Quê tôi, miền Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, một mảnh đất nhỏ hẹp, nắng cháy da của miền Trung "đất cày lên sỏi đá". Chiến tranh cày xới nát tan, khiến nhiều gia đình tang thương phải lìa xa nơi chôn nhau cắt rốn, tha hương cầu thực. Gia đình tôi cũng nằm trong hoàn cảnh đó, nên khi ra đi lòng bao nỗi nhớ. Ai có nằm trong hoàn cảnh ấy, mới hiểu hết hai từ "thương nhớ", không phải là cái nhớ thương bình thường, mà là cái thương nhớ "cắt ruột", như cha mẹ tôi thường kể cho chúng tôi nghe mỗi khi nhắc đến quê cha đất tổ của mình.
Đúng vậy, ra đi lòng như dao cứa, chứ không phải ra đi để "lang bạt kỳ hồ", nên sâu thẳm trong tâm hồn là niềm đau đáu khôn nguôi. Nhớ đường làng, ngõ xóm, lũy tre xanh, giếng nước đá ong; nhớ mái nhà tranh vách đất, bầy chim sẻ về xây tổ ríu rít đầu hồi. Riêng tôi, nhớ nhất là những kỷ niệm gắn với tuổi ấu thơ, mà tôi luôn cất giữ trong "ngăn kéo ký ức". Nỗi nhớ như chiếc kẹo kéo ngọt lịm, mỗi lần nhớ quá tôi thường kéo ra gặm nhấm, để rồi sau những ngọt ngào là xót xa, là mặn chát nước mắt... Mỗi lần như thế, tôi thường nuốt nỗi nhớ vào trái tim dại khờ, mà quê hương đã trao ban cho tôi từ khi ra đời...
Tuổi thơ tôi thích nhất là ba ngày Tết. Tôi không nói cái Tết chung chung, mà nói cái Tết quê nghèo không có gì hơn, ngoài niềm vui khó nhọc mà cha mẹ tôi dành dụm được. Tôi biết nhà người ta có thịt heo, có bánh tét, có kẹo thèo lèo, nhà tôi chỉ có hai thứ bánh đơn sơ do chính tay cha mẹ tôi làm ra. Đó là bành nổ và bánh thuẫn...
Bánh nổ được làm ra từ những hạt nếp hương mà cha mẹ tôi cày cấy trên đám ruộng "rộc" - từ địa phương chỉ một đám ruộng nhỏ màu mỡ và quanh năm được tưới nước đầy đủ, hoặc được kéo lên từ "bờ xe nước" của một khúc sông Trà. Nhờ thế, những hạt nếp hương tròn vo tỏa mùi thơm, sau khi phơi cất trong bồ, chờ đến Tết đem rang trên chiếc nồi cát, tiếng nổ lụp bụp. Anh em tôi quay quần quanh bếp lửa, chỉ chực bàn tay mẹ mở nắp để lượm những hạt bỏng nổ tung, vung vãi quanh bếp tro mà hít hà, mà sung sướng cho vào cái miệng thèm thuồng, háu ăn. Khi những hạt nếp nổ giòn, bỏng trắng xóa đầy vun trong thúng, mẹ tôi sên đường, rồi đâm gừng tươi bỏ vào cho thơm. Cha tôi đã để sẵn một cái khuôn bằng gỗ mít màu cánh gián rất đẹp, đêm 29 - 30 tiếng dện bánh thập thùng, hình ảnh cha tôi giơ chiếc vồ đóng xuống đều đều, hai cánh tay vạm vỡ phi thường. Sau khi bánh kết dính vào nhau thành cây, cha tháo khuôn, mẹ tôi khéo léo dùng chiếc dao cán dài bén ngót xắt bánh ra từng chiếc vuông vức, đều đặn. Những mảnh vỡ cùi đày sót lại, anh em tôi chia nhau, gói vào giấy báo cất riêng. Tôi thường bị anh lén ăn bớt, chị tôi lại đền phần mình cho em...
Rồi bánh thuẫn cũng hấp dẫn tuổi thơ tôi không kém. Đàn vịt đẻ mẹ nuôi ngoài ao, để dành những quả trứng to làm bánh. Hàng mì tinh cha trồng quanh bờ rào, đã thu lên xay thành bột. Cứ thế, một ký trứng, một ký đường vàng, một ký hai bột mì tinh trộn vào. Anh em chúng tôi thay nhau "đánh" bột, chúng tôi đánh mãi, đánh mãi mệt nhoài cho đến khi bột nổi là lúc mẹ bắt đầu đổ bánh. Trên nồi than đỏ rực là cái khuôn 12 hình kiểu khác nhau. Mẹ lấy một que chuối đập dập để quệt dầu vào khuôn, đổ bột vào và đậy nắp lại, trên nắp là những cục than hồng. Nhờ thế mà bánh rất dậy, nở đều vun cả lên, mẹ nói bánh thuẫn nở đẹp là năm nay nhà mình ăn nên làm ra. Dĩ nhiên, mẹ luôn cho chúng tôi những chiếc bánh đầu bị lỗi do lửa chưa đều. Mùi vani trong bánh chín thơm lừng xộc vào mũi, đứa nào cũng thòm thèm chảy nước miếng. Vì vậy mà sau này xa quê, cái mùi bánh mê hoặc ấy không thể nào quên... Bây giờ với hương vị bánh chợ, không sao bằng được ngày xưa, cho nên trong tôi, mùi bánh nổ, bánh thuẫn đã nuôi lớn một phần tuổi thơ tôi, và đã trở thành thứ mùi của nỗi nhớ, dù có lưu lạc khắp bốn phương trời. Hạnh phúc nhất là được thắp lên bàn thờ tổ tiên, cha mẹ nén hương lòng, cùng với hai loại bánh "gia bảo" của nhà tôi mà thương, mà nhớ đầy vơi...
Có lẽ sau này, tôi cũng muốn các con tôi nhớ đến chúng tôi, chính là nhớ đến hương vị quê hương đã được ấp ủ, dưỡng nuôi từ dòng sữa mẹ sông Trà...
|
Bình luận (0)