Trong bối cảnh đoàn thể thao VN từng giành thành tích huy chương vượt trội tại SEA Games sân nhà, thì tin tức trên rất dễ tạo ra sự hoài nghi về nền thể thao chân chính.
Trong lịch sử thể thao VN từ khi hội nhập quốc tế đến nay từng có không ít vận động viên (VĐV) bị dính chất cấm. Phần lớn nguyên nhân được cho là do họ “thiếu hiểu biết” trong quá trình tự chăm sóc, bồi bổ bằng những loại thuốc không phù hợp với các quy định phòng chống doping. Điều này dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho cá nhân VĐV và khiến thể thao VN hứng chịu nhiều thiệt thòi.
Ở bình diện quốc tế, Nga cũng đang gánh chịu những hậu quả khôn lường bởi hàng loạt VĐV bị phát hiện sử dụng doping cách đây nhiều năm. Hậu quả là thể thao Nga bị cấm thi đấu tại nhiều sự kiện lớn như Olympic mùa hè và mùa đông vì họ đánh mất sự liêm chính trong thể thao. Đó thật sự là cái tát trời giáng vào niềm kiêu hãnh, vinh dự của cường quốc thể thao như nước Nga.
Trở lại với câu chuyện của chúng ta. Đã từng có nhiều vận động viên môn thể hình bị dính doping vì trải qua bước kiểm tra tiền SEA Games 31. Đáng tiếc là chúng ta làm không đại trà, thiếu nghiêm khắc ở bước sàng lọc này. Chúng ta bỏ ra nhiều kinh phí để tổ chức sự kiện lớn nhưng lại rất “tiết kiệm” để đầu tư cho sự chính trực của một nền thể thao.
VN nhiệt tình tham gia các công ước, quy định quốc tế về chống gian lận trong thể thao, hưởng ứng nhiều chiến dịch phòng chống doping của quốc tế, nhưng lại chưa tạo ra thiết chế bài bản về vấn đề này.
Chúng ta có cả Trung tâm doping và y học thể thao nhưng vấn đề nghiên cứu khoa học thể thao, tạo ra quy trình đúng nghĩa, đưa ra các giải pháp căn cơ, định hướng về chăm sóc sức khỏe VĐV, ngăn ngừa VĐV bước qua “lằn ranh đỏ” của các quy chuẩn, quy định lại rất… mờ nhạt!
Tự hào là cường quốc thể thao khu vực nhưng mỗi khi xét nghiệm, kiểm tra doping chúng ta phải mang mẫu sang các nước cùng khu vực để kiểm tra kết quả. Vậy là do người ta giỏi hay do mình dở - làm chưa tới nơi, tới chốn?
Lâu nay chúng ta chống doping chủ yếu bằng kêu gọi, trông chờ vào ý thức của VĐV chứ chưa chú trọng đầu tư thật sự vào các giải pháp khoa học, tiêu chuẩn an toàn cho nền thể thao nước nhà. Thực tế, sự chính trực của một nền thể thao không thể trông chờ vào tính tự giác của từng cá nhân mà hẳn phải thiết lập được những nguyên tắc nghiêm túc, dựa trên cơ sở quy chuẩn khoa học.
Vì vậy, ngành thể thao cần khẩn trương vào cuộc, minh bạch thông tin, đưa ra các biện pháp xử lý tương xứng đúng người, đúng việc thay vì chậm trễ, né tránh…
Từ đây, khoa học thể thao, phòng chống doping cần phải được đặt đúng vị trí để chúng ta đầu tư nghiêm túc, tìm ra giải pháp thực chất chứ không thể cứ mãi than vãn do “thiếu tiền”. Đừng để những nỗ lực chính đáng của các VĐV tử tế bị liên lụy bởi cái bóng doping!
Bình luận (0)