Vì an ninh quốc gia Mỹ muốn hạn chế Trung Quốc đổ tiền vào trí tuệ nhân tạo

15/06/2017 14:46 GMT+7

Mỹ hiện sẵn sàng tăng cường kiểm tra các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Thung lũng Silicon để bảo vệ các loại công nghệ nhạy cảm, quan trọng với an ninh quốc gia.

Theo Reuters, đây là nội dung mà nhiều quan chức Mỹ vừa tiết lộ. Việc Trung Quốc quan tâm và đổ tiền vào các lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo (AI), máy học (machine learning) đặc biệt được giới chức Mỹ chú ý. Họ lo ngại rằng nhiều công nghệ tiên tiến được phát triển ở Mỹ có thể bị Trung Quốc dùng để củng cố khả năng quân sự, có thể tiến bộ hơn trong nhiều ngành công nghiệp chiến lược.
Chính phủ Mỹ hiện tìm cách củng cố vai trò của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan xem xét các thương vụ thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp Mỹ trên cơ sở an ninh quốc gia. Một báo cáo chưa được công bố của Lầu Năm Góc cảnh báo rằng Đại lục đang lách sự kiểm soát của Mỹ, tiếp cận với công nghệ nhạy cảm thông qua các giao dịch hiện không nằm dưới sự rà soát của CFIUS. Các giao dịch kể trên bao gồm thương vụ liên quan đến liên doanh, mua bán cổ phần thiểu số và đầu tư giai đoạn đầu vào công ty khởi nghiệp.
Một quan chức cho hay: “Chúng tôi đang xem xét để CFIUS theo dõi tình hình sức khỏe và an ninh lâu dài của nền kinh tế Mỹ vì nhiều hành động ăn cắp của Trung Quốc trong mảng công nghệ”. Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis cho rằng CFIUS hiện “lỗi thời” trong một phiên điều trần trước Thượng viện. Ông Mattis đề nghị cơ quan này cần được đổi mới để phù hợp với tình hình hiện nay.
CFIUS được dẫn dắt bởi Bộ Tài chính Mỹ, gồm 9 thành viên thường trực trong đó có đại diện từ các bộ: Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ An ninh Nội địa, Bộ Thương mại, Bộ Năng lượng. Bộ máy điều khiển CFIUS rất bí mật và thường không bình luận sau khi đưa ra quyết định về các thương vụ.
Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, CFIUS từng chặn một loạt nỗ lực thâu tóm, sáp nhập (M&A) các hãng sản xuất chip Mỹ từ Trung Quốc. Thượng nghị sĩ John Cornyn thuộc đảng Cộng hòa đang soạn thảo luật cho phép CFIUS có nhiều quyền hơn để ngăn chặn một số khoản đầu tư công nghệ. Trợ lý của ông Cornyn cho biết: “Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ tiên tiến mà Trung Quốc đang tìm kiếm. Nó có tiềm năng ứng dụng trong quân sự. Công nghệ này mới mẻ và hệ thống kiểm soát xuất khẩu của chúng tôi vẫn chưa tìm ra cách để quản lý nó. Đây là lý do vì sao nó trượt qua khoảng trống trong tấm lưới bảo vệ hiện có”.
Dự thảo luật sẽ yêu cầu CFIUS tăng cường sự giám sát các khách mua đến từ những nước được xem là mối đe dọa tiềm ẩn với an ninh quốc gia Mỹ. Dù vậy, dự thảo luật của ông Cornyn chưa liệt kê cụ thể các loại công nghệ sẽ chịu sự giám sát của CFIUS.
Chuyên gia công nghệ James Lewis tại Trung tâm An ninh và Nghiên cứu Quốc tế cho hay: “Người Trung Quốc đã tìm ra cách đi vòng tránh sự bảo vệ của chúng ta để chuyển giao công nghệ qua các khoản đầu tư nước ngoài. Họ đang dùng điều này để vượt lên trước, cả về kinh tế lẫn chính trị. Tôi nghĩ đây là vấn đề lớn”.
Về phần mình, Trung Quốc cho hay các khoản đầu tư của họ không mâu thuẫn hay can thiệp chính trị. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang nói: “Chúng tôi hi vọng Mỹ có thể cung cấp môi trường tốt hơn cho các công ty Trung Quốc đầu tư vào Mỹ”.
Mỹ là điểm đến hàng đầu của đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc khi thực hiện số thương vụ M&A tổng giá trị 45,6 tỉ USD trong năm 2016. Từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, đầu tư Trung Quốc vào Mỹ đạt tổng cộng 22 tỉ USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.