Vì giấc mơ World Cup, bóng đá Việt Nam và HLV Troussier hãy cùng nhau thay đổi

09/02/2024 09:10 GMT+7

Thất bại trong 1 năm qua là lỗi HLV Troussier chưa đủ tinh tường, hay nền móng bóng đá Việt Nam chưa đủ tốt? Nói về điều đó chẳng khác nào tranh luận con gà có trước hay quả trứng có trước.

HLV Troussier cần thêm dấu ấn

HLV Philippe Troussier đã có năm 2023 không yên ả với bóng đá Việt Nam. Ở phương diện đội U.23, ông không hoàn thành mục tiêu bảo vệ HCV SEA Games. Tấm vé dự vòng chung kết U.23 châu Á có thể coi là điều hiển nhiên, bởi U.23 Việt Nam nằm ở bảng đấu dễ thở, được đá vòng loại trên sân nhà.

Tuy nhiên gây tranh cãi nhất vẫn là ở đội tuyển Việt Nam. 8 trận thua trong 9 trận gần nhất, bị loại khỏi Asian Cup 2023 với 3 trận toàn thua là kết quả đang đặt ông Troussier dưới áp lực cực lớn.

Dù Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khẳng định vẫn tin tưởng HLV trưởng, nhưng chiến lược gia người Pháp có lẽ hiểu rằng nếu không vượt qua "ải" Indonesia ở 2 trận tới để tiến gần vòng loại 3 World Cup 2026, khó đảm bảo ông sẽ tại vị bởi trọng tâm bóng đá Việt Nam hướng tới vẫn là sân chơi lớn nhất bóng đá thế giới.

Vì giấc mơ World Cup, bóng đá Việt Nam và HLV Troussier hãy cùng nhau thay đổi- Ảnh 1.

Áp lực trên đôi vai "Phù thủy trắng"

MINH TÚ

Trong 1 năm huấn luyện đội tuyển Việt Nam, HLV Troussier đã giúp ý tưởng kiểm soát bóng, triển khai mảng miếng tấn công ở phần sân nhà được định hình. Dưới bàn tay nhà cầm quân 68 tuổi, đội tuyển Việt Nam có định hướng vị trí tốt hơn. Các cầu thủ tích cực di chuyển, tự tin phối hợp nhóm, bật nhả một chạm, chuyền ngắn để giải tỏa áp lực của đối thủ.

Những nhân tố U.23 như Thái Sơn, Minh Trọng, Đình Bắc, Tuấn Tài, Văn Khang, Minh Tùng, Văn Trường... hay những cầu thủ trước đây chưa từng được trọng dụng như Thành Long, Tiến Anh đều khoác áo đội tuyển quốc gia, tạo nên cuộc cạnh tranh cởi mở.

Tuy nhiên, mặt chưa được của HLV Troussier, bên cạnh kết quả nghèo nàn, còn là triết lý kiểm soát bóng mới hoàn thành một nửa. Các cầu thủ Việt Nam cầm bóng tốt ở sân nhà, nhưng lại rất lúng túng, thiếu ý tưởng khi bước sang phần sân đối thủ.

Việc ông Troussier trẻ hóa cũng tạo ra "tác dụng phụ", khi nhiều cầu thủ trẻ như Thái Sơn, Văn Khang, Minh Trọng mắc lỗi sơ đẳng hoặc bị căng cứng tâm lý. Bóng đá khắc nghiệt ở chỗ, không phải cứ cầm bóng nhiều, sử dụng cầu thủ trẻ khỏe là chiến thắng. Thành công của Jordan, Qatar tại Asian Cup là minh chứng cho thấy: sự lọc lõi, khôn ngoan và kinh nghiệm mới là chìa khóa thành công.

Vì giấc mơ World Cup, bóng đá Việt Nam và HLV Troussier hãy cùng nhau thay đổi- Ảnh 2.

Giấc mơ World Cup còn rất xa

NGỌC LINH

Nòng cốt đội hình hai đại diện đá chung kết gồm các cầu thủ từ 26 đến 29 tuổi. Đây được coi là độ tuổi đỉnh cao của cầu thủ, nhưng những cái tên ở độ tuổi này tại đội tuyển Việt Nam phần lớn bị HLV Troussier khước từ. Chiến lược gia người Pháp dường như cũng xoay xở chậm, không linh hoạt về chiến thuật, dẫn đến lối đá một màu, kém biến hóa, dễ sụp đổ khi bị bắt bài.

Đây đều là những điều HLV Troussier cần thay đổi, nếu không muốn giấc mơ đưa đội tuyển Việt Nam dự World Cup chệch hướng.

Nhưng bóng đá Việt Nam cũng phải chuyển mình

Thành công trong 5 năm dưới thời HLV Park Hang-seo khiến nhiều người quên đi thực tế rằng, nền tảng bóng đá Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để làm nên chuyện.

Với một lứa cầu thủ tốt, được huấn luyện khoa học, chơi trong bộ khung phòng ngự phản công thực ra rất phù hợp với hạn chế thể lực, sức vóc của người Việt Nam, đội tuyển quốc gia đã thăng hoa.

Tuy nhiên, khi HLV Troussier chuyển sang tư duy chơi bóng hiện đại hơn, xây dựng lối đá đòi hỏi nền tảng kỹ chiến thuật và thể lực tốt hơn, bao nhiêu hạn chế của cầu thủ Việt Nam đều bộc lộ.

Vì giấc mơ World Cup, bóng đá Việt Nam và HLV Troussier hãy cùng nhau thay đổi- Ảnh 3.

Cầu thủ Việt Nam còn nhiều hạn chế

NGỌC LINH

Các tuyển thủ quốc gia phải học lại từ đầu bài tập đỡ, chuyền bóng, di chuyển chiến thuật, ngẩng đầu quan sát đồng đội ngay từ chạm một, mở rộng cơ thể để thuận cho bước xử lý tiếp theo... Đây đều là bài học "vỡ lòng" mà đáng ra cầu thủ phải học từ đội trẻ hoặc CLB.

Đội tuyển Việt Nam, suy cho cùng, chỉ là cái ngọn của nền bóng đá với gốc rễ là đào tạo trẻ và giải vô địch quốc gia. Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, V-League đang chuyển mình, nhưng vẫn theo mô hình "tháp xuôi". "Số đội ở V-League nhiều hơn giải hạng nhất (trong khi đáng ra phải ngược lại), vẫn chưa thể tìm ra nhiều đội bóng thực sự bài bản, chuyên nghiệp (mà chủ yếu vẫn sống nhờ "bầu sữa" của doanh nghiệp).

Chuyên gia người Anh Steve Darby từng nhấn mạnh: V-League cần chuyên nghiệp hơn. Cơ sở vật chất, trong đó có yếu tố sân bãi, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho cầu thủ Việt Nam còn rất yếu, huấn luyện thể lực cũng chưa tốt. Chỉ riêng chất lượng mặt sân kém cùng tư duy chơi bóng có phần "ăn xổi", phó thác cho ngoại binh của nhiều CLB, đã khiến mong đợi chơi kiểm soát bóng ở V-League trở nên khó khăn.

Ngoài ra, các CLB V-League cũng cần hướng tới khán giả, khiến người hâm mộ hiểu rằng họ đang thụ hưởng dịch vụ. Khi bóng đá chưa nuôi được bóng đá, nền móng lỏng lẻo và phải trông mong "thời vận" để có lứa cầu thủ giỏi, có lẽ đội tuyển Việt Nam chẳng thể trông mong ở riêng một HLV trưởng nào để mơ cao đến World Cup.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.