đội bóng, nâng cao chất lượng các giải đấu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.