Vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng tại Việt Nam

20/11/2023 18:11 GMT+7

Việt Nam ở trong số các nước có tỷ lệ kháng thuốc cao do lạm dụng, sử dụng thuốc không hợp lý, xu hướng kháng kháng sinh ngày càng tăng trong thập kỷ qua.

Hôm nay 20.11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ NN-PTNT, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các bộ, tổ chức liên quan đã tổ chức hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Hội nghị được tổ chức nhân tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc, từ 18 - 24.11, với chủ đề "Cùng nhau ngăn chặn tình trạng kháng thuốc".

Vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng tại Việt Nam - Ảnh 1.

WHO, Bộ Y tế và các bộ liên quan kêu gọi hành động phòng, chống kháng thuốc

WHO

Theo WHO, kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc, khiến việc điều trị nhiễm trùng ngày càng trở nên khó khăn hoặc không thể điều trị được.

Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ kháng thuốc cao do lạm dụng, sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật, đặc biệt là thuốc kháng sinh; hiệu thuốc bán thuốc kháng sinh không kê đơn và bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh không hợp lý.

Vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng tại Việt Nam - Ảnh 2.

Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý ngăn chặn kháng thuốc

NGỌC THẮNG

Thứ trưởng Bộ Y tế  Trần Văn Thuấn cho biết: "Kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam. Báo cáo gần đây từ dữ liệu kháng sinh đồ cho thấy, xu hướng kháng kháng sinh ngày càng tăng trong thập kỷ qua. Nhiều thách thức trong phòng, chống kháng thuốc vẫn còn tồn tại, bao gồm năng lực hạn chế của các phòng xét nghiệm trong việc tiến hành giám sát và phân tích dữ liệu, kê đơn thuốc kháng sinh không phù hợp và thiếu việc thực thi các quy định về bán thuốc kháng sinh.

Kê đơn các kháng sinh dùng trên động vật

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Việt Nam đã cấm sử dụng kháng sinh kích thích tăng trưởng từ năm 2018, ban hành thông tư yêu cầu kê đơn đối với tất cả các loại kháng sinh sử dụng trên động vật kể từ năm 2020 và sẽ loại bỏ dần việc sử dụng kháng sinh điều trị dự phòng trong ngành chăn nuôi vào năm 2026. 

TS Rémi Nono Womdim, đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam, lo ngại kháng thuốc trong thực phẩm và nông nghiệp gây ra rủi ro cho hệ thống lương thực, sinh kế và nền kinh tế. 

Bên cạnh tác động tiêu cực trực tiếp đến động vật, kháng thuốc có thể lây lan giữa các vật chủ và môi trường khác nhau, đồng thời các vi sinh vật kháng thuốc có thể làm ô nhiễm chuỗi thức ăn. 

"Thực hành chăn nuôi tốt, an toàn sinh học, vệ sinh, tiêm phòng và các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng khác là rất cần thiết để giảm nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh ở động vật", TS Rémi Nono Womdim nêu ý kiến.

Theo WHO tại Việt Nam, người dân chỉ nên dùng thuốc kháng sinh và các loại thuốc chống vi sinh vật khác do nhân viên có chuyên môn và thẩm quyền kê đơn, luôn tuân thủ theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng kháng sinh; không bao giờ dùng chung hoặc sử dụng kháng sinh còn thừa của người khác; ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, chuẩn bị thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần với người bệnh, thực hành tình dục an toàn và tiêm chủng đầy đủ.

Trên thế giới, năm 2017 có khoảng 558.000 trường hợp mắc lao đã kháng với thuốc rifampicin và 82% trường hợp kháng rifampicin là lao đa kháng thuốc. Các phác đồ điều trị lao đa kháng thường kéo dài, kém hiệu quả và đắt hơn nhiều so với phác đồ điều trị vi khuẩn lao chưa kháng. Dưới 60% ca bệnh lao đa kháng được điều trị khỏi.

Kháng thuốc HIV có thể là thách thức lớn với mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Theo ước tính của WHO, kháng thuốc điều trị HIV có thể gây ra thêm 135.000 ca tử vong, 105.000 ca nhiễm HIV mới tương ứng với chi phí 650 triệu đô la Mỹ trong vòng 5 năm tới trên toàn cầu.

Dự báo đến 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100.000  tỉ đô la Mỹ và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong thêm trong mỗi năm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.