“Tôi rất mê cây cầu Long Biên. Tôi treo tác phẩm cầu Long Biên ngay trên đầu giường ngủ của mình. Như là tôi đang ngủ dưới cầu vậy”, ông Đại sứ Pháp tại Việt Nam nói.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Jean-Noël Poirier sở hữu nhiều tác phẩm về Hà Nội - Ảnh: Ngữ Thiên |
Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Jean-Noël Poirier, đặt cái nhìn thân quen lên bức tranh cầu Long Biên trên đầu giường ngủ của mình. “Tôi mê cây cầu Long Biên. Tôi treo tác phẩm cầu Long Biên ngay trên đầu giường ngủ của mình. Như thể tôi đang ngủ dưới cầu”, ông nói và cười. Đã 8 năm sống ở Việt Nam, cây cầu nối sông Hồng, nối cả văn hóa Pháp - Việt, nối làng Thăng Long lên đô thị Hà Nội đã gắn bó với ông đến thế.
Trong dinh thự của ông, Hà Nội không chỉ có trong tác phẩm về cây cầu Long Biên ấy.
Tác phẩm về cầu Long Biên treo ngay trên đầu giường ngủ của đại sứ - Ảnh: Ngữ Thiên
|
Ngay từ tầng một, người ta có thể thấy bức sơn dầu phố Hà Nội của Phạm Luận và một tác phẩm nhà Tây của Nguyễn Thế Sơn. Không phải một Phạm Luận đầy nắng và hoa phượng như thường thấy, tác phẩm này trầm tĩnh hơn như một góc cuối thu. Thế Sơn lại ngưng toàn bộ khối nhà với màu vàng đặc trưng của kiến trúc Pháp ở Hà Nội trong tấm nhựa trong. Dọc cầu thang, ông lại dành nhiều đất khác cho các tác phẩm chụp thành phố thao thức của Sébastien Laval. Một Hà Nội động với nhiều vệt sáng quét ngang như hơi thở dồn. “Phạm Luận vẽ châu Âu, vẽ Venice tôi cũng thích, nhưng vẫn chọn tranh vẽ Hà Nội của anh”, ông nói.
Ông Poirier cho biết, thường trực tiếp mua tác phẩm của nghệ sĩ mà không cần trung gian. Tuy nhiên, có một yếu tố “không trực tiếp” cũng cho mình cơ hội tiếp xúc với nghệ sĩ và tác phẩm tốt hơn. Đó là Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội L’Espace, nơi triển lãm tác phẩm của nhiều nghệ sĩ đương đại. Trung tâm này vẫn được các nhà nghiên cứu đánh giá như “bà đỡ nhân hậu” của nhiều nghệ sĩ Việt từ thuở chưa thành danh. Ông đại sứ cũng cho biết, mình thường xuyên theo sát các triển lãm nghệ thuật đương đại ở Việt Nam.
Hơi thở Hà Nội
Bộ sưu tập nghệ thuật của ông bám vào một chủ đề rất chặt: hơi thở của đô thị. Ông có Tom Christopher với bức họa vẽ lại nhịp thành phố sôi động ở NewYork. Sébastien Laval nhiều lần triển lãm ảnh về đô thị Hà Nội từ những góc ít biến động về kiến trúc nhất như đường tàu, phố cũ. Thủ đô, với ông, như một thực thể sống mà mỗi ngày ông lại gặp, lại chuyện trò. Thậm chí, ông còn đặt chúng trong không gian chung với những tên tuổi hội họa lớn của thế giới mà mình sưu tập được. Hà Nội được đặt “cùng mâm, cùng chiếu” với các danh họa Fernand Léger, Henri Matisse đâu phải chuyện đơn giản.
Tranh về Hà Nội được ông đại sứ Pháp đặt cùng không gian với một bức tranh của Henri Matisse - Ảnh: Ngữ Thiên
|
Gắn bó với đời sống ở Hà Nội, ông đánh giá thành phố thật duyên dáng, cũng là thành phố đang trong quá trình thay đổi. Nó đang cần nghệ sĩ ghi lại những bước chuyển của mình, trước khi vì phát triển mà những hình ảnh duyên dáng đó biến mất. “Chẳng hạn, để nhớ về Paris hiện nay, ngoài Paris bây giờ cũng còn có một Paris khác được ghi trong tranh của các nghệ sĩ trường phái Ấn tượng hổi thế kỷ 19. Với Hà Nội giờ cũng thế. Thành phố cần những nghệ sĩ như thế để lưu giữ cho mai sau thời điểm chuyển giao này”, ông nói.
Còn nhớ, hồi 2013, ông đã công bố việc sẵn sàng giúp Việt Nam bảo tồn kiến trúc Đà Lạt, thành phố mà ông coi như “tiểu Paris”. Những tư liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp EFEO về thành phố của biệt thự Đà Lạt sau đó cũng được công bố trong một triển lãm, rồi tập hợp in thành sách. Với Hà Nội, ông đã tự nguyện làm việc này ngay trong nhà mình qua các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Các tác phẩm ông sở hữu về Hà Nội đều liên quan đến kiến trúc Pháp không ít thì nhiều.
Ông cho biết, điều đó không phải ngẫu nhiên. Ông yêu quý Hà Nội một phần vì đó là một thành phố được quy hoạch trên ý tưởng của người Pháp. “Nhìn vào các khu phố Hà Nội, độ rộng của phố, độ rộng của nhà, cách tường có cái nét mà người Pháp nhìn vào thấy ngay cách của người Pháp ở đấy. Với tôi đó là sự quyến rũ rất tự nhiên. Vì thế nên gặp nghệ sĩ thể hiện được những nét yêu thích đó thì tôi bị hút vào. Tôi không chủ định chọn tranh như thế, khi nhìn đã tự nhiên thích rồi. Nhưng nhìn lại thì đó là một sở thích có thể lý giải được”.
Một góc nhà riêng của ông Poirier có sắp đặt một số hình nhân liên quan đến Đạo Mẫu - Ảnh: Ngữ Thiên
|
Bình luận (0)