Vì nước quên thân vì dân phục vụ - Kỳ 5: Xả thân bắt tội phạm

17/08/2015 05:32 GMT+7

Dù đã hơn 4 năm, kể từ ngày thượng sĩ Lê Thanh Tâm (26 tuổi), công tác tại Công an H.Cẩm Mỹ (Đồng Nai) anh dũng hy sinh nhưng đồng đội vẫn không thể nào quên được giây phút anh ngã xuống.

Dù đã hơn 4 năm, kể từ ngày thượng sĩ Lê Thanh Tâm (26 tuổi), công tác tại Công an H.Cẩm Mỹ (Đồng Nai) anh dũng hy sinh nhưng đồng đội vẫn không thể nào quên được giây phút anh ngã xuống.

Đồng đội đưa tiễn trung úy Lê Thanh Tâm, người chiến sĩ quên thân để cứu dân
Đồng đội đưa tiễn trung úy Lê Thanh Tâm, người chiến sĩ quên thân để cứu dân - Ảnh: do gia đình cung cấp
Tiếp chúng tôi ngày 12.8, thiếu tá Nguyễn Gia Định - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an H.Cẩm Mỹ vẫn nhớ như in buổi chiều đấu súng với hai tên cướp nguy hiểm. “Nhớ, bởi đó là sự hy sinh của một người em, người đồng đội của tôi - trung úy Lê Thanh Tâm (thời điểm này đang là chiến sĩ thực tập tại Công an H.Cẩm Mỹ, cấp bậc thượng sĩ). Nhớ, bởi đó còn là tình huống mà lần đầu tiên tôi đối diện với cái chết cận kề trong khi thực hiện nhiệm vụ”, thiếu tá Định mở đầu câu chuyện.
Súng chĩa vào nhau
Khoảng 15 giờ 30 ngày 19.7.2011, Trần Quốc Tuấn (26 tuổi) điều khiển xe gắn máy chở Bùi Văn Trung (26 tuổi, cùng ngụ Đồng Nai) lưu thông trên hương lộ 10, đoạn qua xã Xuân Đường (H.Cẩm Mỹ) thì bị công an dừng phương tiện do vi phạm luật giao thông, nhưng cả hai không chấp hành, bỏ chạy. Chạy một đoạn thì cả hai ngã xe và bị lực lượng Công an xã Xuân Đường khống chế. Bất ngờ, Tuấn rút súng bắn làm anh Hồ Thông (công an viên) bị thương ở đùi rồi tẩu thoát. Chạy thêm một đoạn, xe của Tuấn bị hỏng máy. Thấy ông Phạm Thái Tương (người đi đường) chạy qua, Tuấn nhảy ra chĩa súng khống chế, cướp xe. Ông Tương chống cự thì bị Tuấn đánh ngã xuống đường, dùng súng bắn vào đầu nhưng viên đạn chỉ xuyên qua phần mềm thái dương và má phải.
“Lúc Công an xã Xuân Đường gọi điện báo có hai đối tượng vi phạm giao thông còn dùng súng bắn trả, đang chạy về hướng Long Giao, trong phòng chỉ có tôi và Tâm. Tôi gọi Tâm cùng đi truy bắt”, thiếu tá Định nhớ lại. Khi Tâm đi lấy xe, thiếu tá Định đi bộ ra cổng thì phát hiện hai đối tượng chạy xe máy với tốc độ rất cao từ hướng xã Cẩm Đường ra xã Long Giao, tên ngồi sau nhìn ngó nghiêng trông khả nghi. Lúc này, trung úy Đặng Văn Thành, trung úy Nguyễn Hoàng Long và đại úy Nguyễn Trung Dũng vừa đi học chính trị về cũng tham gia đuổi bắt hai đối tượng.
“Đuổi hơn 1 km, đến đoạn vòng xoay Cẩm Mỹ thì bắt kịp. Tôi rút súng bắn chỉ thiên yêu cầu dừng xe nhưng đối tượng vẫn cứ tháo chạy. Tên ngồi sau còn rút khẩu súng K59 từ trong áo chĩa về phía chúng tôi bóp cò nhưng đạn không nổ. Lúc này, hai xe chạy song song với tốc độ rất cao, súng hai bên chĩa vào nhau bóp cò nhưng đều bị kẹt đạn, sự việc chỉ xảy ra trong vài giây”, thiếu tá Định kể.
Niềm tự hào của gia đình
Quyết không để đối tượng chạy thoát, thiếu tá Định bảo Thành ép đầu xe hai đối tượng. Khi vừa té ngã, đối tượng tên Trung chui xuống ống cống ven đường trốn (sau đó bị công an bắt giữ), còn Tuấn cầm súng chạy ngược lại về hướng vòng xoay thì gặp các anh Tâm, Long và Dũng cũng vừa tới nên Tuấn chạy vào lô cao su. “Trong lúc chia nhau đi tìm, Tâm phát hiện đối tượng liền nhảy vào ôm vật thì bị trúng đạn của hắn”, thiếu tá Định nghẹn ngào. “Lúc đó tên Tuấn đang chuẩn bị cướp xe gắn máy của ông Đặng Văn Trưng (ngụ ấp Suối Cả, xã Long Giao, H.Cẩm Mỹ) để trốn chạy. Ông Trưng phản ứng thì tên này định nổ súng. Thấy vậy, Tâm từ phía sau nhào ra ôm vật xuống, trong lúc vật lộn thì bị tên cướp bắn. Nếu như Tâm không sớm can thiệp thì nguy cơ ông Trưng bị giết là rất cao vì đối tượng lúc này đang khát máu”, thiếu tá Định kể thêm.
Còn thiếu tá Thái Duy Lương - Đội trưởng Đội Tham mưu, Công an H.Cẩm Mỹ, nhớ lại: “Sáng đó (19.7.2011), Ban giám đốc Công an tỉnh họp công bố quyết định bổ nhiệm quyền đội trưởng cho tôi và anh Định. Chúng tôi dự tính hôm sau (20.7.2011) làm tiệc chia vui, đồng thời chia tay Tâm để Tâm về trường tiếp tục học tập. Ai ngờ từ ngày vui thành ngày bi thương, bữa tiệc liên hoan đã ngưng lại”. Thiếu tá Định nói thêm: “Lúc đó, công an xã báo bọn cướp sử dụng súng cao su. Chứ nếu nhận định đây là các đối tượng cướp, sử dụng súng thật thì chúng tôi đã chuẩn bị vũ khí, lực lượng để đối phó. Có thể câu chuyện buồn đã không xảy ra”.
Hôm chúng tôi đến nhà Tâm (xã Phú Túc, H.Định Quán, Đồng Nai), chỉ có bố mẹ Tâm là ông Lê Văn Hải (50 tuổi) và bà Đoàn Thị Sửa (49 tuổi) đang ngồi gói bánh chưng, bánh ú. Bà Sửa cho biết đã làm công việc này hơn 10 năm qua, mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 150.000 đồng. Rồi câu chuyện về Tâm nhiều lần bị ngắt quãng bởi nước mắt cứ lăn dài trên gò má bà Sửa. Bà Sửa nói: “Tâm ra đi là nỗi mất mát quá lớn đối với gia đình. Tuy nhiên, đó là cái chết anh dũng. Nó hy sinh để bảo vệ tính mạng của người dân, xứng đáng với màu áo công an đang mặc trên người. Gia đình tôi rất tự hào”.
Theo hồ sơ vụ án, Trần Quốc Tuấn, Bùi Văn Trung, Nguyễn Hoàng Mạnh (28 tuổi) và Trịnh Công Vững (26 tuổi, cùng ngụ Đồng Nai) quen biết nhau ở trong tù. Đầu năm 2011, Tuấn trốn khỏi trại giam, gặp lại các đối tượng trên (vừa ra tù) lập thành băng cướp có trang bị súng. Chỉ trong vòng 2 tháng (tháng 5 đến tháng 7.2011), băng cướp này đã dùng súng gây ra 4 vụ cướp ở Thanh Hóa, Đắk Lắk và Đồng Nai, giết chết 3 người. Sau khi thượng sĩ Lê Thanh Tâm ngã xuống, đối tượng Tuấn đã bị Công an xã Long Giao tiêu diệt bằng súng AK.
Ngày 17.7.2013, Tòa phúc thẩm TAND tối cao TP.HCM tuyên y án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai, tuyên phạt Trung tử hình, Mạnh tù chung thân và Vững 25 năm tù cùng về tội giết người và cướp tài sản.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.