Vì nước quên thân vì dân phục vụ - Kỳ 7: ‘Địa chỉ’ nương nhờ của dân

19/08/2015 05:39 GMT+7

Nhiều người dân KP.6, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12 (TP.HCM) luôn xem thượng úy Lê Đức Hằng (32 tuổi) như một ân nhân, là “địa chỉ” họ nương nhờ khi cảnh ngộ rơi vào bế tắc.

Nhiều người dân KP.6, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12 (TP.HCM) luôn xem thượng úy Lê Đức Hằng (32 tuổi) như một ân nhân, là “địa chỉ” họ nương nhờ khi cảnh ngộ rơi vào bế tắc.

Gần gũi với người dân, nhiệt tình giúp dân nên thượng úy Lê Đức Hằng được mọi người yêu mến
Gần gũi với người dân, nhiệt tình giúp dân nên thượng úy Lê Đức Hằng được mọi người yêu mến - Ảnh: Hải Nam
10 năm công tác tại Công an P.Tân Chánh Hiệp với vai trò cảnh sát khu vực, bằng niềm đam mê và nhiệt huyết giúp dân, thượng úy Lê Đức Hằng đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều người. Đã có biết bao nhiêu thân phận nổi trôi được anh giúp đỡ có hộ khẩu. Nhiều người xem anh như một ân nhân, là “địa chỉ” họ nương nhờ khi cảnh ngộ rơi vào bế tắc.
Tận tâm với cảnh đời lưu lạc
Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Liệu (63 tuổi) được anh Hằng giúp nhập khẩu và có CMND khiến nhiều người cảm kích. Trước đây, bà Liệu có hộ khẩu ở Q.1 (TP.HCM); cha của bà là liệt sĩ, chồng bà cũng đã qua đời. Vì mưu sinh, trước năm 1985 bà theo người quen sang Campuchia làm ăn rồi ở đó đến tận năm 2008 mới trở về VN sinh sống. Đi lâu nên hộ khẩu của bà bị xóa, giấy tờ cũng chẳng còn gì ngoài tấm CMND đã hết hạn sử dụng. Bà Liệu thuê nhà trọ, tạm trú tại KP.6, nơi anh Hằng quản lý. Tuy thuộc diện chính sách nhưng do không còn giấy tờ gì nên bà Liệu không được hưởng bất cứ chế độ nào trong khi tuổi đã cao, sức yếu. Muốn mua thẻ bảo hiểm y tế để phòng khi ốm đau bệnh tật cũng không được, bà đành cam chịu số phận. Bà Liệu cũng từng nhờ người này người khác làm giúp nhưng không được vì bà không có nhà ở ổn định…
Biết được trường hợp này, thượng úy Hằng đến gặp chủ nhà trọ bà Liệu thuê, vận động chủ nhà bảo lãnh cho bà. Nhờ sự tận tâm của anh mà sau một thời gian ngắn, bà Liệu đã được nhập hộ khẩu và cấp CMND mới. Niềm vui được nhân lên khi vào tháng 5 vừa qua bà Liệu đã chính thức được nhận tiền trợ cấp chính sách. Cầm giấy CMND mới trên tay, bà cảm động: “Bao nhiêu năm trời tôi làm mà có được đâu. Nhờ có chú Hằng mà giờ tôi có hộ khẩu, được nhận tiền trợ cấp chính sách 3 tháng nay rồi”.
“Giúp cho dân chính là giúp cho mình”
Không riêng trường hợp bà Liệu, từ lúc về làm cảnh sát khu vực ở đây, thượng úy Hằng đã giúp rất nhiều người có được hộ khẩu, CMND để tiện cho công việc. Thượng úy Hằng chia sẻ: “Hộ khẩu chỉ là phương tiện quản lý thôi. Mình giúp người dân có hộ khẩu chính là giúp cho công việc quản lý của mình thêm thuận tiện. Giúp cho dân chính là giúp cho mình”.
Theo thượng úy Hằng, đặc thù ở P.Tân Chánh Hiệp nói riêng và những vùng ven TP.HCM nói chung là đất đai đang quy hoạch, người dân ở nhiều nơi đổ về mua đất, cất nhà nhưng chưa có giấy tờ nhà. Bên cạnh đó, người thuê nhà ở trọ cũng nhiều. Vì vậy họ khó có thể làm được hộ khẩu. Trong quá trình công tác, hễ thấy trường hợp nào chưa được nhập khẩu mà hồ sơ có thể hoàn thiện là anh chủ động hướng dẫn người dân làm ngay.
Hôm chúng tôi đến gặp thượng úy Hằng tại trụ sở tiếp dân P.Tân Chánh Hiệp thì anh đang giải quyết hộ khẩu cho 3 người con của ông Phạm Văn Hai (60 tuổi, ngụ KP.6). Ông Hai kể, ngày xưa ông lấy vợ rồi nhập hộ khẩu vào nhà vợ. Tuy nhiên, do gia đình không được hòa thuận nên 3 con trai ông đều không được chủ hộ đồng ý cho nhập khẩu. Bản thân ông cũng sống nay đây mai đó nên cứ để vậy. Các con của ông, người lớn nhất năm nay 30 tuổi, nhỏ nhất cũng đã 25 tuổi, vì không hộ khẩu, không CMND nên đều không học hành đến nơi đến chốn. Lớn lên, cả ba đi học nghề rồi làm thuê, cuộc sống bấp bênh. Anh Phạm Đức Tiền, con út của ông Hai, nói: “Khổ lắm anh ơi, 3 anh em chẳng ai có bằng lái, muốn mua cái xe cũng không đứng tên được, xin việc vào các công ty mà không ai dám nhận. Anh trai sắp lấy vợ mà cũng không đăng ký kết hôn được”.
Theo ông Hai, suốt 4 năm nay, ông đã nhờ nhiều người giúp đỡ để có hộ khẩu, nhưng ai cũng lắc đầu vì “quá khó”. Mới đây, thượng úy Hằng đã gặp ông và tận tình chỉ giúp, hướng dẫn từng đường đi nước bước. Hiện hồ sơ của ông đã được Công an Q.12 tiếp nhận. Cầm biên nhận hồ sơ và giấy hẹn trả kết quả, ông Hai vui mừng: “Tuy chưa xong nhưng xem như được 99% rồi”. Thượng úy Hằng cũng vui như chính anh là người được giải quyết vậy.
Một điều mà thượng úy Hằng được người dân quý mến nữa là luôn quan tâm những gia đình có người thuộc diện tội phạm, người nghiện ma túy và tệ nạn xã hội. Cứ vài hôm, anh lại đến gặp gỡ, động viên những người này, rồi tìm công ăn việc làm cho họ, giúp họ hòa nhập cộng đồng. Vào mỗi dịp lễ tết, anh lại bỏ tiền túi của mình ra mua gạo, quà đến thăm họ. Nhờ vậy mà tình trạng tái nghiện, tái phạm tội ở khu vực có chuyển biến rõ rệt.
Không những giúp dân làm những việc rất đời thường, thượng úy Hằng cũng từng nhiều lần đối diện nguy hiểm khi tham gia bắt trộm, cướp, giữ bình yên cho địa bàn. Có lần anh phải đối diện với nguy cơ bị phơi nhiễm HIV khi truy bắt một đối tượng cướp giật có sử dụng dao. Đối tượng này bị nhiễm HIV đã tự dùng dao cắt cổ mình khiến máu dính khắp người anh Hằng... Sau đó, anh Hằng được chích thuốc chống phơi nhiễm và kết quả xét nghiệm âm tính với HIV.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.