Giai đoạn chuyển giao
Năm 2023 đánh dấu cột mốc chuyển giao của đội tuyển Việt Nam, khi HLV Philippe Troussier tiếp quản ghế HLV trưởng từ người tiền nhiệm Park Hang-seo.
Đội tuyển Việt Nam đã bước qua một chu kỳ thành công rực rỡ với chức vô địch AFF Cup 2018, suất đá vòng loại ba World Cup 2022 cùng cú đúp HCV SEA Games 30, 31. Tuy nhiên, thất bại trước các đội tuyển mạnh ở vòng loại World Cup 2022 cho thấy, đội bóng khi đó được dẫn dắt bởi HLV Park Hang-seo đã đạt ngưỡng.
Để bứt phá lên nấc thang cao hơn, cụ thể là giành vé đến World Cup, đội tuyển Việt Nam cần triết lý mới, cách vận hành mới và con người mới.
HLV Troussier đã đến và mang theo triết lý kiểm soát, với xu hướng tấn công rõ ràng hơn. Chiến lược gia người Pháp chia sẻ: "Ở vòng loại World Cup 2022, đội tuyển đá 10 trận và thua tới 8 trận. Hãy thực tế về hiện thực bóng đá Việt Nam! Đó là lý do chúng tôi làm việc chăm chỉ mỗi ngày, để rút ngắn khoảng cách trình độ với các nền bóng đá hàng đầu châu lục. Chúng tôi không chỉ nói suông hay mơ ước, mà đang nỗ lực để khi bước vào trận đấu, đội tuyển Việt Nam có thể đối diện với mọi khó khăn.
Đội tuyển Việt Nam có thể yếu, nhưng chúng tôi làm việc chăm chỉ để thu hẹp khoảng cách trình độ. Chúng tôi có thế hệ đầy tiềm năng. Ở đội tuyển hiện nay, dàn cầu thủ trẻ cùng các trụ cột được truyền tải thông điệp tích cực để tin tưởng vào lối chơi mà ban huấn luyện lựa chọn, cũng như cách tiếp cận để chủ động hơn trong từng thời điểm. Người hâm mộ cần hiểu rằng chúng tôi không thể thắng hết, nhưng từ những trận không tốt, toàn đội sẽ có bài học để một ngày nào đó, đội tuyển Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra".
Để quá trình chuyển giao diễn ra suôn sẻ, không khiến mục tiêu World Cup chệch hướng, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã cải tổ triệt để trong 9 tháng qua. Đội tuyển Việt Nam đã chơi 3 trận giao hữu từ tháng 6 đến nay (gặp các đội Hồng Kông, Syria, Palestine) và so tài với 3 đội tuyển mạnh nữa trong tháng 10 (Trung Quốc, Uzbekistan, Hàn Quốc).
Với 6 trận giao hữu trong 5 tháng trước các đội hàng đầu, đội tuyển Việt Nam sẽ có bước đà chuẩn bị tốt cho vòng loại World Cup 2026. Ngoài ra, việc đấu nhiều đội mạnh giúp HLV Troussier đánh giá kỹ lưỡng năng lực học trò, kiểm chứng triết lý tấn công mới mẻ.
Việc bắt nhịp với cường độ chơi dồn dập ở đẳng cấp cao nhất cũng là điều kiện cần để đội bóng của ông Troussier không bị "ngợp" trước những trận đấu khó.
Đánh giá sức mạnh các đối thủ của đội tuyển Việt Nam trong tháng 10.2023: Trung Quốc, Uzbekistan, Hàn Quốc
Chăm chút lứa kế cận
Trong đợt tập trung tháng 10, dễ nhận thấy đội tuyển Việt Nam đang xây dựng song song hai lớp cầu thủ. Lớp sinh năm 1993 đến 1999 với Văn Lâm, Ngọc Hải, Duy Mạnh, Hùng Dũng, Hoàng Đức, Tuấn Hải, Tiến Linh, Việt Anh,... vẫn đóng vai trò chủ công trong ít nhất 1 đến 2 năm tới.
Tuy nhiên, lớp kế cận (sinh sau năm 2000) đã lên đội tuyển rất đông đảo ở đợt triệu tập này với 15 cái tên phủ đầy cả 3 tuyến. Đây là thế hệ sẽ gánh vác đội bóng của HLV Troussier trong 3 đến 5 năm nữa, tùy thuộc vào mức độ trưởng thành, phát triển của từng cầu thủ.
Đội tuyển Việt Nam đang là sự hòa quyện giữa kinh nghiệm và sức trẻ. Khi lứa đàn anh vừa đóng vai trụ cột, vừa dìu dắt đàn em, lứa trẻ sẽ tranh thủ học hỏi, tích lũy để sẵn sàng cho thời điểm kế cận đồng thời tạo ra "lực đẩy" cạnh tranh để lớp đàn anh phải nỗ lực hơn.
Trước đó, VFF đã thành lập hai đội U.23 cho các nhiệm vụ riêng biệt, trong đó một đội tham dự SEA Games 32 và vòng loại U.23 châu Á 2024, đội thứ hai tham dự giải U.23 Đông Nam Á 2023 và ASIAD 19.
Cụ thể, đội tuyển U.23 Việt Nam dự SEA Games 32 và vòng loại U.23 châu Á 2024 gồm những cầu thủ tốt nhất trong lứa tuổi U.23 của bóng đá Việt Nam. Đội tuyển này tập trung cùng thời gian với đội tuyển quốc gia trong thời gian thi đấu chính thức, giao hữu theo quy định của FIFA.
Những nhân tố xuất sắc trong đội U.23 này được lựa chọn bổ sung vào thành phần đội tuyển Việt Nam, mà đợt tập trung này với 14 cái tên U.23 là minh chứng.
Trong khi đó, đội U.23 Việt Nam tham dự giải U.23 Đông Nam Á 2023 và ASIAD 19 là tập hợp các cầu thủ nòng cốt đa phần thuộc lứa tuổi U.20 kết hợp thêm một số cầu thủ U23.
Quyết định này vừa đảm bảo tốt lực lượng cho các mục tiêu chính, vừa giúp tạo sự tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ một cách liên tục cho các cầu thủ trẻ lứa U20 tại đấu trường quốc tế, hướng tới mục tiêu dài hạn đồng thời không làm ảnh hưởng đến hệ thống tổ chức thi đấu trong nước.
Chính lứa cầu thủ này sẽ là những nhân tố chuẩn bị cho chiến dịch SEA Games 33 và vòng loại U.23 châu Á 2026 diễn ra vào năm 2025.
Xây dựng lực lượng trẻ là hành trình dài hạn, nguy cơ đánh đổi bằng thành tích, hiệu quả chưa thể thấy ngay. Nhưng đây là lựa chọn phù hợp để bóng đá Việt Nam vượt qua giai đoạn chuyển giao, khởi đầu cho một chu trình thành công mới.
Bình luận (0)