Kinh nghiệm từ châu Âu
Dịch Covid-19 đúng là đã gây tác hại rất lớn với bóng đá toàn cầu, nhưng không phải không có cách giải quyết nếu như những người có trách nhiệm và đang điều hành bóng đá Việt Nam phải chung tay một cách nhanh chóng để ổn định tư tưởng các CLB và có những quyết sách phù hợp nhất.
Tại những giải đấu hàng đầu Châu Âu, chúng ta có thể nhận thấy những phương án và giải pháp được đưa ra đa phần đều có yếu tố kiên quyết là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sức khoẻ cộng đồng, không để tình trạng để bóng đá ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Nhiều giải bóng đá hàng đầu ở Châu Âu như Premier League (Anh),Bundesliga (Đức), Serie A (Ý), La Liga (Tây Ban Nha) sau khi tạm hoãn một thời gian đã thống nhất chọn giải pháp thi đấu không có khán giả và kết thúc trọn vẹn mùa giải trong tháng 6 và tháng 7 vừa rồi. Giải pháp này được xem là hợp lý trên cơ sở an toàn là trên hết.
Một số giải đấu khác chọn phương án an toàn và dễ dàng hơn như Pháp, Hà Lan, Bỉ. Nếu như Giải vô địch Pháp (Ligue 1) chọn phương án kết thúc giải đấu sớm cũng như chọn ra nhà vô địch là PSG và có đội xuống hạng thì Giải vô địch quốc gia Hà Lan (Eredivisie) lại kết thúc mùa giải sớm, không có đội Vô địch và xuống hạng nhưng suất dự Cup Châu Âu mùa giải sau sẽ được tính dựa trên các vị trí xếp hạng trên bảng tổng sắp.
|
Đặc biệt Giải vô địch quốc gia Bỉ (Jupiler Pro League) cũng cho kết thúc giải sớm và trao chức vô địch cho CLB Club Brugge. Theo giải thích của BTC giải đấu này việc trao Cúp cho FC Brugge như một sự công nhận cho những nỗ lực của CLB này của cả mùa giải cũng như không có đội xuống hạng và hai đội bóng đứng vị trí cao nhất ở giải hạng nhì được thăng hạng. Phương án này vừa mang tính chất an toàn cho sức khoẻ của các thành viên tham dự giải đấu cũng như bảo toàn để giải đấu không bị vỡ kế hoạch tổ chức và mở rộng quy mô của giải đấu từ 16 đội lên thành 18 đội.
VFF, VPF phải đưa giải pháp thiết thực nhất
Từ kinh nghiệm này và vận dụng vào hoàn cảnh bóng đá Việt Nam có thể thấy cũng có những giải pháp tương tự, vấn đề là VFF, VPF phải nhanh chóng đưa ra chính kiến của mình để các CLB có những đóng góp thiết thực. Trong đó chỉ có 3 giải pháp là hủy giải, tạm dừng chờ thời điểm an toàn nối lại mùa giải hoặc kết thúc sớm. Cả 3 giải pháp này rất cần VFF, VPF nếu chọn hướng nào thì cần đưa ra các lập luận thuyết phục.
Bình luận trong chương trình tiêu điểm trên truyền hình báo Thanh Niên, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhấn mạnh: “ Theo tôi chắc chắn không thể hủy mùa giải vì hủy giải là phủ nhận công sức của mọi người khi đã quyết tâm tổ chức lại V-League rất tốt và an toàn cho cộng đồng sau khi có đợt dịch đầu tiên. Hơn nửa hủy giải thì chúng ta sẽ ăn nói ra sao với thế giới với những hình ảnh đầy cảm xúc, khán đài ngồn ngột khán giả chật cứng lan truyền như một biểu tượng đẹp của V-League thời gian qua.
|
Nếu tạm dừng như hiện nay thì VFF, VPF phải đưa ra mốc cụ thể càng sớm càng tốt khi nào thì trở lại và trở lại thì đá như thế nào, có khán giả hay không khán giả để không bị chồng chéo với lịch thi đấu vòng loại World Cup 2022 và AFC Cup vòng bảng mà có 2 đội CLB TP.HCM và Than Quảng Ninh tham gia. Còn nếu không xác định được khi nào có thể tiến hành đá lại nhất là trong điều kiện chưa an toàn kéo dài thì có nên kết thúc sớm và công nhận các vị trí để xác định các đội đứng đầu đá AFC Champions League và AFC Cup mùa tới cũng như giải pháp có hay không có đội xuống hạng hay không?”.
|
Trả lời báo chí, Chủ tịch đội Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ cũng nói: 'Chúng tôi không bỏ để giải huỷ, mà muốn dừng tại đây, lấy kết quả 11 vòng đã qua để tính cho cả mùa, với chức vô địch cho đội đang dẫn đầu là Sài Gòn FC. Việc không thể tiếp tục thi đấu là do Covid-19, điều bất khả kháng. Các ca nhiễm Covid-19 ngày càng nhiều trên diện rộng. Sẽ rất nguy hiểm để có thể trở lại. Với tình hình này, mùa giải khó thể hoàn thành tốt nhất là dừng sớm để giảm thiệt hại, chuẩn bị cho mùa sau". Ông Đệ còn nói thêm: VFF và VPF không bỏ tiền nuôi các CLB nên không hiểu. Mỗi mùa giải thông thường khoảng bảy tháng, nhưng với tình hình này sẽ còn lâu mới có thể kết thúc. Cứ duy trì như thế thì chúng tôi vỡ quỹ. Bây giờ tôi không trả lương cho cầu thủ thì không được, mà trả thì phải đi xin, đi vay. Hiện tại doanh nghiệp nào cũng lao đao, kêu gọi họ hỗ trợ thì xấu hổ lắm'.
Tương tự ông Nguyễn Húp – Chủ tịch CLB Quảng Nam phát biểu: 'Quảng Nam ủng hộ dừng giải nhưng không phải vì chúng tôi đang đứng chót bảng. Đây là vấn đề sức khỏe con người, đừng ép các đội phải thi đấu. Nếu cần thiết thì Ban tổ chức trao cúp cho CLB Sài Gòn, rồi đánh rớt đội Quảng Nam cũng được nếu bất khả kháng. Tuy nhiên, như tôi có nói trước đó, phương án tốt nhất là V.League không có đội rớt hạng. Giải hạng Nhất đôn hai đội dẫn đầu lên là đủ 16 đội, đúng như lộ trình của VFF'.
|
Còn Chủ tịch kiêm HLV trưởng Sài Gòn FC Vũ Tiến Thành chia sẻ: ‘Tôi nghĩ trong giai đoạn này, VPF cần nhanh chóng họp trực tuyến với các đội bóng để chia sẻ và lắng nghe ý kiến các đội để lên các giải pháp và lộ trình cho giải đấu. Tất nhiên, để V-League quay trở lại, yếu tố sức khoẻ an toàn là trên hết. Quan trọng là VFF và VPF cần phải có những cảm thông và chia sẻ tài chính với các đội bóng. Tại sao doanh nghiệp được Chính phủ hỗ trợ, FIFA hỗ trợ các liên đoàn thành viên mà VFF lẫn VPF lại không hỗ trợ các đội bóng trong lúc gặp khó khăn vì đại dịch? Theo tôi, trong giai đoạn trì hoãn như thế này, VPF cần có một kế hoạch rõ ràng để các đội bóng nắm bắt và hoạch định tài chính của mình’.
Ông Thành cũng phản ứng phát biểu mới đây của Chủ tịch VPF Trần Anh Tú khi nói nếu huỷ V-League sẽ phải đền bù hợp đồng cho nhà tài trợ. Theo ông Thành: ‘Trong một hợp đồng kinh tế bao giờ cũng có điều khoản, nếu lý do bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh mà hợp đồng không được thực hiện thì không phải đền bù hợp đồng đó. Do vậy VFF và VPF cần phải đưa ra các giải pháp một cách nhanh nhất cho các đội bóng chuẩn bị và thực hiện, không nên để kéo dài một cách nặng nề như gần 2 tuần qua sau khi tạm hoãn’.
Bình luận (0)