Chỉ trong một tiếng đồng hồ và đến 7 quán cà phê ở TP.Đồng Hới, hai ông đã phát hiện 15 cán bộ, công chức đang cà phê cà pháo ngay trong giờ hành chính. Đó chỉ là số người mà ông Bính có thể “điểm danh” được mà thôi, vì đồ rằng còn nhiều trường hợp khác nữa.
Hầu hết bạn đọc ủng hộ, hoan nghênh cách làm cụ thể của bí thư tỉnh ủy, nhưng cũng có người cho rằng, một tư lệnh quân đoàn không nên làm thay việc của... đại đội trưởng.
Trước hết, về mặt thực trạng, chính ông Lương Ngọc Bính đã rất bức xúc khi nói: “…trên địa bàn tỉnh vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thực hiện công việc chưa nghiêm, ví như lạm dụng việc sử dụng xe công; trong giờ hành chính, nhất là buổi trưa hay sử dụng rượu bia; rồi đi muộn về sớm, làm việc riêng trong giờ làm việc, không tập trung công tác chuyên môn; tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp chưa được tận tụy…”, và ông kiên quyết: “Không thể chấp nhận cán bộ ăn lương nhà nước, ăn lương của dân mà đi la cà như thế được”.
Trong lúc thủ trưởng các đơn vị trong tỉnh thì sao? Họ vẫn không có một biện pháp nào để chấn chỉnh tình trạng này, để nhân viên mình la cà hàng quán, không chịu làm việc, nhưng lại “cứ kêu thiếu cán bộ, thiếu biên chế” - lời ông Lương Ngọc Bính.
Và vì thế, ai cũng thấy, bí thư tỉnh ủy không làm thay, vì nếu đại đội trưởng làm tốt thì đâu đến nỗi tư lệnh phải “ra tay”?
Tình trạng này, công bằng mà nhìn nhận, là tình trạng không chỉ diễn ra ở Quảng Bình.
Trở lại vấn đề, chúng tôi thấy tất cả đều xuất phát từ sự quản lý của các cơ quan, đơn vị. Thứ nhất, nếu giáo dục tốt thái độ, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, công chức thì mỗi người đã “tự quản lý lấy mình”. Thứ hai, nếu thái độ cán bộ công chức chưa tự giác thì các đơn vị phải có biện pháp quản lý (ví như chỉ cần mỗi người có một chiếc thẻ có mã vạch để quẹt mỗi khi ra vào cổng như nhiều doanh nghiệp thường làm để quản lý công nhân) và thường xuyên kiểm tra chuyện này thì đố ai dám “tham nhũng” thời gian và coi thường dân như các cán bộ này được. Thứ ba, nếu công việc hối thúc thì họ đâu “nhàn cư…”, chắc chắn đây là cán bộ công chức của các đơn vị “việc ít người nhiều” tức là dôi dư biên chế.
Hoan nghênh bí thư tỉnh ủy đã có hành động cụ thể, thiết thực, hành động này như phát súng cảnh báo, còn thì từ nay ông bí thư nên đi kiểm tra việc khác (nhiều việc khác còn bức xúc lắm và rất cần ông), còn việc la cà hàng quán thì nên giao cho các đơn vị hoặc tổ chức đường dây nóng để người dân cũng có thể tham gia giám sát cán bộ, như phản ánh đến cơ quan nào chưa có người làm, phát hiện cán bộ, công chức đi nhậu, đi cà phê trong giờ hành chính…Và ông phải quyết liệt hơn, không chỉ “phát hiện ai là kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí gọi cơ quan đến nhận người” mà phải nói rõ, phát hiện người của đơn vị nào thì thủ trưởng đơn vị đó phải chịu kỷ luật, thậm chí là cho thôi chức vụ.
Việc ông Bính “vi hành” không phải là điều mới lạ, chúng ta từng nghe nhiều chuyện như thế (ví như ông Nguyễn Bá Thanh thời còn làm Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã đi ăn ốc hút lề đường để hỏi chuyện thuế má và khi biết họ đánh thuế bà bán ốc hút như thế nào ông đã điện thoại gọi ngay cục trưởng cục thuế đến). Và những chuyến vi hành của các ông đã có tác động rất lớn. Nhưng có một điều lạ là ít cán bộ lãnh đạo làm được điều này. Vì sao? Đó là một câu hỏi.
>> Bí thư Tỉnh ủy “vi hành” quán cà phê
Nguyễn Thế Thịnh
Bình luận (0)