Ví điện tử, nên mở không nên siết

21/05/2019 06:54 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN về trung gian thanh toán , trong đó nhiều quy định đã gây những ý kiến trái chiều.

Hạn mức giao dịch quá thấp Theo dự thảo được công bố, giao dịch qua ví điện tử sẽ bị hạn chế ở mức 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng đối với khách hàng cá nhân, 100 triệu/ngày và 500 triệu/tháng đối với khách hàng tổ chức.
Thương mại điện tử có những tăng trưởng vượt bậc trong thời gian gần đây, nhưng thanh toán điện tử vẫn đang là điểm nghẽn. Do đó, cần có cơ chế khuyến khích thay vì hạn chế
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử VN
Theo giải thích của cơ quan soạn thảo, việc đưa ra các hạn chế này nhằm giảm thiểu rủi ro các dịch vụ này bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, đồng thời phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ. Đại diện cơ quan soạn thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, đưa ra thống kê cho thấy hiện nay, giá trị giao dịch trung bình của mỗi ví điện tử là 58.870 đồng/ngày và khoảng 1,7 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, cũng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số món thanh toán qua ví điện tử quý 3/2018 tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017, giá trị thanh toán qua các loại ví điện tử tăng 161%. Điều này cho thấy giá trị giao dịch qua ví đang gia tăng. Do đó, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng các lập luận này chưa thực sự thuyết phục. Theo ông Phùng Anh Tuấn, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, Chính phủ có chủ trương khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có thanh toán điện tử, vì đây là phương thức minh bạch, dễ kiểm soát, phòng chống các hoạt động bất hợp pháp. Ông Tuấn cũng cho biết đã rà soát và không thấy có chính sách, quy hoạch hay quy định nào của Chính phủ về việc ví điện tử chỉ được dùng để thanh toán nhỏ lẻ.
Trong khi đó, đánh giá về tác động của quy định mới đến thương mại điện tử, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử VN, nhận định: Mặc dù thương mại điện tử có những tăng trưởng vượt bậc trong thời gian gần đây, nhưng thanh toán điện tử vẫn đang là điểm nghẽn. Do đó, cần có cơ chế khuyến khích thay vì hạn chế.
Lấy ví dụ về lĩnh vực du lịch, ông Hưng cho rằng các giao dịch đặt vé máy bay hay tour du lịch sẽ có giá trị lớn hơn nhiều so với hạn mức đề xuất tại dự thảo.

Có sự phân biệt ?

Người dùng chỉ khi nào thấy được tiện ích của ví điện tử mới sử dụng. Hiện nay số lượng người dùng ví điện tử vẫn chưa quá nhiều. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần khuyến khích hơn là có thêm các điều kiện siết chặt khiến cả người dùng lẫn DN đều nản.

TS Nguyễn Trí Hiếu, cố vấn Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB)

Đặc biệt, việc chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp (DN) cung cấp trung gian thanh toán, không bao gồm các ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ ví điện tử của dự thảo gây nhiều băn khoăn cho các DN trong ngành.
Phát biểu tại hội thảo góp ý do VCCI thực hiện tại Hà Nội ngày 10.5 vừa qua, ông Phùng Anh Tuấn dẫn luật Cạnh tranh và cho rằng nội dung loại trừ của dự thảo sẽ có ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh bình đẳng. Nếu cơ quan quản lý có quy định về điều kiện kinh doanh, thì về nguyên tắc tất cả các DN đáp ứng đủ điều kiện sẽ phải được đối xử như nhau. Nội dung này cũng đi ngược với chủ trương khuyến khích khởi nghiệp và tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh của Chính phủ.
Trong những năm gần đây, nhiều ý kiến cho rằng sự phát triển mạnh của các DN công nghệ tài chính (Fintech), trong đó có ví điện tử, sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh doanh truyền thống của ngân hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành này khẳng định lo ngại đó là không có cơ sở. Hơn nữa, quan hệ giữa các ngân hàng và nhiều DN Fintech hiện nay là hợp tác và có thể mang lại nhiều giá trị cho nhau. Bởi ngân hàng có lượng khách hàng lớn, nền tảng hạ tầng ổn định trong khi các DN khởi nghiệp mang lại chuyên môn kỹ thuật và sự nhanh nhạy trong việc thích ứng để thay đổi. Khi hợp tác, hai bên có thể đạt nhiều thành công hơn trong việc cải thiện các dịch vụ tài chính và trải nghiệm cho khách hàng.
Hơn nữa, ước tính hiện có khoảng 40% số dân VN đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách khuyến khích các dịch vụ trung gian thanh toán khác như ví điện tử để từng bước thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng nhanh hơn, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố nhỏ và vùng sâu vùng xa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.