Cho đến những ngày đầu tháng 7.2024, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cao tốc Bắc - Nam tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước vẫn đang "gắt gỏng" như cái nắng đầu hè, buộc chính quyền phải mướt mồ hôi gỡ vướng... Nhưng đâu đó ở những bản làng Quảng Trị, nơi có đồng bào người Vân Kiều sinh sống, có cao tốc đi qua, câu chuyện GPMB bỗng dễ thương với những con người chân chất, không hề toan tính thiệt hơn vì đại cuộc.
CHO THI CÔNG TRƯỚC, NHẬN TIỀN SAU
Giá đền bù luôn là một nút thắt trong công tác GPMB. Có rất nhiều cuộc tranh chấp, mâu thuẫn giữa người dân và hội đồng GPMB kéo dài nhiều tháng, thậm chí cả năm trời mà không tìm được lối thoát, lý do cũng vì tiền. Và khi dân không đồng thuận bàn giao mặt bằng, đồng nghĩa đơn vị thi công không thể thi công, tiến độ dự án "giậm chân tại chỗ"… Hệ lụy còn ghê gớm hơn trong nhiều trường hợp khi bị cắt vốn, cán bộ liên quan chịu trách nhiệm vì không hoàn thành nhiệm vụ.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua Quảng Trị cũng có rất nhiều vướng mắc, dù cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng chính quyền Quảng Trị phải đề xuất T.Ư lùi ngày bàn giao mặt bằng nhiều lần. Tuy nhiên, những sự vụ nóng bỏng đó dường như không thể "len lỏi" vào những bản làng của người Vân Kiều, dù cao tốc vẫn đi qua, "xẻ ngang" nhiều ngôi nhà sàn, nhiều mảnh vườn của bà con…
Đồng bào vùng cao vốn không nói 2 lời. Một khi đã gật đầu đồng ý, họ một lòng "đường chưa thông, ruộng vườn không tiếc". Có nhiều gia đình thậm chí chưa nhận khoản tiền đền bù GPMB nào đã đồng ý cho đơn vị thi công tháo dỡ nhà, chặt hạ cây cối để thi công cao tốc. Câu chuyện lòng dân rõ mồn một…
Cả một đời bám rễ ở mảnh đất cha ông để lại, dựa vào sức người để kiếm cái ăn, cái mặc, ông Hồ Văn Thuận (ở thôn Mới, xã Vĩnh Khê, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) hạnh phúc trong gian nhà bé nhỏ cùng vợ và 8 người con, cháu. Chưa bao giờ ông nghĩ có ngày phải rời bỏ ngôi nhà này, mảnh vườn này.
Thế rồi cao tốc Bắc - Nam đi ngang qua, chạy xuyên tâm mái nhà thân thuộc của người đàn ông Vân Kiều chất phác. Toàn bộ khu vườn gần 10.000 m2 mà gia đình dày công chăm sóc cũng buộc phải phá bỏ để nhường chỗ cho dự án trọng điểm quốc gia. Đang yên đang lành, bất chợt ông không còn gì ngoài… khoản tiền đền bù! Trăn trở sau mấy đêm liền, ông trông già đi rất nhiều so với cái tuổi 67, tóc bạc hơn, hõm mắt sâu thêm.
Thấy ông Thuận trầm ngâm nghĩ ngợi vì bị thu hồi đất diện tích lớn, phá hủy nhiều công trình, tài sản trên đất, các cán bộ GPMB cũng đâm lo… Nhưng kỳ lạ thay, mọi thứ đã diễn tiến nhanh một cách chóng mặt. "Bố Thuận đồng ý cái rụp phương án đền bù của hội đồng GPMB mà không ý kiến gì, cũng không cò kè bớt một thêm hai. Chưa hết, dù chỉ mới đồng thuận bằng miệng, chưa nhận được đồng tiền đền bù nào, bố vẫn cho đơn vị thi công… ủi luôn vườn nhà", anh Lê Mạnh Hùng, cán bộ thuộc Hội đồng GPMB và hỗ trợ đền bù tái định cư H.Vĩnh Linh, kể.
Không nói được những điều văn vẻ, đúng chủ trương đường lối mà cán bộ hay tuyên truyền, ông Thuận lý giải hành động của mình một cách đơn giản: "Con đường nó không có chân nên nó đi thẳng. Mình có chân thì mình tránh nó ra…".
Cũng thuộc diện "nhận tiền sau, cho thi công trước", ông Hồ Văn Hoàn (65 tuổi, ở thôn Trường Hải, xã Linh Trường, H.Gio Linh, Quảng Trị) có diện tích đất bị thu hồi khá lớn để thi công cao tốc thuộc địa phận xã Vĩnh Hà, H.Vĩnh Linh. Ngôi nhà xây khá đẹp so với phần đông dân bản của ông chỉ tầm mươi ngày nữa phải "rời" đi, nhường chỗ cho cao tốc. Trước đó, hàng chục gốc tiêu và vườn cây ăn quả trên diện tích 4.500 m2 cũng được ông Hoàn đồng ý cho đơn vị thi công "tùy nghi xử lý" cách đây hơn cả tháng, dù chưa nhận tiền đền bù.
Khoát tay bảo "đằng nào chả thế", ông Hoàn phân tích thêm bao nhiêu năm dân bản sống trong khó khăn vì đường sá không thuận, nay đường lớn Nhà nước đã mở thì sao lòng mình không mở. "Nhà mình đập đi thì có thể dựng lại nhà khác, còn cao tốc đang thi công thì không được chậm trễ", ông Hoàn nói chắc nịch.
Ngoài những cá nhân "chơi đẹp" như ông Thuận, ông Hoàn thì toàn bộ 41 hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Bắc - Nam ở các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê (H.Vĩnh Linh) cũng đều đồng thuận cao với chủ trương lớn của đất nước.
"Bà con không ai gây khó khăn, nhưng ngặt nỗi cứ phải đòi anh em cán bộ chúng tôi đến tận nhà, uống với nhau ly rượu nghĩa tình, nói với nhau câu chuyện vui… thì mới xong việc", ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Linh, chia sẻ.
GIỮ LỜI HỨA VỚI ĐỒNG BÀO
Song song với công tác GPMB, thi công cao tốc Bắc - Nam, chính quyền địa phương cũng khẩn trương bắt tay vào việc xây dựng những khu tái định cư nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Trong đó, khu tái định cư xã Vĩnh Khê nằm bên đường Hồ Chí Minh cũng đã thành hình.
Gặp PV Thanh Niên trong ngôi nhà đang xây dang dở, anh Hồ Văn Quý (41 tuổi, trú thôn Mới, xã Vĩnh Khê) cười tươi, khoe: "Nhà mình chắc khoảng hơn 1 tháng nữa là xong". Gia đình anh Quý thuộc diện bị thu hồi nhà cửa, vườn tược, đổi lại được Nhà nước đền bù 2 tỉ đồng và 1 suất đất tái định cư.
"Có tiền, tôi mua mảnh đất tái định cư hết 209 triệu đồng, mua thêm 1,5 ha rừng giá 600 triệu đồng để sau này có kế sinh nhai. Xây nhà dự kiến mất khoảng 600 - 700 triệu đồng, còn lại thì để nuôi con", anh Quý nhẩm tính.
Trong khu tái định cư này, có 38 hộ dân được bố trí vào ở. Họ sẽ bắt đầu một cuộc sống mới, trong một mái ấm mới với số tiền mà Nhà nước đã đền bù tương xứng trước những hy sinh của họ để ủng hộ dự án trọng đại của quốc gia. Cũng trong khu tái định cư này, ngoài làm đường sá, phân lô vuông vức, chính quyền còn lắp đặt hệ thống điện nước, xây điểm trường mầm non…
"Tinh thần chúng tôi đã nói với bà con từ đầu, nơi bà con đến ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Bà con đã giữ lời hứa đảm bảo GPMB thì chúng tôi cũng giữ lời hứa với bà con", ông Nguyễn Anh Tuấn quả quyết.
Mới hay, theo cái lý của đồng bào vùng cao hay của người miền xuôi, cao tốc cũng… chẳng có chân đâu. Nhưng lời hứa thì có. Bởi chân lý về niềm tin, câu chuyện lòng dân có từ ngàn đời sẽ trường tồn.
Bình luận (0)