Vì một Việt Nam tươi đẹp, hùng cường

02/09/2024 05:30 GMT+7

Hướng tới mục tiêu trên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay người đứng đầu Chính phủ luôn nhấn mạnh, thúc giục các bộ ngành, địa phương hành động theo tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", biến nhiều điều tưởng như không thể thành có thể.

Từ công trường ngổn ngang năm trước, nay đã dần rõ hình hài sân bay Long Thành; hay rút ngắn thần tốc đưa đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối về đích rồi tiệm cận mục tiêu 3.000 km cao tốc… Những kết quả đong đếm được càng trở nên có ý nghĩa hơn khi mới cách đây 5 - 6 năm, gần như không có dự án hạ tầng lớn nào được khởi công do nhiều vướng mắc về cơ chế, thủ tục và cả tâm lý sợ sai, né trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.

Vì một Việt Nam tươi đẹp, hùng cường- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào tháng 2.2024

ẢNH: LÊ LÂM

Quyết tâm hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng XIII đã đề ra, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thực sự "xắn tay áo" vào cuộc. Không chỉ là hàng loạt nghị quyết, thông tư, chỉ đạo được ban hành quyết liệt, mà còn là hàng chục cuộc họp trực tiếp tháo gỡ vướng mắc và hàng chục cuộc thị sát của Thủ tướng, các Phó thủ tướng tới từng điểm nóng công trường, với tinh thần vướng đâu gỡ đó. Sự quyết tâm và quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ đã truyền cảm hứng tới nhiều cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp, tạo nên những chuyển biến đột phá, nhất là tư duy dám làm, dám chịu trách nhiệm.

THẦN TỐC ĐƯỜNG DÂY 500 KV

Khởi công tháng 10.2023, dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) dài khoảng 519 km, đi qua 9 tỉnh đang được thi công thần tốc để về đích đúng dịp Quốc khánh 2.9. Là công trình trọng điểm nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, đường dây 500 kV là minh chứng rõ nét cho sức mạnh tổng lực toàn dân, biến những điều tưởng chừng như không thể thành có thể trong thời gian ngắn.

Vì một Việt Nam tươi đẹp, hùng cường- Ảnh 2.

Chính thức khởi công cuối tháng 8.2023, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã dần lộ rõ hình hài, nhất là công trình nhà ga hiện đại lấy ý tưởng từ hình ảnh hoa sen và đường cất hạ cánh

ẢNH: LÊ LÂM

Đáng nói, trong những ngày đầu khi triển khai dự án, khó khăn là vô vàn, có thể kể đến giải phóng mặt bằng chậm chạp, thiếu đường hậu cần, không gian thi công, nhiều vị trí địa hình hiểm trở, phức tạp… Song, với quyết tâm cao nhất để hoàn thành công trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh "áp lực lớn đòi hỏi phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc gì dứt việc đó".

Theo người đứng đầu Chính phủ, đường dây 500 kV mạch 1 dài khoảng 1.500 km mất khoảng 2 năm thi công (hoàn thành năm 1994), thì đường dây 500 kV mạch 3 dài hơn 500 km, với điều kiện tốt hơn về kinh nghiệm, công nghệ, trình độ thì thời gian phải rút ngắn hơn nữa. Để làm được điều này, Thủ tướng yêu cầu phải đổi mới cách làm, phối hợp nhưng phân định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, địa phương, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các nhà thầu tại chỗ. Với những việc cần chuyên môn cao hơn, EVNNPT phải đóng vai trò chủ công hoặc làm 100% như dựng cột, kéo dây; những việc như đào móng, làm móng không phức tạp thì các doanh nghiệp tại địa phương cũng có thể làm…

Tổng nhân lực thi công huy động trên công trường trải dài khắp 9 tỉnh, thành lên đến 15.000 người, trong khi lực lượng công nhân có tay nghề, chuyên môn của các nhà thầu chỉ có khoảng 7.000 - 8.000 người… Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 9 tỉnh đoàn nơi có các dự án đi qua đã phối hợp với EVN/EVNNPT lập khoảng 300 đội hỗ trợ với hơn 4.000 đoàn viên, thanh niên tình nguyện.

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, dự án đường dây 500 kV không có cơ chế đặc thù, toàn bộ công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng, thi công đều theo các quy chế hiện hành. Với những dự án thông thường như vậy, thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư mất khoảng 2 - 3 năm, nhưng thực tế sau khi Thủ tướng yêu cầu triển khai dự án, toàn bộ công tác chuẩn bị đầu tư chỉ 5 tháng. Công tác thiết kế, đấu thầu, giải phóng mặt bằng… được các địa phương nơi dự án đi qua vào cuộc hỗ trợ rất tích cực. Trong đó, Thanh Hóa đã dùng quỹ đất của dự án khác để tái định cư cho dự án này. Nhờ đó, dù mặt bằng toàn dự án liên quan đến 5.400 hộ dân và hơn 300 doanh nghiệp nhưng đã được giải phóng nhanh chóng.

Vì một Việt Nam tươi đẹp, hùng cường- Ảnh 3.

Cao tốc qua địa bàn Thanh Hóa

ẢNH: MINH HẢI

"Có sức người sỏi đá cũng thành cơm", những kỹ sư, công nhân đã làm xuyên ngày xuyên đêm, bắt đầu thi công từ đầu năm khi thời tiết còn giá rét, trải qua tháng 4 - 5 nắng nóng cao điểm và tháng 6 - 7 mưa lũ. Chỉ trong 6 tháng, Thủ tướng đã họp ban chỉ đạo 4 cuộc và trực tiếp nhiều lần xuống công trường tại các tỉnh, thành để động viên công nhân, thúc giục nhà thầu "vượt nắng thắng mưa" thi công công trình. Vượt qua "túi mưa, chảo lửa" của miền Trung, địa hình đồi núi cheo leo, hiểm trở với những cột điện cao gần 200 m, nặng gần 370 tấn thép đã được dựng lên, để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới rừng.

Hơn 1.700 cây cột như vậy đã được anh em kỹ sư, công nhân và đoàn viên thanh niên tình nguyện cùng bà con địa phương góp sức, dựng nên đường truyền tải dọc miền Trung dài hơn 500 km, không chỉ tạo nên một trong những kỳ tích trong lịch sử ngành điện khi xây dựng trong thời gian ngắn, mà còn góp phần trong chiến lược hạ tầng năng lượng quốc gia. Nếu đường dây 500 kV mạch 1 trước đây là cuộc hành quân để đưa điện từ bắc vào nam, thì đường dây 500 kV mạch 3 ngày nay lại là hành trình đưa điện từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc để bổ sung nguồn điện trong cao điểm nắng nóng khô hạn.

HIỆN THỰC HÓA GIẤC MƠ 3.000 KM CAO TỐC

Những ngày này, gần 1.700 kỹ sư, công nhân và hơn 700 thiết bị các loại trên đại công trường dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (Quảng Trị) miệt mài thi công từ sáng sớm đến đêm muộn để nỗ lực rút ngắn tiến độ xuống 3 tháng. Theo ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, cùng với loạt dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ sẽ về đích trong năm 2025.

Ngay cả những người làm trong ngành giao thông trước đây có lẽ cũng không bao giờ tưởng tượng được đến năm 2025, cả nước có thể có 3.000 km cao tốc. Khởi động tuyến cao tốc đầu tiên ở thời điểm khá muộn so với nhiều nước, trong 20 năm, Việt Nam chỉ làm được khoảng 1.000 km cao tốc, nhưng chỉ hơn 3 năm từ đầu nhiệm kỳ tới nay đã có hơn 900 km cao tốc đưa vào khai thác, nâng tổng số lên 2.000 km cao tốc. Chưa bao giờ cả nước như một "đại công trường" nhộn nhịp thi công, với hàng loạt dự án từ đường bộ cao tốc, đến sân bay, đường sắt trải khắp 45 tỉnh, thành 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Như đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia, "đây là sự nỗ lực vươn lên, kế thừa của Chính phủ qua các nhiệm kỳ, dưới sự lãnh đạo của Đảng qua các nhiệm kỳ đại hội khác nhau. "Vạn sự khởi đầu nan", chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, giải quyết nhiều công việc vướng mắc".

Một trong ba đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng độ, hướng đến mục tiêu 3.000 km cao tốc vào năm 2025 và tới năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc. Cuộc cách mạng làm đường bộ cao tốc bắt đầu từ quyết tâm triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 và được tiếp tục với giai đoạn 2 (2021 - 2025), nối liền một dải Bắc - Nam bằng đường bộ cao tốc, từ cửa khẩu Lạng Sơn đến địa đầu mũi Cà Mau. Trong đó, giai đoạn 2 được rút ngắn thời gian chuẩn bị đáng kể nhờ Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù về lựa chọn nhà thầu, gỡ vướng về mỏ vật liệu...

Đặc biệt, giải phóng mặt bằng thường là công tác phức tạp nhất của dự án do liên quan tới đền bù, tái định cư, tạo sinh kế cho người dân. Song từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các địa phương đã mạnh dạn thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện giải phóng mặt bằng, tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân.

Vì một Việt Nam tươi đẹp, hùng cường- Ảnh 4.

Khởi công tháng 10.2023, dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối dài khoảng 519 km, đi qua 9 tỉnh đang được thi công thần tốc để về đích đúng dịp Quốc khánh 2.9

ẢNH: PHẠM ĐỨC

Nhờ vậy, chỉ sau 1 năm từ khi các dự án quan trọng quốc gia được thông qua chủ trương đầu tư và sau 6 tháng từ khi nhận được đầy đủ cọc giải phóng mặt bằng, các địa phương đã thực hiện thu hồi để bàn giao cho các chủ đầu tư dự án ít nhất trên 70% diện tích, đáp ứng đủ điều kiện để khởi công.

Trong nhiều cuộc họp về tiến độ các dự án trọng điểm, Thủ tướng đã phát động phong trào thi đua 500 ngày để hoàn thành 3.000 km cao tốc trước 31.12.2025. Tinh thần thi đua "chạy nước rút" này được lan tỏa tới từng dự án, từng ban quản lý, nhà thầu. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho hay với 13 dự án có tổng chiều dài 736 km, nhiều đoạn sẽ được rút ngắn thi công 3 - 6 tháng, hoàn thành trong năm 2025. Ngoài ra, 10 dự án thành phần với tổng chiều dài 377 km sẽ được quyết liệt tập trung tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, vật liệu, thi công 3 ca 4 kíp để hoàn thành vào 2025…

BÀI HỌC TỪ SÂN BAY LONG THÀNH

Cách đây hơn 2 năm, tháng 2.2022, khi trực tiếp vào kiểm tra Cảng hàng không quốc tế Long Thành - dự án trọng điểm về hàng không lớn nhất từ trước tới nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê bình nghiêm khắc các đơn vị chịu trách nhiệm. Cho rằng "đến nơi làm việc của ban quản lý dự án còn chưa có thì liệu dự án sau 4 năm có hoàn thành được không", người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ tư duy, cách tổ chức, làm việc chưa ổn. Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và chủ đầu tư các dự án thành phần khác, UBND tỉnh Đồng Nai phải phối hợp chặt chẽ, đổi mới cách làm, thảo luận tìm ra giải pháp cụ thể cho từng ngày, từng tháng, bám sát công trường. Ai làm được thì quyết tâm, ra sức thực hiện; ai không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm.

Vẫn với tinh thần "xắn tay" vào việc, những vướng mắc lớn nhất của dự án lần lượt được Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ, đặc biệt là giải phóng mặt bằng và đấu thầu dự án lớn nhất - dự án thành phần 3 nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Chính thức khởi công cuối tháng 8.2023, từ một dự án bị xem là ì ạch, tới thời điểm này Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã dần lộ rõ hình hài, nhất là công trình nhà ga hiện đại lấy ý tưởng từ hình ảnh hoa sen và đường cất hạ cánh. Nếu 2022, 2023 là những năm khởi động thì 2024 là năm tăng tốc và 2025 sẽ là năm bứt phá của dự án, đưa sân bay Long Thành vào khai thác trong năm 2026.

Từ cấp cao nhất, Thủ tướng đến các Phó thủ tướng, ban chỉ đạo, tổ công tác, cho đến các bộ ngành vào cuộc trực tiếp, gỡ vướng cụ thể cho từng tiểu dự án cụ thể qua các cuộc họp. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc đồng hành dự án ngay từ đầu, đảm bảo việc tuân thủ quy định pháp luật, phòng chống tham nhũng. Kiểm toán Nhà nước cũng vào kiểm tra định kỳ.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV ACV

Thành công bước đầu trong triển khai dự án sân bay Long Thành, theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV ACV, là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, tháo gỡ từng vướng mắc cụ thể, không chỉ nói chung chung. "Từ cấp cao nhất, Thủ tướng đến các Phó thủ tướng, ban chỉ đạo, tổ công tác, cho đến các bộ ngành vào cuộc trực tiếp, gỡ vướng cụ thể cho từng tiểu dự án cụ thể qua các cuộc họp. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc đồng hành dự án ngay từ đầu, đảm bảo việc tuân thủ quy định pháp luật, phòng chống tham nhũng. Kiểm toán Nhà nước cũng vào kiểm tra định kỳ. Đảng ủy khối doanh nghiệp T.Ư đã chỉ đạo sát sao Đảng ủy ACV trong nhận thức và trách nhiệm thực hiện dự án trọng điểm quốc gia...", ông Thanh cho hay.

"Tất cả những việc này đảm bảo việc thực hiện dự án minh bạch, các cơ quan nhà nước và chủ đầu tư "cùng lên một thuyền", kịp thời phát hiện, sửa chữa bất cập", ông Thanh đánh giá. Theo hợp đồng, tháng 11.2026, dự án "siêu sân bay" Long Thành sẽ đi vào khai thác, song ACV đang phấn đấu rút ngắn tiến độ để đưa vào khai thác dịp 2.9.2026.

Đúng như tinh thần "đã nói phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả" mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh, dấu ấn từ những công trường sôi động khắp cả nước là kết quả từ những đột phá quan trọng về thể chế, cơ chế, chính sách, từng bước đạt các mục tiêu quan trọng trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 mà Đại hội Đảng đã đặt ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.