Vẫn còn ngổn ngang
Ngày 29.9, Bộ NN-PTNT đã chủ trì cuộc họp để bàn giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU).
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, công tác triển khai hệ thống giám sát tàu cá còn nhiều bất cập, hiện chỉ có các tỉnh như Quảng Ninh, Ninh Bình, Thừa Thiên-Huế, Cà Mau, Sóc Trăng... hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị VMS (thiết bị giám sát hành trình). Nhiều địa phương có tỷ lệ lắp đặt thấp hơn trung bình cả nước như Hải Phòng (89,25%), Nam Định (88,2%), TP.HCM (87,5%), Trà Vinh (87,92%), Bạc Liêu (89,11%)...
Vẫn còn ngổn ngang nhiều việc cần giải quyết triệt để trước khi phái đoàn EC đến kiểm tra |
Hoàng Trọng |
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, công tác trực khai thác, sử dụng hệ thống giám sát tàu cá thiếu đồng bộ giữa các địa phương. Cụ thể, trung bình 1 ngày có khoảng 400 - 500 tàu mất kết nối trên biển, không rõ nguyên nhân. Đặc biệt, có tình trạng nhiều tàu cá cố tình ngắt kết nối khi ra sát vùng ranh giới trên biển cho phép. Việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá; kiểm soát sản lượng khai thác, truy xuất nguồn gốc tại nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong đó việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đặc biệt là tại các cảng cá còn nhiều hạn chế. So với sản lượng hải sản khai thác 3,67 triệu tấn năm 2021 thì chỉ mới kiểm soát được khoảng 15 - 18%.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: Trong 4 khuyến nghị của EC cho VN về chống IUU, nước ta hiện mới làm tương đối tốt ở khâu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý. Các khâu khác như chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc thủy sản còn nhiều điểm cần khắc phục.
Trên tinh thần công khai minh bạch thông tin, thể hiện rõ cam kết phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế của VN, Thứ trưởng nhấn mạnh: "Cảng cá, tàu cá hay doanh nghiệp nào vi phạm trong tháng cao điểm chống IUU sắp tới, cơ quan quản lý phải lập tức nêu tên, chỉ rõ sai phạm. Không thể để một vài cá nhân, tổ chức làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu ngư dân".
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, đợt kiểm tra của EC lần này được thực hiện chặt chẽ hơn nhiều. Thời gian công tác dự kiến của EC lên tới 10 ngày, kéo dài từ 19 - 29.10, gấp 3 - 4 lần so với những lần sang trước, và việc kiểm tra rất chuyên nghiệp, kỹ lưỡng.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định trong thời gian tới sẽ quản lý chặt chẽ, triệt để hoạt động đánh bắt xâm lấn vùng biển nước khác, trong đó sẽ giao cho hải quân, cảnh sát biển và kiểm ngư quản lý. Tuy nhiên, cái khó nhất vẫn là việc truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt, các cảng cá vẫn chưa được đầu tư hoàn thiện.
Thiệt hại lớn nếu bị thẻ đỏ
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi có số lượng tàu cá và cảng cá đứng thứ 2 cả nước, 13 cảng cá đang bước vào giai đoạn cao điểm kiểm tra việc đánh bắt chống khai thác bất hợp pháp (IUU). Cảng cá Cát Lở mỗi ngày có hàng chục lượt tàu cập bờ. Các cơ quan chức năng đã hình thành 3 tổ kiểm tra, chia theo các nội dung để giám sát toàn diện các hoạt động. 8 loại giấy tờ khi ngư dân xuất cảng và cập cảng cũng như các thiết bị cần thiết trên tàu được rà soát. Nhiều địa phương đã triển khai nghiêm các biện pháp kiểm soát, nhưng có nhiều tỉnh vẫn làm chưa tốt.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết: Năm 2022, ước tính xuất khẩu thủy sản sang EU đạt trên 1,4 tỉ USD. Nếu thẻ đỏ IUU xảy ra từ 2023, thiệt hại xuất khẩu riêng sang thị trường EU có thể lên tới 518 triệu USD. Ngành khai thác và chế biến hải sản khai thác sẽ giảm ít nhất 30% so với công suất hiện tại. Điều này sẽ làm giảm giá trị xuất khẩu, ảnh hưởng việc làm và việc xóa đói giảm nghèo.
“Khi bị thẻ đỏ IUU, ngành sẽ rất khó duy trì sự tăng trưởng tích cực trong xuất khẩu thủy sản trong những năm tới”, bà Nguyễn Thị Thu Sắc phân tích: “Thẻ đỏ IUU sẽ ảnh hưởng đến uy tín của các sản phẩm thủy sản nói chung VN. Các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản cũng có thể làm theo quy định IUU của EU, sẽ hạn chế hoặc ngừng nhập thủy sản từ VN. Đồng thời, giá thủy sản xuất khẩu sang các thị trường cũng sẽ giảm do các nhà nhập khẩu ép, hạ giá hoặc do phải cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm uy tín của không chỉ sản phẩm hải sản khai thác mà còn cả sản phẩm thủy sản nuôi trồng của VN. Khi đó, nền kinh tế thủy sản suy giảm, sẽ ảnh hưởng đến đời sống của hơn 4 triệu lao động VN. Việc này sẽ tác động mạnh đến các ngành khác do thay đổi cơ cấu lao động của ngành thủy sản”.
Xử lý vi phạm không đồng đều
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định hoạt động của 28 tỉnh, thành phố ven biển trong xử lý vi phạm không đồng đều. Ngoài ra, do vốn đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng cho cảng cá còn chậm, nhiều cảng cá loại 1 không thể kiểm soát được sản lượng thủy sản khai thác, khiến công tác gỡ thẻ vàng IUU gặp điểm nghẽn.
"Đã đến lúc phải chuyển hướng tư duy, xây dựng lại nghề cá không IUU với cả thế giới chứ không riêng gì với EU", bà Sắc đề nghị.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), chia sẻ: “Một trong những giải pháp quan trọng là chuyển đổi dần quản lý nghề cá theo cách truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin. Ví dụ, nhật ký khai thác bằng giấy chuyển sang nhật ký khai thác điện tử; quản lý tàu cá từ bằng giấy tờ thì chuyển sang hệ thống cơ sở dữ liệu; truy xuất nguồn gốc điện tử...”. Việc ngư dân thay đổi hẳn thói quen nghề nghiệp dạng "cha truyền con nối" cũng không dễ dàng vì đó là công việc họ đã làm từ rất lâu rồi. Bên cạnh đó, nhiều tình huống xử lý trên biển cũng hết sức khó khăn, ví dụ việc ghi chi tiết lịch trình do sóng lớn, do biển động. Vì vậy, cần có hình thức hữu hiệu hơn để thực hiện việc này. Đó chính là ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin để kiểm soát tàu cá.
Bình luận (0)